Xung khắc chỉ tính theo cặp
Dần Thân Tị Hợi, Thìn Tuất Sửu Mùi, Tý Ngọ Mão Dậu là 3 nhóm Tứ hành xung. Thường thường người Việt phần đông hiểu rằng những con giáp trong tứ hành xung đều xung khắc lẫn nhau nhưng hiểu như vậy là sai lầm.
Một sự thực đầu tiên phải nói rõ là việc lập ra các nhóm tứ hành xung như viết ở trên là do quan niệm âm dương ngũ hành mà ra. Người xưa sử dụng hệ can chi gồm 12 chi (còn gọi là 12 con giáp) và 10 can. Người ta lại quy ước các hành của ngũ hành cho các can và chi. Theo đó, Dần và Mão ứng với hành Mộc; Thân và Dậu ứng với hành Kim, Hợi và Tí ứng với hành Thủy, Ngọ và Tị ứng với hành Hỏa; còn lại Thìn, Tuất, Sửu và Mùi là hành Thổ.
Theo thuyết ngũ hành tương khắc thì Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy.... Do đó mà Dần xung với Thân, Mão xung với Dậu, Tị xung với Hợi, Tí xung với Ngọ. Nhìn trên một cái la bàn phong thủy hoặc một lá số tử vi thì thấy rõ rằng về mặt hình học, các con giáp xung nhau thì đối xứng với nhau trên các vị trí ở la bàn hoặc lá số.
Như thế, các con giáp chỉ xung với nhau theo từng cặp là: Dần – Thân, Tị - Hợi, Thìn – Tuất, Sửu – Mùi, Tí – Ngọ, Mão – Dậu.
Xung khắc phải xét theo mệnh
Ở trên đã chứng minh rằng sự xung khắc trong tứ hành xung là xung khắc theo từng cặp. Tuy nhiên như thế chưa phải toàn bộ vấn đề. Ngay trong từng cặp ấy không phải tất cả người tuổi Dần đều xung khắc với người tuổi Thân. Muốn biết sự xung khắc cụ thể phải xét đến mệnh của từng tuổi để so với nhau.
Mọi người đều biết, địa chi có 12 con giáp và kết hợp với 10 can mới tạo thành hệ thống can chi. Các chi đã được gán với các hành như nói ở trên và thêm vào đó cổ nhân lại phân chia tính chất âm dương cho 12 con giáp. Theo cách phân chia được sách Tự điển tử vi của Đắc Lộc, các con giáp sau đây là thuộc tính dương: Tí, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất. Các con giáp còn lại thuộc tính âm là: Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi.
Không phải cứ tuổi Dần là xung với tuổi Thân. |
Người ta cũng lại phân chia tiếp tính âm dương của 10 can. Theo cách phân chia được Tự điển tử vi chép thì: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm là dương còn Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý là âm. Khi ghép can với chi để tạo ra các năm can chi người ta ghép theo quy luật là can dương ghép với chi dương, can âm ghép với chi âm. Do vậy 12 chi ghép với 10 can chỉ tạo ra 60 năm mà thôi. 60 năm đó được gọi là Lục thập hoa giáp.
Người ta cũng vận dụng thuyết ngũ hành để gán cho các can mang tính chất của ngũ hành. Trong đó, các can Giáp Ất là hành Mộc, Bính Đinh là hành Hỏa, Mậu Kỷ là Thổ, Canh Tân là Kim và Nhâm Quý là Thủy.
Mặc dù mỗi con giáp và mỗi can đều được gán cho ứng với một hành trong ngũ hành nhưng khi can và chi ghép với nhau thì lại được quy nạp lại để mang thuộc tính một hành mới. Cách làm đó được gọi là nạp âm. Chẳng hạn năm Giáp Ngọ 2014 vừa qua có Giáp là hành Mộc và Ngọ là hành Hỏa nhưng nạp âm của Giáp Ngọ lại là Kim.
Vì chúng ta đang nói về xung khắc mà xung khắc là khái niệm của ngũ hành. Bởi thế những dẫn giải dài dòng ở trên là nhằm để người đọc biết sơ qua về sự liên quan giữa các can chi với âm dương ngũ hành.
Bây giờ trở lại vấn đề tính tuổi xung khắc. Ở trên chúng tôi đã trình bày rằng không phải Dần Thân Tị Hợi tứ hành xung là cả 4 con giáp xung khắc lẫn nhau mà chỉ có Dần – Thân và Tị - Hợi xung mà thôi. Tuy nhiên, cũng không phải tất cả người tuổi Dần xung với người tuổi Thân.
Theo Tân Việt trong sách "100 điều nên biết về phong tục Việt Nam" thì trong luật âm dương ngũ hành có 3 thế là tương sinh, tương khắc và tương hòa. Ví dụ Kim sinh thủy là tương sinh, Mộc khắc Thổ là tương khắc còn Kim với Kim hoặc Mộc với Mộc là tương hòa.
Như vậy các tuổi chỉ thực sự xung khắc với nhau nếu mệnh của họ xung khắc nhau. Lấy tuổi Kỷ Tị làm ví dụ. Theo quan niệm tứ hành xung thì Tuổi Tị xung với tuổi Hợi. Trong tuổi Hợi có 6 năm tuổi là Ất Hợi, Đinh Hợi, Kỷ Hợi, Tân Hợi, Quý Hợi nhưng không phải cả 6 tuổi này đều xung khắc với người tuổi Kỷ Tị.
Tuổi Kỷ Tị nạp âm là hành Mộc. Tuổi Ất Hợi là hành Hỏa, Đinh Hợi là Thổ, Kỷ Hợi là Mộc, Tân Hợi là Kim và Quý Hợi là Thủy. Như thế, Kỷ Tị và Kỷ Hợi là tương hòa vì cùng là Mộc; Kỷ Tị với Quý Hợi và Ất Hợi là tương sinh vì Kỷ Tị là Mộc sinh cho Hỏa của Ất Hợi và được Thủy của Quý Hợi dưỡng. Cuối cùng chỉ còn Đinh Hợi là Thổ thì bị Mộc của Kỷ Tị khắc và Tân Hợi là Kim khắc Mộc của Kỷ Tị.
Như vậy, khi xét sự xung khắc của các tuổi trong tứ hành xung, phải xét đến mệnh của tuổi mình rồi xét đến các mệnh của 6 tuổi trong con giáp xung với mình thì mới chi ly và chính xác.