Những ngày qua, tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, TT-Huế, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Đắk Lắk... công an đã lần lượt khám xét, khởi tố ban giám đốc và hàng loạt nhân viên các trung tâm đăng kiểm.
Đây được xem là tiến trình mở rộng điều tra toàn diện về tiêu cực ngành đăng kiểm mà vốn từ lâu việc chung chi để bỏ qua sai phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đã trở thành “luật bất thành văn”.
Trong các vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm nói trên, công an xác định, lãnh đạo và nhân viên đã móc nối với các đối tượng bên ngoài để nhận hối lộ, nhằm bỏ qua sai phạm và lập hồ sơ khống cải tạo xe cơ giới không đúng quy định pháp luật.
Như tại Trung tâm Đăng kiểm 26-01D ở Sơn La, Công an tỉnh này xác định, giám đốc và cán bộ phòng hồ sơ đã lập tài khoản để nhận tiền làm “dịch vụ” hoán cải, cải tạo xe cơ giới của các chủ phương tiện nhưng không lập phiếu thu, chi, hạch toán trên sổ sách kế toán theo quy định mà sử dụng riêng.
Còn tại Đắk Lắk, ngày 15/2, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với một loạt lãnh đạo và nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D. Bước đầu, công an xác định, các đối tượng đã nhận tiền của lái xe, chủ xe để bỏ qua lỗi kỹ thuật, cấp chứng nhận đăng kiểm.
Tương tự, Công an Thanh Hóa vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36-08D là ông Trịnh Ngọc Tuấn (SN 1984).
Trong diễn biến vụ việc, các phòng nghiệp vụ của Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra cùng lúc nhiều vụ án liên quan đến sai phạm của ngành đăng kiểm. Đến nay đã khởi tố ông Trần Việt Hà (Cục trưởng giai đoạn tháng 8/2021 đến nay) và ông Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm từ tháng 4/2014 đến 8/2021).
Theo diễn biến mới nhất, Công an TP.HCM triển khai khám xét, mời làm việc với lãnh đạo của nhiều chi cục đăng kiểm ở các tỉnh, thành và thêm nhiều trung tâm khác.
Còn tại các tỉnh, thành từ Nam chí Bắc cũng đồng loạt triển khai điều tra về sai phạm của các trung tâm đăng kiểm đóng trên địa bàn.
Tính đến nay, công an đã khởi tố, bắt tạm giam chừng 300 người về các tội danh như: “Môi giới hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Giả mạo trong công tác”; “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.
Theo đại diện Công an TP.HCM, tại các trung tâm đăng kiểm, đã xác định những sai phạm nghiêm trọng, có tổ chức, hệ thống, cấu kết tầng lớp rất chặt chẽ, từ chủ phương tiện, các đối tượng cò, nhân viên, ban giám đốc các trung tâm đến các phòng ban và cả Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Nhận diện rõ thủ đoạn
Theo Công an TP.HCM, việc chung chi trong ngành đăng kiểm đến nay đã được làm rõ; nhiều thủ đoạn tinh vi cũng bị phơi bày.
Cụ thể, nhân viên, đăng kiểm viên tại các trung tâm nhận tiền của chủ xe, từ đó bỏ qua các lỗi vi phạm bằng các thủ đoạn như làm ngơ các lỗi khi kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng đảm bảo tiêu chuẩn để thay tạm khi kiểm định xe; dùng phần mềm can thiệp vào hệ thống để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Thông thường hoạt động chung chi này được móc nối bởi các đối tượng cò, thường hoạt động tại trước các trung tâm đăng kiểm. Ngoài ra, chủ xe còn “để quên” tiền ở trên xe khi đưa vào đăng kiểm để nhân viên, đăng kiểm viên nhận lấy.
Tại một số trung tâm còn dùng 'chiêu' sử dụng những nhân viên bình thường mặc đồng phục đăng kiểm viên để vận hành dây chuyền kiểm định xe cơ giới. Sau đó, những nhân viên này giả chữ ký đăng kiểm viên ký vào hồ sơ kiểm định phương tiện.
Ngoài ra, khi Công an TP.HCM mở rộng điều tra, khám xét tại Trung tâm Đăng kiểm 71-02D ở Bến Tre, đã phát hiện hành vi sử dụng phần mềm có tính năng đọc và sửa chữa thông số kỹ thuật đối với xe cơ giới, gồm: Tốc độ, nồng độ khí thải, tốc độ cầm chừng, tốc độ cực đại, hệ số K... để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định khí thải của xe cơ giới.
Công an xác định, 2 nhân viên của trung tâm này phối hợp với các đối tượng bên ngoài viết phần mềm để chỉnh sửa. Phần mềm này được bán cho một số trung tâm đăng kiểm, trong đó có Trung tâm 71-02D, để sử dụng vào mục đích trái pháp luật như nói trên.
Hành vi sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm, được xác định là có sự tiếp tay của cán bộ tại Phòng Đăng kiểm xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Về số tiền thu lợi bất chính, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm chia một phần cho nhân viên, đăng kiểm viên. Phần còn lại sử dụng cho hoạt động trung tâm và chung chi cho cán bộ tại phòng đăng kiểm xe cơ giới, các phòng ban khác và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Chính vì sai phạm có hệ thống, có sự ảnh hướng lớn đến đời sống dân sinh nên vụ án tiêu cực trong ngành đăng kiểm được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo dõi và chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm là vụ tham ô, tham nhũng tập thể, có hệ thống trên phạm vi rất rộng.
Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, qua điều tra cho thấy, một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, quý của trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động và bỏ qua các vi phạm.