Hàng trăm người nhập viện vì ăn thực phẩm chứa chất tạo nạc
Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến chất tạo nạc đã xảy ra trên thế giới. Năm 1992, một đại dịch xảy ra tại Tây Ban Nha khi có tới 113 người ăn gan bò phải nhập viện. Các bệnh nhân được đưa đến viện với những biểu hiện nặng như nhịp tim tăng, căng cơ, đau đầu, nôn mửa, sốt.
Qua xét nghiệm nước tiểu của những người này, người ta tìm thấy lượng chất tạo nạc Clenbuterol ở mức khá cao.
Vào năm 1996, 62 người Italia cũng phải nhập viện khẩn cấp vì triệu chứng ngộ độc như nhức đầu, sốt, nôn mửa. Tất cả các bệnh nhân này đã ăn thịt bò trước khi nhập viện từ 10 phút cho đến 3 giờ. Qua xét nghiệm người ta cũng tìm thấy chất tạo nạc còn tồn dư trong cơ thể người bệnh.
Chất tạo nạc trong thịt đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Ảnh minh họa. |
Một vụ ngộ độc tương tự cũng từng xảy ra ở Pháp khi 22 người ăn thịt có chứa chất tạo nạc Clenbuterol. Ở Bồ Đào Nha cũng từng xảy ra vụ ngộ độc tập thể vì chất tạo nạc có trong thịt lợn. Run rẩy, tim đập nhanh, đau đầu, khó thở, tăng đường huyết nhẹ, tụt kali trong máu và tăng số lượng bạch cầu là những triệu chứng được ghi nhận.
Ở Trung Quốc, hơn 1000 người ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã đổ bệnh vào năm 2001 sau khi ăn tim và gan lợn được nuôi với chất tạo nạc. Thậm chí, vào ngày 19/3/2006, một bệnh nhân ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc còn tử vong sau khi ăn thịt có chứa chất tạo nạc Clenbuterol. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên thế giới sau khi dùng thịt có chứa chất tạo nạc.
Vào 15/9/2006, có 300 người Thượng Hải, Trung Quốc bị ngộ độc vì ăn thực phẩm chứa chất tạo nạc.
Chất tạo nạc nguy hiểm thế nào?
Chất tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ β- agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Và chất Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất nguy hiểm nhất. Hệ lụy mà các chất này gây ra vô cùng nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.
Các chất này kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng ở con vật. Các chất này trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn.
Salbutamol là chất đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc. Các xét nghiệm lâm sàng đã chứng minh tác hại nghiêm trọng đối với người tiêu dùng thực phẩm tồn dư Salbutamol.
Trường hợp ngộ độc nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số chuyên gia cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư Salbutamol một thời gian dài, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, suy yếu hệ thống miễn dịch...
Việc ăn phải thịt lợn chứa chất tạo nạc về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người.
Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể tăng nguy cơ đối mặt với những căn bệnh khác.
Mời quý độc giả xem video: