Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm với nhiều tục lệ, trò vui cầu mong một năm mới an bình, hạnh phúc và may mắn. Tuy nhiên trong lịch sử Việt Nam, có những ngày đầu tiên của năm mới, không khí đón xuân được thay bằng nghi lễ đặc biệt quan trọng, đó là lễ đăng quang ngôi vị đế vương.
Số lượng các vị vua đăng quang vào đúng ngày mồng 1 Tết, ngày đầu tiên của năm mới, được sử sách cho biết chính xác thời điểm chỉ có 04 vị vua, bao gồm:
Một là Mạc Thái Tông, hoàng đế thứ 2 nhà Mạc, tên thật là Mạc Đăng Doanh, con trưởng của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung). Sách Đại Việt thông sử viết: “Đăng Doanh là con trưởng của Đăng Dung, buổi đầu thời Quang Thiệu được phong tước Dục Mỹ hầu, giữ điện Kim Quang, khi Đăng Dung cướp ngôi vua, được dựng làm Thái tử; sau khi Đăng Dung tiếm ngôi được 3 năm vì sợ nhân tâm chưa ổn định, bèn truyền ngôi cho. Năm Canh Dần (1530), tháng giêng, ngày mồng một là ngày Đinh Hợi, Đăng Doanh tiếm ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chính”.
Mạc Thái Tông lên ngôi ngày mồng 1 tháng giêng năm Canh Dần (1530), làm vua đến tháng giêng năm Canh Tý (1540). Ở ngôi tổng cộng được 10 năm.
Hai là Lê Thế Tông, vị vua thứ 4 của nhà Lê Trung Hưng, tên thật là Lê Duy Đàm, con thứ 5 của Lê Anh Tông. Chính sử cho biết, cuối tháng 11 năm Nhâm Thân (1572) lo sợ trước cảnh chém giết, tranh giành giữa hai phe cánh trong triều, vua Lê Anh Tông dẫn 4 hoàng tử bí mật bỏ Thanh Hoá vào Nghệ An để tránh loạn.
Chúa Trịnh Tùng vội cho người đi đón người con thứ 5 của Lê Anhh Tông về lập làm vua vào ngày mồng 1 tháng giêng năm Qúy Dậu (1573): “Bấy giờ hoàng tử thứ 5 là Đàm ở đang ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên [nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa], Tùng bèn sai người đi đón về tôn lập làm, tức Thế Tông…Mùa xuân, tháng giêng ngày mồng 1, Tả tướng và các quan văn võ cùng tôn hoàng tử lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Còn Lê Anh Tông quân của Trịnh Tùng bắt được, bề ngoài nói phao lên là đi đón nhưng khi đến huyện Lôi Dương xứ Thanh Hóa vào ngày 22 tháng giêng, thì bí mật giết vua rồi loan tin vua đã tự thắt cổ tự tử.
Ba là Nguyễn Thánh Tổ (thường được biết đến với danh hiệu hoàng đế Minh Mạng), ông là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, con trai thứ tư của Nguyễn Thế Tổ (tức vua Gia Long).
Ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819), Nguyễn Thế Tổ qua đời, hưởng thọ 59 tuổi. Đến sáng ngày mồng một Tết Nguyên Đán, tháng giêng năm Canh Thìn (14/2/1820) Hoàng tử Đảm chính thức làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Sách Quốc sử di biên có đoạn viết: “Mùa xuân, tháng giêng, mồng 1, hoàng thái tử lên ngôi ở điện Thái Hòa, đổi niên hiệu, đại xá”.
Bốn là Nguyễn Thành Thái, vị hoàng đế thứ 10 của vương triều Nguyễn, ông tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, con thứ 7 của vua Nguyễn Cung Tông (thường được gọi là Dục Đức).
Ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tý (1888), vua Nguyễn Cảnh Tông (tức Đồng Khánh) mất vì bệnh, thọ 25 tuổi. Sự kiện này khiến triều đình bối rối vì đã kề cận ngày Tết, hội đồng Cơ mật viện của triều đình Huế không biết chọn ai làm vua bèn cho người sang xin ý kiến của Tòa khâm sứ Pháp. Viên Khâm sứ Pierre Paul Rheinart gọi ông Diệp Văn Cương đang giữ chức vụ Bí thư kiêm thông dịch viên cho Tòa Khâm sứ đến lãnh trách nhiệm thông dịch.
|
Vua Thành Thái khi mới lên ngôi. Ảnh: Flickr.com. |
Tương truyền dưới tác động của vợ là Công nữ Thiện Niệm (cô ruột của Bửu Lân), lại có lòng thương cảm cho số phận hẩm hiu của vua Dục Đức và gia đình vua nên Diệp Văn Cương đã tìm cách cho cháu vợ mình lên ngôi bằng cách dịch sai ý của hai bên. Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả cho biết về chuyện này như sau: “Cơ mật viện hỏi: "Hiện nay vua Ðồng Khánh đã thăng hà, theo ý của quí Khâm sứ thì nên chọn ai kế vị?". Diệp Văn Cương dịch câu trên thành: "Nay vua Đồng Khánh đã thăng hà, Lưỡng tôn cung và Cơ mật viện đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, không biết ý kiến của quí Khâm sứ như thế nào?". Nghe vậy quan Khâm sứ đáp: "Nếu Lưỡng cung và Cơ mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thì tôi xin tán thành". Câu này Diệp Văn Cương lại dịch là: "Theo ý tôi thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hơn cả".
Thế là Bửu Lân được chọn lên ngai vàng và làm lễ lên ngôi ngày mồng 1 tháng giêng năm Kỷ Sửu (1889) khi mới 10 tuổi lấy niên hiệu là Thành Thái.
Có thể nói, nguồn sử liệu xưa của nước ta còn lại không nhiều do bị tiêu hủy, mất mát bởi thiên tai, chiến tranh do đó có những thông tin, dữ kiện không được đầy đủ, cụ thể. Ngay thời điểm lên ngôi của một số vị vua cũng bởi thế không xác định được chính xác; các thư tịch, sử sách sau này chỉ có thể ghi lại một cách tương đối mà thôi, trong đó có những lễ đăng quang diễn ra vào tháng giêng, mùa xuân, nhưng không rõ vị vua đó có lên ngôi vào những ngày Tết hay không.
Người đầu tiên được sử sách cho biết lên ngôi vào tháng giêng, mùa xuân năm Canh Tý (năm 40) là bà Trưng Trắc. Theo chính sử, Trưng Vương là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, còn các bản thần tích, ngọc phả cho biết rõ hơn, cha bà là Hùng Định, sau đổi là Trưng Định. Thân mẫu là Trần Thị Đoan, còn gọi là Man Thiện, hay Nam Triệu, quê ở làng Nam An (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), bà là cháu chắt bên ngoại của vua Hùng.
Căm giận sự tàn bạo của bọn quan lại thống trị nhà Hán, nhất là tên Thái thú Tô Định, bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị dấy cờ khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân các quận huyện cùng nổi dậy đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập cho đất nước. Khắp nơi đã nhiệt liệt hưởng ứng, bọn quan quân nhà Hán kinh hoàng, sợ hãi tan vỡ khắp nơi; các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều nổi dậy, quân ta thu lại 65 thành trì (có sách chép là 56); Trưng Trắc được quân dân suy tôn lên ngôi vua, sử gọi là Trưng Vương, bà chính là vua nữ đầu tiên của nước ta.
Một vị vua cũng lên ngôi vào mùa xuân, đó là Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) xuất thân trong một gia đình thế gia, “đời đời là hào hữu” ở đất Thái Bình, phủ Long Hưng, quận Giao Chỉ (nay được cho là thuộc huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Tháng 3 năm Nhâm Tuất (542), ông đã lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Lương và tổ chức kiến thiết lại đất nước, đến mùa xuân tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí mới chính thức lên ngôi xưng là Nam Việt Đế, trở thành vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước ta (sử quen gọi là Lý Nam Đế). Ông còn lấy niên hiệu là Thiên Đức và với mong muốn đất nước vững bền lâu dài, trường tồn mãi mãi, Lý Nam Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, có ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy”.
|
Tượng thờ vua Ngô Quyền. Ảnh: Wikipedia.org. |
Điều rất thú vị là những vị vua lên ngôi vào mùa xuân đều có điểm đặc biệt, nếu như Trưng Trắc là vua nữ đầu tiên, Lý Bí là hoàng đế đầu tiên thì Ngô Quyền - vị vua đầu tiên của thời kỳ độc lập tự chủ, với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử cuối tháng 12 năm Mậu Tuất (938) đã chấm dứt “đêm dài Bắc thuộc”, được xưng tụng là “Tổ trung hưng thứ nhất” cũng đăng quang vào mùa xuân. Sách Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Mùa xuân [Kỷ Hợi 939], vua mới xưng vương, lập Dương thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục”.
Đánh giá về Ngô Quyền, sách Đại Việt sử ký toàn thư có lời bình rằng: “Vua mưu tài, đánh giỏi, làm nên công nghiệp, dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua”.
Tháng giêng năm Giáp Thìn (944) Ngô Quyền mất, con trưởng của vua là Ngô Xương Ngập chưa kịp kế vị thì bị cậu ruột là Dương Tam Kha cướp ngôi, phải bỏ trốn. Đến cuối năm Canh Tuất (950) em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn bất ngờ đem quân lật đổ ngôi vị của cậu, giành lại quyền lực cho họ Ngô rồi lên ngôi xưng là Nam Tấn Vương, sau đó cho người đi đón anh về cùng trông coi việc nước.
Mùa xuân, tháng giêng năm Tân Hợi (951) Ngô Xương Ngập lên ngôi, xưng hiệu là Thiên Sách Vương. Như vậy khi đó, nước ta đồng thời có hai người đều làm vua.
Đời Lý, vị hoàng đế thứ 4 của triều đại này là Lý Nhân Tông (1072-1127), tên thật là Lý Càn Đức, con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Khiết) cũng lên ngôi vào mùa xuân, tháng giêng.
Theo chính sử, Lý Thánh Tông băng hà vào ngày Canh Dần, tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), ngay sau đó “Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu, đổi niên hiệu làm Thái Ninh năm thứ 1. Khi ấy vua mới 7 tuổi” (Đại Việt sử ký toàn thư). Kể từ đó đến khi mất vào tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), Lý Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) tổng cộng ở trên ngai vàng trong 55 năm, là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
|
Tượng thờ Lý Nhân Tông. Ảnh: Quehuongonline.vn. |
Đến cuối đời Hậu Lê (giai đoạn Lê sơ), triều chính suy vi, vua tồi quan tối, nhân cơ hội đó Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, lập ra nhà Mạc tháng 6 năm Đinh Hợi (1527). Bất bình với hành động đó, các trung thần cũ của nhà Lê đã nổi dậy, tới mùa xuân tháng giêng năm Tân Mão (1533) một số quan lại do An Thành hầu Nguyễn Kim đứng đầu đã lập một người con vua Lê Chiêu Tông lên làm vua. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết về việc Nguyễn Kim ở “châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy con cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy”.
Lê Ninh (tức Lê Trang Tông) lên ngôi, trở thành vị vua đầu của nhà Hậu Lê (giai đoạn Trung Hưng), đồng thời cũng mở ra cục diện nội chiến Nam – Bắc triều với nhà Mạc ở miền Bắc, nhà Lê ở miền Nam.
Bấy giờ tại Bắc triều, kể từ thời Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp) mâu thuẫn nội bộ diễn ra gay gắt, vua thì đam mê tửu sắc, trong khi quân nhà Lê liên tục tấn công. Cuối cùng vua tôi nhà Mạc hầu hết bị, bị bắt giết vào tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592), tàn dư tản mát chạy lên chiếm cứ một số vùng miền núi phía Bắc, hoạt động mạnh nhất tại Cao Bằng, tự lập ra triều đình riêng mà sử sách gọi đó là nhà Mạc thời suy tàn.
Trong số các vua Mạc ở thời kỳ này, có Thuận Đức vương Mạc Kính Vũ (con của Long Thái đế Mạc Kính Khoan) cũng lên ngôi vào mùa xuân. Khi đó, vào tháng giêng năm Mậu Dần (1638), Long Thái đế lâm bệnh mất, Mạc Kính Vũ tự lên ngôi xưng hiệu là Thuận Đức. Ông ở ngôi đến tháng giêng năm Đinh Tị (1677), tổng cộng làm vua được 38 năm và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Mạc.
Trên đây là những vị vua lên ngôi vào tháng giêng nhưng không biết chính xác ngày. Còn nếu tính trong tháng giêng, nhưng được ghi rõ ngày đăng quang có: Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) lên ngôi ngày 16 tháng giêng năm Canh Tý (1540); Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) lên ngôi ngày 25 tháng giêng năm Bính Thìn (1556); Nguyễn Hiến Tổ (Nguyễn Phúc Miên Tông) thường được gọi là vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu (1841).