Theo hãng tin TASS, ngày 11/10, giới chức Moscow đã bắt giữ một nhóm công dân Nga tham gia IS bị tình nghi đang chuẩn bị tấn công khủng bố. Một số thành viên trong nhóm này đã tham gia trại huấn luyện khủng bố của Nhà nước Hồi giáo, tổ chức cực đoan bị cấm hoạt động ở Nga.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về việc trong hàng ngũ IS có khoảng 2000 công dân Nga đang tham chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong hàng ngũ IS có khoảng 2000 công dân Nga đang tham chiến. |
Về thủ đoạn chiêu mộ của IS, nhà Đông phương học nổi tiếng của Nga, Giáo sư Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, Vladimir Kolotov nói rằng nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) có kế hoạch tác động thông tin rất rõ rệt vào xã hội Nga:
"Đối với những người có tâm lý không ổn định hoặc yếu đuối, sự tuyên truyền này làm thay đổi mục đích và hành vi của họ. Họ gia nhập IS, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria để tham chiến nhằm theo đuổi các lý tưởng khác nhau: từ đấu tranh cho việc thành lập Caliphate trên toàn thế giới, cho đến tìm một người chồng trong số các phần tử thánh chiến. Gần đây đã có một số trường hợp rùm beng, khi các cô gái trẻ con cái những gia đình giàu có đã từ bỏ tất cả, mua vé và trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Những kẻ tuyển dụng quân cho Nhà nước Hồi giáo nắm vững các thủ thuật tâm lý hiện đại nhất, để lung lạc giới trẻ và đưa họ ra làm bia đỡ đạn trong cuộc chiến tranh không phải của họ. Chúng tạo ra một số phương pháp nhất định để gây tác động ảnh hưởng đến văn hóa Châu Âu, phá vỡ hàng rào phòng ngự tâm lý, khiến cho người bị mua chuộc vứt bỏ tất cả mọi thứ, để lao vào khu vực chiến sự và bị giết ở đó. IS có một bộ phận tuyển dụng đặc biệt sử dụng tiếng Nga. Chẳng hạn, tại St. Petersburg, chính quyền đã tiến hành một số cuộc truy quét và phát hiện, vô hiệu hóa và bắt giữ các nhân viên của một số trung tâm tuyển dụng IS. Những trung tâm như vậy đang cố gắng hoạt động trong lòng các trung tâm văn hóa. Hàng ngũ giáo sĩ Hồi giáo truyền thống đang tích cực đấu tranh chống lại các phần tử này”.
Nguy hiểm nhất là việc tuyển dụng trên Internet thông qua các trang web có tác động mạnh mẽ đối với người truy cập, đặc biệt là những video với cảnh bạo lực đối với con người, chuyên gia Nga cho biết. Những người có tâm lý không vững vàng sẽ lo sợ cho số phận của mình và cố gắng tham gia các nhóm cực đoan tàn bạo nhất với mục đích tự vệ. Trong thực tế, họ nhanh chóng mất đi mạng sống của mình khi bị sử dụng làm bia đỡ đạn. Những trang web như vậy không nằm trên lãnh thổ Nga và liên tục thay đổi địa chỉ.
Để tuyển dụng nhân viên mới, IS thậm chí còn sử dụng các chất gây nghiện. Giáo sư Vladimir Kolotov nói tiếp:
"Thủ đoạn này được biết đến từ lâu. Trong thế kỷ 12, dưới ảnh hưởng của thuốc phiện, đám sát thủ Assassins đã sẵn sàng giết bất cứ ai, vì tin tưởng rằng họ sẽ được lên thiên đường. Cần lưu ý rằng ‘mùa xuân Ả-rập’ cũng đã diễn ra dưới ảnh hưởng của thuốc gây nghiện tổng hợp, được các nhà tổ chức phân phát cho những kẻ bạo loạn. Thành tố ma túy trong quá trình bạo loạn ở Trung Đông là rất quan trọng. Lợi nhuận từ việc mua bán ma túy tự nhiên cho phép nuôi dưỡng các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Còn binh lính thì chỉ sử dụng loại ma túy tổng hợp rẻ hơn, thuộc nhóm amphetamine, rất nhanh chóng hủy hoại thần kinh. Bây giờ đã xuất hiện một nguồn kinh phí khác tài trợ cho dự án này — đó là buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng chúng ta biết rõ, ai là kẻ bán dầu bất hợp pháp và ai là người mua, nhưng các biện pháp trừng phạt chưa được áp dụng đối với họ”.
Khi thu nhận được hàng chục triệu đô la từ việc bán dầu, IS có thể thuê các nhà tâm lý, kể cả các chuyên gia tâm lý chiến trong quân đội, để phát triển công nghệ tác động tâm lý tinh thần đối với quần chúng. Những công nghệ này nhằm tới mục đích thu hút những người có tâm lý bất ổn tham gia hàng ngũ IS, những người sẽ tham chiến không công và dại dột chết cho lý tưởng bị nhồi sọ. Điều này không chỉ liên quan đến Nga, mà cả với các nước Tây Âu.
Cộng đồng quốc tế đã phải thừa nhận nguy cơ lan tỏa tư tưởng IS thông qua Internet. Không phải ngẫu nhiên mà tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lên tiếng kêu gọi các nước ASEAN "tham gia các nỗ lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, kể cả trên mạng Internet, bởi vì IS tích cực sử dụng mạng xã hội để tuyển dụng thành viên mới”. Malaysia thậm chí đề xuất thành lập ở Đông Nam Á một trung tâm thống nhất nhằm "ngăn chặn sự lây lan hệ tư tưởng cực đoan thông qua Internet”. Còn các chuyên gia Nga thì sẽ lập ra một chương trình kiểm tra các trang mạng xã hội đáng ngờ và xác định địa chỉ IP của những kẻ khủng bố, cũng như các nhà tuyển dụng tiềm năng từ IS.