Chiếc DHC-6 Twin Otter của hãng Tara Air chở 22 người cất cánh vào sáng ngày 29/5 từ thành phố Pokhara, miền trung Nepal và hướng đến Jomsom, một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Chuyến bay dự kiến mất khoảng 30 phút nhưng máy bay gặp sự cố và toàn bộ 22 người trên máy bay thiệt mạng. Giới chức cho biết các hành khách gồm có 13 người Nepal, 4 người hành hương Hindu từ Ấn Độ và 2 người Đức. Máy bay rơi xuống khu vực gần núi Dhaulagiri - đỉnh núi cao thứ 7 thế giới với độ cao khoảng 8.167m.
Các quan chức Nepal nói rằng nguyên nhân của vụ rơi máy bay chết người vẫn chưa được làm rõ ngay lập tức. Theo họ, khả năng cao nhất là máy bay đã đâm vào một ngọn núi sau khi mất liên lạc với kiểm soát viên không lưu khi đang điều hướng trong điều kiện thời tiết đặc biệt xấu.
|
Hiện trường chiếc máy bay của Tara Air gặp nạn. |
Theo dữ liệu an toàn hàng không, Nepal đã ghi nhận tới 27 vụ tai nạn máy bay chết người trong 30 năm qua, trong đó có tới 20 vụ xảy ra chỉ trong 10 năm trở lại đây. Địa hình đồi núi hiểm trở, thời tiết phức tạp, máy bay và hạ tầng sân bay thiếu được đầu tư và các quy định an toàn hàng không còn lỏng lẻo bị cho là những nguyên nhân chính.
Những vụ tai nạn hàng không gần đây ở Nepal
Tháng 2/2019: Một chiếc trực thăng do Air Dynasty điều hành, đã đâm vào một ngọn đồi khi nó đang cố gắng tìm đường trở lại Kathmandu. Tất cả 7 hành khách thiệt mạng, trong đó có Bộ trưởng Du lịch Nepal Rabindra Adhikari và doanh nhân Ang Chhiring Sherpa. Thảm họa xảy ra khi khu vực này có tầm nhìn kém.
Tháng 3/2018: Vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất gần đây tại Nepal diễn ra hồi tháng 3/2018. Chiếc Bombardier Q400 của hãng hàng không US-Bangla gặp nạn lúc hạ cánh tại sân bay Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu, khiến 51 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Máy bay trượt khỏi đường băng, đâm xuyên qua hàng rào sân bay, dừng lại ở một sân bóng và sau đó phát nổ. Đây là thảm họa hàng không chết chóc thứ ba trong lịch sử Nepal.
Tháng 9/2012: Ngày 28/9/2012, toàn bộ 16 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong vụ máy bay rơi và bốc cháy tại vùng ngoại ô thủ đô Kathmandu của Nepal. Chiếc máy bay thuộc Hãng Sita Air lao xuống bờ sông Manohara khi vừa cất cánh từ Kathmandu để đến thị trấn Lukla, đông bắc Nepal. Ngay trước khi gặp nạn, phi công báo rằng máy bay đâm phải một con chim. Theo nhà chức trách, trong số 19 nạn nhân thiệt mạng có 12 du khách nước ngoài, gồm 7 người Anh và 5 người Trung Quốc.
|
Chiếc máy bay thuộc Hãng Sita Air gặp nạn. |
Tháng 9/2011: Chiếc máy bay Beechcraft 1900D của hãng hàng không Buddha Air đang chở khách du lịch trong chuyến đi tham quan quanh đỉnh Everest, đã va chạm với một ngọn đồi. Tất cả 19 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 10 người Ấn Độ. Điều kiện thời tiết bất lợi là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, vì sân bay Kathmandu và khu vực xung quanh bị bao phủ bởi những đám mây gió mùa dày đặc trong vụ tai nạn.
Tháng 9/1992: Một chiếc Airbus A300 do Hãng hàng không quốc tế Pakistan vận hành đã bị rơi khi hạ cánh xuống sân bay Kathmandu và khiến tất cả 167 người trên máy bay thiệt mạng. Quá trình điều tra cho thấy việc tiếp cận sân bay rất khó khăn do địa hình xung quanh và do lỗi của phi công, máy bay bắt đầu hạ độ cao quá sớm.
Tháng 7/1992: Chỉ hai tháng trước khi xảy ra vụ tai nạn máy bay Airbus A300, một chiếc Airbus 310 do Thai Airways vận hành bị rơi khi đang tiếp cận sân bay Kathmandu và tất cả 99 hành khách cùng 14 phi hành đoàn đều tử nạn. Máy bay đã va chạm với một ngọn núi cách thủ đô Kathmandu 37 km về phía bắc, trong cơn mưa lớn gió mùa.