Mời độc giả xem clip "Tác hại khi sử dụng nhiều mì ăn liền": (Nguồn VTC1) |
Những chất dinh dưỡng có trong mì tôm chủ yếu là bột và đạm thực vật. Nhiều người thường lựa chọn mì tôm cho bữa ăn sáng để tiết kiệm thời gian, thậm chí còn dùng mì tôm để thay thế cho bữa chính.
Tuy nhiên, những dưỡng chất trong mì tôm chỉ có thể cung cấp một lượng nhỏ carbohydrate cho cơ thể. Trong khi đó chúng ta cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khác như: protein, chất béo, vitamin, khoáng chất…
Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể luôn mệt mỏi, tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Những tác hại khi thường xuyên ăn mì tôm:
Nguy cơ ung thư
Theo nhiều nghiên cứu, các thành phần phụ gia có trong mì tôm như màu thực phẩm, muối, chất béo bão hòa… có thể gây hại cho sức khỏe. Thường xuyên ăn mì tôm sẽ gây táo bón, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
Ăn nhiều mì tôm sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa - Ảnh: Internet. |
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch
Mì tôm chứa hàm lượng cao chất béo bão hòa, đây là loại chất béo có hại đối với sức khỏe. Thường xuyên dùng mì tôm sẽ khiến lượng chất béo này tích tụ trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ.
Gây sỏi thận, loãng xương
Mì tôm chứa rất nhiều muối. Quá nhiều muối sẽ gây áp lực cho thận, gây sỏi thận. Bên cạnh đó, mì tôm còn chứa hàm lượng lớn chất giúp cải thiện mùi vị có tên là phosphate. Chất này sẽ kích thích vị giác, giúp bạn ngon miệng hơn nhưng nếu dùng nhiều sẽ khiến chúng ta dễ bị loãng xương, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương.
Nên ăn mì tôm cùng với các thực phẩm giàu protein và rau xanh - Ảnh: Internet. |
Béo phì
Thường xuyên ăn mì tôm sẽ khiến cơ thể nạp quá nhiều carbohydrate, chất béo bão hòa cùng hàm lượng calo cao khiến bạn nhanh chóng tăng cân, béo phì. Đây cũng chính là nguyên nhân làm tăng hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường…
Bên cạnh đó, thường xuyên ăn mì tôm thay bữa chính còn khiến cơ thể nhanh mệt mỏi, chóng mặt, tim đập nhanh…
Ăn mì tôm đúng cách
- Chỉ nên sử dụng mì tôm tối đa từ 1 - 2 lần/tuần.
- Ăn kèm với rau xanh để giảm tối đa lượng chất béo bão hòa.
- Khi ăn mì tôm, bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu protein như thịt bò, thịt heo, tôm… để đảm bảo đủ dưỡng chất cho cơ thể.