Những thông tin mới đây về việc đại gia Trầm Bê sẵn sàng "thâu tóm" Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) khiến dư luận quan tâm tới những toan tính trở thành tỷ phú đô la của đại gia bí ẩn này.
Cái tên Trầm Bê chỉ thực sự được nhắc nhiều qua sự kiện nổi đình nổi đám trong năm 2011: Các ngân hàng thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ông Trầm Bê từng là Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn và hiện là thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Bệnh viện Triều An.
Ngoài ra, ông còn cùng với 3 người con tham gia HĐQT của một số công ty như Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam, Ngân hàng Phương Nam và gần đây nhất là Ngân hàng Sacombank.
Không phải ngẫu nhiên ông Trầm Bê lại đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đó được coi đều là những bước đi đầy toan tính. Những bước đi này thể hiện sự am hiểu của ông đối với chu kỳ kinh tế và một tầm nhìn chiến lược đầy tham vọng nhằm tạo ra thế kiềng 3 chân vững mạnh: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và tài chính.
Cha con ông Trầm Bê |
Sau khi đầu tư vào BCCI, ông Trầm Bê đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An vì lúc này việc xây dựng bệnh viện sẽ nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước và thị trường đang rộng mở. Hiện tại Bệnh viện Triều An cũng đang có nguồn thu rất lớn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn do ông làm Chủ tịch HĐQT đã có 7 năm độc quyền trong thị trường chiếu xạ thanh long Việt Nam (2002-2009).
Khi các công ty Trầm Bê đã tham gia đầu tư đủ vững mạnh, ông lần lượt đưa các con của mình vào nắm giữ các vị trí quan trọng trong các công ty này. Chẳng hạn, ông đưa con trai trưởng Trầm Trọng Ngân lên giữ vị trí Tổng giám đốc của Công ty Sơn Sơn.
Ở lĩnh vực tài chính, Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) vào năm 2004. Ngân hàng này đã đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng trong năm 2007.
Từ vị trí là thành viên HĐQT của Ngân hàng Phương Nam, Trầm Bê tiếp tục đưa con gái của mình là Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng giám đốc. Đồng thời, ông gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình và các con tại ngân hàng này.
Sau khi hoạt động của ngân hàng mẹ đi vào ổn định, Ngân hàng Phương Nam cho ra đời 2 "đứa con" là Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Vẫn với cách làm tương tự, sau khi NJC được thành lập vào năm 2007, trên cương vị là Phó Chủ tịch, năm 2008 ông Trầm Bê đưa con gái Trầm Thuyết Kiều lên nắm giữ chức Phó giám đốc. Năm 2011, Trầm Bê đưa con trai út Trầm Khải Hòa nắm chức Chủ tịch HĐQT của PNS.
Để tăng vị thế trên thị trường tài chính với tham vọng dẫn đầu thị trường này, Trầm Bê đã tham gia vào cuộc "thâu tóm" ngân hàng Sacombank. Đầu tháng 2/2012, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết đã ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đã thay đổi, trong đó có sự góp mặt của ông Trầm Bê, với chức vụ mới là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank sau khi ông rời khỏi ghế Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Thay vào đó, ông đưa con trai mình là Trầm Trọng Ngân lên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Thêm vào đó, Trầm Khải Hòa cũng là thành viên HĐQT của Sacombank bắt đầu từ tháng 5/2012.
Mới đây, trong đại hội cổ đông bất thường 2013, với vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT NJC, ông Trầm Bê tuyên bố sẽ đứng ra nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông khi công ty chuyển sang mô hình TNHH. Ý kiến của ông Trầm Bê đã đạt được sự đồng thuận nhất định của đa số cổ đông tại đại hội.
Theo ông Trầm Bê, đây là lần đầu tiên ông gặp phải một trường hợp như thế này. Do những yếu tố khách quan từ thay đổi chính sách của nhà nước về kinh doanh vàng miếng, không chỉ riêng NJC mà các công ty kinh doanh vàng bạc nói chung cũng rơi vào tình cảnh khó khăn. Hướng giải quyết hiện nay của NJC là chuyển thành Công ty TNHH nhằm tinh giảm biên chế, tối thiểu chi phí hoạt động cho công ty.
Với những tham vọng và tầm nhìn lớn, dư luận đang rất quan tâm đến những bước đi tiếp theo của ông Trầm Bê.
Trong báo cáo tỷ lệ sở hữu năm 2012, trong Ngân hàng Phương Nam, gia đình ông Trầm Bê nắm hơn 20% cổ phần. Cổ phần này cao hơn so với cổ đông đứng ở vị trí thứ hai - United Overseas Bank của Singapore một chút ít (đối tác ngoại đang nắm 19,99% cổ phần) và vượt trội cổ đông lớn thứ ba, Tropical Investments Việt Nam (đang nắm giữ 5,68% cổ phần).
Trong tổng số hơn 20% cổ phần Southernbank, riêng ông Trầm Bê trực tiếp sở hữu 8,36% và là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng này cho dù đầu năm 2012 đại gia này đã rút khỏi Southern Bank để chuyển sang HĐQT của Sacombank. Con gái ông Trầm Bê, bà Trầm Thuyết Kiều trong khi đó nắm 7,36% cổ phần.
Tại ngân hàng Sacombank, trong báo cáo tình hình quản trị công ty 2012, gia đình ông Trầm Bê cũng nắm nhiều cổ phần nhất trong số các thành viên HĐQT Sacombank. Ông Trầm Trọng Ngân sở hữu 48 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 4,47%) và tỷ lệ này vẫn được giữ cho tới bây giờ do ông Ngân đã không thoái vốn thành công sau hai lần đăng ký bán ra. Ông Trầm Khải Hòa - con trai thứ của ông Trầm Bê, cũng đóng vai trò là thành viên HĐQT Sacombank và cũng là một cổ đông lớn. Tại Sacombank, bà Trầm Thuyết Kiều cũng đang sở hữu 3,15 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 0,29% vốn.
Tuy sở hữu khối tài sản "khủng" nhưng đại gia Trầm Bê không lọt bất cứ một danh sách giàu có nào cả. Ông Trầm Bê không nằm trong 200 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Cả 3 người con của ông Trầm Bê đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư. Hai người con trai đang thuộc tốp 50 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, trong khi con gái đứng trong tốp 150.