Kiên Giang: 25 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường
Vụ việc 25 em học sinh trường THCS - THPT Kiên Hải (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) nhập viện do nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường khiến dư luận xôn xao.
25 học sinh Trường THCS - THPT Kiên Hải nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải Phóng |
Trong đó có 17 học sinh nằm viện tại Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải và 8 học sinh chuyển viện lên tuyến tỉnh điều trị. Hiện tình trạng sức khỏe của các em ổn định.
Theo đó, các em học sinh nhập viện với biểu hiện sốt, đau bụng, tiêu lỏng, nôn ói. Thực đơn bữa ăn vào sáng 23/9 có 4 món là cơm gà xào chua ngọt, cơm sườn, bún riêu, bánh mì chả cá. Đến khoảng 22h cùng ngày có khoảng 5 em học sinh nhập viện. Đến 6h ngày 25/9, số học sinh nhập viện có cùng triệu chứng tăng lên 25 em.
Hiện vụ việc vẫn đang chờ điều tra làm rõ.
Bắc Kạn: Nhiều học sinh nhập viện sau bữa ăn
Theo Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, vào ngày 22/9 hàng loạt học sinh tại Trường Tiểu học và THCS Nông Thượng (TP Bắc Kạn) phải nhập viện với các triệu chứng nôn, sốt, đau bụng, tiêu chảy.
Các trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng |
Cụ thể, trong bữa ăn bán trú tại trường trưa 19/9, có 88 học sinh và 5 giáo Trường Tiểu học và THCS Nông Thượng TP Bắc Kạn cùng ăn, thực đơn bao gồm cơm, thịt gà chiên, canh rau dưa, khoai tây xào, dưa hấu. Đến 9h ngày hôm sau, 20 em xuất hiện sốt nóng, đau bụng, đau đầu, tiêu chảy, được đưa vào vào Trung tâm Y tế thành phố cấp cứu. Con số tiếp tục tăng lên sau đó.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn đã công bố kết quả xét nghiệm ban đầu, xác định vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là nguyên nhân gây ra sự bùng phát bệnh trong trường học.
TP Thủ Đức: 15 học sinh các trường tiểu học nghi ngộ độc thực phẩm
Vào ngày 3/5, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết bệnh viện tiếp nhận 15 trường hợp đến cấp cứu với các triệu chứng, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, trong đó tất cả đều là học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức.
15 học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm do ăn tại các hàng quán bán trước cổng trường. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân |
Trong số các bệnh nhân này, Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi có nhiều học sinh nghi bị ngộ độc nhất và các em này có biểu hiện ngộ độc như đau bụng, nôn ói chủ yếu do trước đó đã ăn sushi, bún bò, cơm tấm... tại các hàng quán bán trước cổng trường.
Các em được chẩn đoán lúc vào viện là nhiễm trùng tiêu hóa. bệnh viện đã xử lý truyền dịch, kháng sinh, tình trạng các em sau đó đều có sinh hiệu ổn, giảm ói…
Hà Nội: Hơn 50 học sinh ngộ độc sau khi đi dã ngoại
Ngày 28/3/2023, Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho 915 học sinh khối 1 và khối 2 đi thăm quan tại Nông trại giáo dục Cánh Buồm Xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: GĐXH |
Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm có cơm rang, gà, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh quy. Tuy nhiên, đã xảy ra vụ việc đáng tiếc khi hơn 50 học sinh khối 2 bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Ngân Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang đã gửi lời xin lỗi và nhận trách nhiệm với phụ huynh. Ngoài ra, nhà trường cùng phụ huynh, cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại bếp bán trú và mẫu thức ăn tại nơi tham quan để tìm ra nguyên nhân sự việc.
Khánh Hoà: Hơn 600 học sinh bán trú ngộ độc thực phẩm, 1 em tử vong
Trưa ngày 17/11/2022, nhiều học sinh Trường iSchool Nha Trang (số 25 đường Hai Bà Trưng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt... nghi do ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú tại căng tin của trường. Các bệnh viện đã tiếp nhận hơn 600 ca (điều trị nội trú và ngoại trú), trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Vụ ngộ độc nghiêm trọng đã khiến hơn 600 học sinh, giáo viên nhập viện, trong đó có một học sinh lớp 1 tử vong. Ảnh: Công Thương |
Theo kết quả mà Viện Pasteur Nha Trang công bố, đã phát hiện vi khuẩn Salmonella trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cerus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cerus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Ngoài ra, vi khuẩn Escherichia coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên.