Các chuyến du lịch mạo hiểm ngày càng thu hút giới siêu giàu chi tiền trải nghiệm. Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research (Ấn Độ), du lịch mạo hiểm đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua và cả ngành có trị giá ước tính 366 tỷ USD vào năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch này ngày càng phát triển mạnh. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, ngành du lịch mạo hiểm sẽ có giá trị 1.000 tỷ USD.
Bất chấp nguy hiểm đánh đổi cả tính mạng, nhiều đại gia vẫn mạnh tay chi tiền để được chinh phục những nơi tận cùng thế giới, thậm chí là bay vào vũ trụ.
Tờ Telegraph (Anh) cho hay, vào năm 2023, bất kỳ ai có đủ thời gian, tiền bạc và được đào tạo đều có thể coi mình là một nhà thám hiểm.
Tour lặn ngắm xác tàu Titanic
Giá: 250.000 USD/người
Công ty nghiên cứu và du lịch OceanGate Expeditions cung cấp chương trình du lịch kéo dài 8 ngày đưa khách hàng khám phá Titanic ở độ sâu hơn 13.000 feet (hơn 4.000m) dưới bề mặt đại dương bằng tàu ngầm chế tạo từ sợi carbon và titan 5 chỗ ngồi. Theo trang web của công ty, trải nghiệm "một lần trong đời" có giá 250.000 đô la Mỹ mỗi người (khoảng 6 tỷ đồng).
Tàu lặn Titan đưa du khách ngắm xác tàu Titanic. Ảnh: OCEANGATE. |
Công ty Oceangate Expenditures được thành lập và điều hành bởi Stockton Rush, một triệu phú người Mỹ, cũng chính là người lái tàu Titan.
Thám hiểm rãnh Mariana
Giá: 750.000 USD/ người (tương đương 17,6 tỷ đồng)
Tour lặn thám hiểm xác tàu Titanic chưa phải là chuyến lặn biển nguy hiểm nhất. Điểm sâu nhất trong lòng đại dương con người có thể chạm đến ở thời điểm hiện tại là vực Challenger Deep của rãnh Mariana. Rãnh Mariana nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương. Điểm sâu nhất của nó cũng là nơi sâu nhất trong lớp vỏ Trái Đất.
Năm 2020, công ty du lịch EYOS Expeditions đã hợp tác cùng công ty dịch vụ lặn Caladan Oceanic lần đầu tiên cung cấp tour thám hiểm vực Challenger Deep trị giá 750.000 USD. Địa điểm này sâu gần 11 km dưới mực nước biển, sâu hơn 7 km so với nơi tàu Titanic chìm. Tính đến năm 2020, chỉ có 7 du khách từng đến nơi này.
Bay vào vũ trụ
Giá: Từ 450.000 USD (tương đương 10,5 tỷ đồng)
Du lịch vũ trụ được được dự đoán là xu hướng của tương lai. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) từng phản đối du lịch vũ trụ, nhưng hiện ủng hộ các công ty tư nhân khai thác loại hình du lịch đắt đỏ này. Những công ty tiêu biểu đang thương mại hóa du lịch vũ trụ có thể kể đến Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos, Virgin Galactic của Richard Branson và SpaceX của Elon Musk.
Tỷ phú Richard Branson trải nghiệm trạng thái không trọng lượng trong chuyến bay vào tháng 7/2021. Ảnh: Virgin Galactic. |
Một vé cho chuyến bay dài 11 phút vào không gian của Blue Origin được bán đấu giá vào năm 2018 với mức 28 triệu USD. Theo Reuters, công ty của tỷ phú Jeff Bezos ước tính giá vé trong tương lai có thể sẽ rơi vào khoảng 200.000 đến 300.000 USD.
Trong khi đó, công ty Virgin Galactic gần đây thông báo sẽ sớm thực hiện các chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ, với giá vé 450.000 USD mỗi người cho một lần bay. Tỷ phú Anh Hamish Harding, người tử nạn trong chuyến lặn khám phá xác tàu Titanic gần đây, đã thực hiện một chuyến bay vũ trụ của công Blue Origin vào năm ngoái .
Ngoài hai đơn vị kể trên, Công ty SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng cung cấp chuyến phiêu lưu ngoài không gian. Du khách được trải nghiệm cảm giác như một phi hành gia, lưu trú một tuần tại Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Hiện, chuyến đi này có giá lên đến 80 triệu USD. Ngoài ra, SpaceX cũng hy vọng sẽ đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030.
Thám hiểm Nam Cực và Bắc Cực
Chi phí: Khoảng 30.000 USD (tương đương 705 triệu đồng)
Công ty Intrepid Travel (Mỹ) cung cấp các chuyến đi giá hơn 30.000 USD mỗi người cho chuyến đi ba tuần quanh Vòng Nam Cực và eo biển Drake - nơi có một số vùng nước nguy hiểm nhất thế giới.
Tàu thám hiểm ở Nam Cực. Ảnh: Quark Expeditions. |
Trong khi đó, công ty Quark Expeditions khai thác các hành trình đến Nam Cực và cả Bắc Cực. Tour Nam Cực có giá từ 12.000 USD đến hơn 40.000 USD tùy độ dài hành trình. Tour Bắc Cực của công ty khởi hành từ Helsinki, Phần Lan, mức giá không được công khai.
Tour chinh phục “nóc nhà thế giới”
Chi phí: Từ 30.000 USD đến 160.000 USD
Việc chinh phục đỉnh Everest, nóc nhà thế giới, không còn là điều xa lạ với nhiều người. Nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được điều này. Theo New York Post, mỗi năm, số du khách leo lên đỉnh thành công chỉ khoảng trăm người. Lý do là tham gia tour này đòi hỏi phải có sức khỏe và tài chính tốt. Theo tính toán, chi phí một chuyến lên đỉnh Everest mất từ 30.000 đến 160.000 USD, tùy thuộc dịch vụ.
Chi phí một chuyến lên đỉnh Everest mất từ 30.000 đến 160.000 USD, tùy thuộc dịch vụ. Ảnh: Lhakpa Sherpa. |
Lukas Furtenbach, người sáng lập Furtenbach Adventures, chia sẻ phần lớn chi phí chuyến thám hiểm đắt đỏ này dùng để cung cấp "oxy không giới hạn" cho du khách. Giảm thiểu một trong những mối đe dọa tính mạng lớn nhất của cuộc leo núi khắc nghiệt.
Everest cao 8.848 mét, là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất so với mực nước biển. Sau trận động đất tại Nepal ngày 25/4/2015, Everest đã bị giảm độ cao 2,4 cm và dịch chuyển 3cm về phía tây nam. Đường lên đỉnh Everest là biên giới giữa Nepal và vùng Tây Tạng, Trung Quốc.