Với phong cách giáo dục mới của thế kỷ 21, những tưởng các hình phạt thể xác của thời xưa đã lui vào dĩ vãng.
Nhưng không, đâu đó trên thế giới, ngay cả ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, vẫn còn những cô cậu học trò phải hứng chịu nhiều hình phạt khá khắc nghiệt và lạ thường.
Rất đáng ngạc nhiên là hiện có đến 19 tiểu bang ở vùng Trung Tây và miền Nam nước Mỹ cho phép nhà trường dùng hình phạt đánh học sinh bằng loại roi dẹp to bản (paddle).
Điều này căn cứ theo một phán quyết năm 1977 của Toà án Tối cao Liên bang kết luận rằng việc đánh đòn là không vi phạm đến quyền lợi học sinh.
Cá biệt còn có một số trường hợp các giáo viên áp dụng hình phạt quái dị như nhốt học sinh vào túi, giam vào một căn phòng nhỏ và tối, bắt đeo quanh cổ một cái chóp (kiểu người ta hay đeo quanh cổ chó để ngăn chúng cắn liếm vết thương trên mình hay cắn phá đồ đạc)...
Đầu gối của một nữ sinh Trung Quốc sau khi bị phạt quỳ trên các hạt đậu - Ảnh: FilterCopy |
Dĩ nhiên là nhà trường phải đối mặt những phản ứng quyết liệt, có khi dẫn đến kiện cáo ra tòa của các phụ huynh vì những hình phạt có phần quá tay loại này.
Ở một số nước châu Á như Trung Quốc và Philippines, các hình phạt thường được áp dụng là bắt học sinh quỳ trên các hạt đậu (đã đông lạnh), hạt bắp và gạo sống, cá biệt còn có hình phạt bắt học sinh chổng ngược kiểu trồng cây chuối và đi bằng tay, bịt mồm và cả... tụt quần lót.
Ở các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Philippines, dù tòa án và ngành giáo dục đã ban hành quy định cấm dùng roi đòn trừng phạt học sinh từ lâu, vẫn còn có nhiều nhà trường duy trì hình phạt này. Chỉ có Malaysia là còn cho phép dùng đòn roi với học sinh.
Còn ở Việt Nam, hẳn nhiều vị có tuổi không quên ngày xưa đi học, nhất là ở bậc tiểu học, thầy cô nghiêm khắc phạt học sinh phạm lỗi như đánh đòn, bắt quỳ gối, nhéo tai...