Lớp học…bốc mùi
Đó là những tình huống oái ăm mà cô Trần Mai (giáo viên một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội) từng chứng kiến sau gần 20 năm nhận nhiệm vụ dạy trẻ lớp 1. Cô kể: "Trẻ vào lớp 1 thường gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Lớp 1 đối với các con là bước ngoặt rất quan trọng, là năm học đầu tiên con cắp sách tới trường. Nếu như ở mẫu giáo, các con hoạt động chơi là chính. Thì lên lớp 1 các con phải học nhiều môn học khác nhau, phải ngồi đúng vị trí, phải có nề nếp sinh hoạt …"
Tuy nhiên, khi mới vào lớp, do các con chưa có nề nếp nên thường hay ra khỏi chỗ tự do, hay nói leo và không nghe theo hiệu lệnh của cô giáo.
“Trước khi vào năm học chính, các con đã được đi học trước 3 tuần. Thời gian này cực kỳ vất vả với giáo viên lớp 1 như chúng tôi. Ngày nào cũng rát cổ chỉ để rèn các con vào nề nếp từ việc giữ trật tự cho đến sinh hoạt hàng ngày.
Mặc dù đã nhắc nhở các con rất nhiều trong giờ học cần giữ trật tự, giờ ra chơi mới giành cho đi vệ sinh… ấy thế mà có hôm tôi vừa đồng ý cho một học sinh ra ngoài đi vệ sinh rồi quay lên để viết thì ngay lập tức phía sau lưng lại có tiếng “con thưa cô con mót tè”. Bực lắm nhưng cũng phải cho đi, vì đã từng có con quá sợ nên buồn ị cũng không dám xin, chỉ đến khi các bạn xung quanh kêu … có mùi tôi xuống đến nơi thì đã quá muộn” – cô Mai kể lại.
Cô Mai cũng nhấn mạnh, đó chỉ là những tình huống mà có thể khắc phục sau một vài tháng, điều quan trọng nhất vẫn là tâm lí của các con. Cô Mai cho biết: “Học sinh của tôi có con khi mới đi học 2 tuần đầu ngày nào cũng khóc, sáng nào mẹ con cùng dằng nhau ở cửa lớp. Ngày nào con cũng nghĩ ra lý do khi thì đau bụng, lúc lại nằm gục xuống bàn kêu sốt rồi đến giờ ăn trưa nhất định không ăn mà chỉ nằng nặc cô gọi mẹ đón con về...”
Trẻ lớp 1 chưa quen với tác phong đi học (ảnh minh họa). |
Làm gì giúp con?
Trao đổi về những tình huống dở khóc dở cười với những sinh viên “đại học chữ to” này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm cho biết, tiểu học và mầm non khác biệt nhau rất lớn. Ở mầm non, các con được vui chơi là chính, được phép tùy hứng đi lại, chạy nhảy, vui chơi, nói năng. Các con không có nhiệm vụ gì quan trọng, cũng không bị kiểm tra hay thi cử gì. Cô giáo mầm non giống mẹ, chăm sóc và vui chơi với các bé. Bạn bè giống anh chị em trong gia đình, chia sẻ và vui chơi.
Tuy nhiên, khi trẻ bước vào bậc tiểu học, con sẽ phải tập trung học hành với thời khóa biểu nghiêm túc. Các bé phải ngồi yên suốt giờ học để nghe giảng. Các bé phải học tập nghiêm túc với nhiệm vụ khá nặng nề. Thời gian vui chơi hạn hẹp. Cô giáo tiểu học là giáo viên dạy dỗ các bé, cô sẽ quản lý và đánh giá các bé. Vì thế, cô sẽ nghiêm khắc và xa cách hơn cô giáo mầm non.
Vì thế, để tránh bỡ ngỡ các bậc phụ huynh nên dạy con nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc. Bắt đầu từ việc giữ trật tự trong lớp. Trẻ mầm non thì được tự do nói chuyện thoải mái. Nhưng khi lên tiểu học, các con sẽ không được tự do như vậy. Để bài giảng được tiến hành, chắc chắn cô giáo sẽ yêu cầu các con phải giữ trật tự. Với người lớn điều này quá dễ dàng nhưng với trẻ thì không dễ. Vì thế, các bậc phụ huynh phải làm công tác tâm lý với con về điều này ngay từ những ngày đầu tiên trẻ bước vào lớp 1.
Để làm tốt được việc này, cha mẹ cần đưa con đến trường tiểu học trước để con làm quen với ngôi trường, với các đồ dùng học tập và môi trường mới. Cha mẹ cũng cần kể cho con nghe về trường lớp, nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa tiểu học và mầm non để con có sự chuẩn bị từ trước khi vào lớp. Cha mẹ cũng cần biến ngày đầu tiên đi học của con trở thành ngày hội lớn để con háo hức bước đến trường. Một món quà, một bữa tiệc đơn giản với con sẽ là niềm vui con nhớ mãi.
Cô Mai cũng bổ sung thêm, các bậc phụ huynh nên giúp con biết cách cầm bút đúng, tư thế ngồi học đúng, các kĩ năng đơn giản như sắp xếp chuẩn bị đồ dùng đi học hay kĩ năng ăn uống tự phục vụ. Đó mới là những điều cần thiết cho con nhất chứ không phải cho con đi học trước biết đọc biết viết.