Mộ lính Đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn là mộ cô hồn của những hùng binh trên biển, những thủy binh của Hải đội Hoàng Sa năm xưa được lệnh ra quần đảo Hoàng Sa thực thi chủ quyền của Việt Nam và đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa hy sinh vì đất nước, các họ tộc trên đảo đã chiêu hồn luyện cốt, lập những ngôi mộ gió, với niềm tin khi làm lễ chiêu hồn xong, linh hồn người chết mất xác sẽ trở về nhập vào hình nhân, an nghỉ nơi đất mẹ và phù hộ cho những người còn sống.
Ngày nay, những ngôi mộ gió được nhiều người biết đến nhất ở Lý Sơn là mộ của các vị cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật.
Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết
Ông Võ Văn Khiết thuộc đời thứ 10 trong dòng họ Võ nhưng là người đầu tiên của Lý Sơn được nắm giữ chức cai đội của Hải đội Hoàng Sa có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biển Đông cho Tổ quốc.
Thi hành nhiệm vụ được giao từ thời đại Tây Sơn, Võ Văn Khiết cùng đồng đội đã trải qua không biết bao nhiêu gian nguy, hiểm trở và cuối cùng nằm lại giữa biển khơi.
Triều đình biết ơn người đội trưởng can trường, phong Võ Văn Khiết là Thượng Đẳng thần, lập nhà thờ Võ Văn Khiết tại xóm Vĩnh Thành thuộc thôn Tây xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Tên tuổi ngài đã lưu dấu trong lòng con dân xứ đảo, được xướng lên trong các sớ cúng tế, ngang hàng với các vị thần linh được nhân dân thờ phụng.
Đến cuối triều Gia Long, một ngôi đền thờ khang trang cùng ngôi mộ gió của cai đội Võ Văn Khiết đã được xây dựng trong khu đất của dòng họ Võ, dân gian quen gọi là miếu ông Thắm.
Nối nghiệp thân phụ, ông Võ Văn Phú (con trai cả của Võ Văn Khiết), vào năm Gia Long nguyên niên (1802) cũng được phong chức "Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm tri Hoàng Sa các đội Cai cơ thủ ngự Phú Nhuận hầu", nghĩa là ông không chỉ làm Cai đội Hoàng Sa mà còn là người chỉ huy của các cai đội. Đồng thời ông cũng là quan trấn thủ cửa biển Sa Kỳ, một cửa biển lớn có vị trí quan trọng đối mặt với biển nước ta lúc bấy giờ. Đời sau, ông Võ Văn Hùng (con ông Võ Văn Phú) cũng từng đảm nhiệm chức vụ trưởng đội dân phu trong những năm từ 1832 đến 1836.
Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh
Phạm Quang Ảnh người làng An Vĩnh là một viên cai đội của Đội Hoàng Sa. Tháng 1/1815 vua Gia Long Nguyễn Ánh phong ông làm cai đội của Đội Hoàng Sa và giao cho ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đi đến Hoàng Sa và Bắc Hải để xem xét, đo đạc thủy trình, trấn giữ Biển Đông và tìm kiếm sản vật quý về cho triều đình. Mỗi chuyến đi 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 thì quay về để tránh mùa biển động.
|
Mộ cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh và các cộng sự. |
Đoàn thuyền của ông đã đi được nhiều chuyến thành công, nhưng rồi trong chuyến đi cuối cùng gió bão, ông và các thuyền viên đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu.
Vua Gia Long đã đích thân đến tận Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Ông và đồng đội đã được hóa thân vào những hình người nặn bằng đất sét và được cúng chiêu hồn suốt một đêm với sự có mặt của vua, rồi làm lễ an táng như những người đã chết trên biển: 25 nấm mộ xếp thành một hàng trong đó ông Phạm Quang Ảnh đặt đầu tiên rồi đến 24 tử sĩ đồng đội của ông. Đây là ngững ngôi mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) đầu tiên ở Đảo Lý Sơn.
Đến nay, sau hàng trăm năm, 25 ngôi mộ gió này đã kết liền với nhau thành một nấm mộ lớn dài hơn chục mét ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Cai đội Phạm Quang Ảnh đã được phong làm Thượng đẳng thần để hộ vệ và ban phúc cho những người vượt sóng gió Biển Đông và được nhân dân xã An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng. Ông trở thành người khai lập dòng họ Phạm Quang trên đảo Lý Sơn, được thờ trong Nhà thờ của dòng họ.
Đất nước đã ghi nhớ công lao của ông bằng cách đặt tên ông cho một hòn đảo trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa: Đảo Quang Ảnh.
Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật
Phạm Hữu Nhật là một vị Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội của Đội Hoàng Sa. Theo chính sử nhà Nguyễn, năm Bính Thân 1836, ông vâng mệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền gồm khoảng 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa.
Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ "Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự" (nghĩa là: năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ).
|
Mộ cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật. |
Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của ông đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật rồi về tâu trình với triều đình là đã hoàn thành nhiệm vu.
Không biết ông đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng năm 1854 thì ông cùng các cộng sự đã không trở về. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) không có hài cốt tại thôn Đông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Các bộ chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về sự kiện này và đánh giá công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Công ơn của ông được khắc ghi bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo san hô nằm ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa.
Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 19/2 Âm lịch hàng năm, tộc họ Phạm Văn cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật bên cạnh việc tưởng nhớ các vị tham gia Đội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước.