Nhiều hoạt động độc đáo, ý nghĩa được tổ chức để ngày khai giảng mang lại nhiều dấu ấn cho học sinh và phụ huynh.
Tặng quà cho con cái
Tại Đức, khai giảng năm học mới, thường diễn ra vào tháng 8 hoặc 9 hằng năm. Đây là sự kiện đáng chú ý không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn của các gia đình có con trong độ tuổi đi học, trong đó lễ khai giảng của học sinh lớp Một là đặc biệt quan trọng.
Học sinh Đức được tặng quà Schultüte vào ngày khai giảng lớp Một. |
Theo quan điểm của người Đức, ngày đầu tiên vào lớp Một là bước ngoặt trong cuộc đời của trẻ tương tự như lễ tốt nghiệp hay đám cưới. Ngày này gắn liền với truyền thống Schultüte (nghĩa đen là “cặp sách”), xuất hiện từ khoảng thế kỷ 18.
Theo truyền thống này, vào ngày khai giảng, bố mẹ hoặc người thân sẽ tặng cho trẻ chiếc ống hình chóp, thường làm bằng bìa cứng. Bên trong chứa đầy kẹo, đồ chơi hoặc đồ dùng học tập để trẻ bước vào trường học. Chiếc ống có hình nón ngược, miệng tròn, thân dài nên có thể đựng nhiều đồ và được gói lại bằng tờ giấy nhiều màu sắc.
Cha mẹ ở Đức tin rằng, trong ngày đầu tiên đi học, trẻ sẽ không tránh khỏi cảm giác lo lắng, rụt rè, mất tự tin. Việc tặng quà cho con vào ngày này giúp các em vơi đi cảm giác lo lắng, tràn đầy hứng thú và sự tò mò trước hành trình phía trước.
Đặc biệt, các Schultüte sẽ do bố mẹ tặng cho con cái họ. Điều này thể hiện khi đứa trẻ chuyển sang giai đoạn mới trong cuộc sống, gia đình vẫn luôn ở bên và đồng hành cùng các em.
Chị Julian Eichhorn, phụ huynh có con học tại Trường Silicon Valley International, Đức, chia sẻ: “Truyền thống Schultüte có từ lâu đời, khi tôi đi học đã được bố mẹ tặng món quà này. Tôi vẫn nhớ chiếc Schultüte của mình có màu sắc sặc sỡ, bên trong đựng bút chì, gọt bút chì, hộp màu... Đó là kỷ niệm đẹp về ngày đầu tiên đến trường nên tôi vẫn duy trì tặng Schultüte cho các con của mình”.
Balo randoseru chống gù lưng cho học sinh Nhật Bản. |
Còn tại Nhật Bản, năm học mới thường bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4. Ngày khai giảng là dịp quan trọng trong văn hóa lâu đời của “xứ Phù Tang”. Trong ngày này, học sinh thường được tặng một chiếc balo cứng, gọi là randoseru. Đây là loại balo được Chính phủ Nhật Bản yêu cầu học sinh tiểu học sử dụng trong 6 năm để đựng sách giáo khoa, vở, bút cùng tất cả vật dụng khác.
Randoseru được làm từ da thật, da nhân tạo hoặc da ngựa. Một chiếc balo randoseru điển hình cao khoảng 30 cm, rộng 23 cm và sâu 18 cm. Trọng lượng xấp xỉ 1,2 kg. Phần lưng của balo có đệm nên trẻ sẽ không bị gù lưng hay tổn hại cột sống. Vì vậy, randoseru còn có tên gọi khác là balo chống gù. Việc sử dụng liên tục chiếc balo này trong 6 năm tiểu học giúp trẻ giữ được vóc dáng thẳng và phát triển thể chất.
Trong ngày khai giảng, trẻ được tặng randoseru, vốn là chiếc túi đắt tiền, nhằm hai mục đích: Giáo dục các em việc gìn giữ và bảo quản tài sản cá nhân. Cùng đó giúp bảo vệ sức khỏe thể chất và chống gù cho học sinh.
Bên cạnh món quà là balo, nhiều phụ huynh cũng tặng cho con mình một chiếc bàn học mới trong nhà. Món quà này được tặng với hy vọng giúp chúng đạt được thành công trong học tập, bằng cách dành một không gian riêng trong nhà cho việc học.
Ngoài ra, trong ngày khai giảng, học sinh sẽ ăn bữa trưa đặc biệt gồm cơm rong biển và trứng cút vì đây là những món ăn mang lại may mắn theo truyền thống của người Nhật.
Trong khi đó, Ấn Độ thường bắt đầu năm học mới vào tháng 5 hoặc tháng 6, lúc có gió mùa. Ngày khai giảng ở nước này được gọi là praveshanolsavam. Vì ngày khai giảng được tổ chức vào mùa gió mùa nên phụ huynh Ấn Độ thường tặng con một chiếc ô khi đến trường. Từ đó, tặng ô trong ngày khai giảng trở thành truyền thống thú vị của người dân nước này.
Còn tại Hàn Quốc, lễ khai giảng diễn ra vào đầu tháng 3 giống như Nhật Bản với hy vọng mùa Xuân mang lại những khởi đầu tốt đẹp. Trong lễ khai giảng, học sinh toàn trường sẽ quy tụ, tặng hoa cho thầy, cô giáo và thả bóng bay viết điều ước để kết thúc buổi lễ.
Học sinh Trung Quốc trong bộ trang phục truyền thống Nho giáo. |
Cơ hội để giao lưu với bạn bè
Đối với Nga và nhiều quốc gia Liên Xô cũ như Armenia, Kazakhstan, Moldova, Turkmenista…, khai giảng thường rơi vào ngày 1/9, còn được gọi là “Ngày Tri thức” (Knowledge Day).
Tại Nga, ngày khai giảng là lễ kỷ niệm lớn với hoa, bánh kẹo cùng nhiều hoạt động cộng đồng. Học sinh khoác lên mình bộ quần áo đẹp, mới tinh, mang theo những bó hoa và cùng cha mẹ đến trường. Đây là dịp để các gia đình chụp ảnh, tụ tập liên hoan và làm quen với nhau.
Học sinh lớp Một sẽ đem những bó hoa tặng cho giáo viên để đổi lại quả bóng bay. Các bé gái thường đeo ruy băng màu trắng trên tóc hoặc buộc vào bóng bay, ý chỉ mình đã sẵn sàng cho bước ngoặt mới trong cuộc đời.
Tại Kazakhstan, trước ngày khai giảng, các gia đình sẽ tổ chức một bữa tiệc và mời họ hàng, bạn bè đến dự. Mọi người cùng nhau nấu món ăn thịnh soạn từ thịt cừu. Đứa trẻ chuẩn bị đi học sẽ ngồi đọc sách hoặc kể chuyện gia đình để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Khi học sinh đến trường, giáo viên sắp xếp một bữa tiệc nhỏ để các bạn mới làm quen với nhau. Mỗi em mang đến trường một bông hoa để tặng giáo viên. Sau đó, số hoa này được tổng hợp lại thành một bó hoa lớn để trang trí cho lớp. Ngoài ra, học sinh còn được bố mẹ tặng những món quà truyền thống như kẹo, nến, bút chì...
Trong khi đó, tại Ả-rập Xê-út, khai giảng là một dịp lễ có thể kéo dài 3 ngày liên tiếp. Đây là quốc gia tổ chức lễ khai giảng dài nhất thế giới.
Tuy nhiên thay vì nghỉ lễ, học sinh sẽ đến trường trong suốt thời gian diễn ra lễ hội để làm quen bạn bè, thầy cô và tham gia các hoạt động vui chơi gắn kết như khiêu vũ, tổ chức hội chợ, ca hát...
Kết bạn được xem là yếu tố vô cùng quan trọng trong ngày đầu tiên đi học tại Indonesia. Ở một số vùng của quốc gia này, ngày đầu tiên được coi là định hướng để học sinh làm quen với nhau.
Theo một bài viết trên tạp chí Kid World Citizen, trường học ở Indonesia thường chia trẻ thành các nhóm trong ngày đầu tiên đi học. Qua đó, trẻ được thực hiện các hoạt động tạo điều kiện cho việc kết bạn. Đồng thời, học sinh được tạo cơ hội để hiểu rõ hơn về bạn học của mình trước khi bắt đầu năm học mới.
Trẻ em Nga mặc đồng phục mới, mang hoa đến trường tham dự lễ khai giảng. |
Làm mới ngày khai giảng
Ở Trung Quốc, lễ khai giảng thường rơi vào đầu tháng 9, không được tổ chức quá đặc biệt. Trong buổi lễ, học sinh tập trung dưới sân trường lắng nghe những chia sẻ, lời chúc đầu năm của hiệu trưởng. Sau đó, một học sinh có thành tích xuất sắc sẽ đại diện toàn trường đọc bài phát biểu chào năm học mới.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, các tỉnh, thành tại Trung Quốc đang cố gắng “khuấy động” không khí trong lễ khai giảng nhằm khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.
Đơn cử ở thành phố Nam Kinh, hiệu trưởng một trường tiểu học đã đưa 300 học sinh lớp Một đến thăm ngôi đền Khổng giáo để tham gia buổi lễ kỷ niệm truyền thống Nho giáo vào ngày khai giảng. Trong hoạt động “khai bút”, học sinh mặc trang phục truyền thống cầm bút lông, viết chữ “Nhân” rồi chấm đỏ lên trán tượng trưng cho con mắt trí tuệ. Sau đó, học sinh rung chuông chùa và thắp hương trước tượng Khổng Tử - nhà hiền triết Trung Quốc.
Ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, nhân viên của bảo tàng mang một số hiện vật đại diện cho văn hóa truyền thống lịch sử của địa phương đến các trường tiểu học trong ngày khai giảng. Tại đây, họ sẽ giới thiệu nguồn gốc, kể các câu chuyện lịch sử và cho học sinh chiêm ngưỡng những cổ vật giá trị.
Còn tại thành phố Vũ Hán, học sinh các trường THCS có cơ hội giao lưu trò chuyện với những người nổi tiếng địa phương trong lĩnh vực như y khoa, văn học, quân đội... Các diễn giả sẽ chia sẻ về kỷ niệm thời đi học hoặc cuộc sống sau khi rời ghế nhà trường.
Bên cạnh các quốc gia tổ chức khai giảng như ngày hội đến trường thì cũng có những quốc gia, khai giảng chỉ là một ngày học bình thường.
Đơn cử tại Pháp, ngày khai giảng được tổ chức rất gần gũi, đơn giản. Trước hôm khai giảng một ngày, giáo viên trở lại trường để thu dọn, vệ sinh trường lớp. Các trường không tổ chức lễ khai giảng mà chỉ tập hợp học sinh trong hội trường để giới thiệu giáo viên. Sau đó, học sinh vào học như những ngày bình thường.
Mỹ cũng không tổ chức khai giảng mà dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc làm quen với giáo viên, bạn bè. Mỗi bang sẽ quy định một ngày khai giảng khác nhau.
Tại một số trường cấp 3, học sinh mới sẽ tới trường sớm từ 1 - 2 ngày để tham gia vào buổi hướng nghiệp, giúp làm quen với ngôi trường mới cũng như các quy tắc và môi trường xung quanh.
Tại Triều Tiên, ngày khai giảng thường tổ chức vào đầu tháng 4. Học sinh sẽ mặc đồng phục mới và được bố mẹ cài lên ngực những bông hoa màu đỏ tươi thắm, dấu hiệu của một hành trình mới.