Con người có thể nhịn thở 3 phút, nhịn uống 3 ngày, nhịn ăn 3 tuần, nhưng nhiều người vẫn không biết con người nhịn ngủ được bao lâu?
Giới hạn của số 3
Theo các nhà khoa học thế giới, số 3 là con số chuẩn để đo “ngưỡng” giới hạn cuối cùng của con người bình thường trong hoạt động nhịn thở, nhịn ăn và nhịn uống. Tuy nhiên, có những người cá biệt mà phần nhiều do cơ địa hoặc do luyện tập mà vượt qua giới hạn của con số 3 ấy.
BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, một chuyên gia nghiên cứu hô hấp cho biết, có những người không thể nhịn thở được quá 3 phút, nhưng cũng có những người nhịn thở lên tới hơn 20 phút.
Việc ăn uống cũng thế. Với người bình thường, nhịn uống 3 ngày đã có thể dẫn tới tử vong vì thiếu nước. Nhịn ăn 3 tuần sẽ chết vì không có dưỡng chất nuôi cơ thể. Nhưng cũng có những người có thể nhịn uống cả tuần và nhịn ăn cả tháng mà cơ thể vẫn khỏe mạnh, tinh thần vẫn tỉnh táo.
Một ví dụ mà BS Đỗ Hồng Ngọc đưa ra là một thợ lặn người Đức 35 tuổi tên là Tom Sietas đã ghi tên mình vào sách kỷ lục khi nhịn thở dưới nước với thời gian lên tới hơn 20 phút.
Để làm được như vậy, Tom đã phải luyện tập rất công phu và thường xuyên. Trước mỗi lần nhịn thở kéo dài, anh thường nhịn đói để làm chậm quá trình trao đổi chất. Đồng thời anh hít thật nhiều oxy nhất có thể.
Một danh tướng của Việt Nam ta là Phạm Hữu Thế, tức Yết Kiêu cũng được lịch sử lưu danh khi có tài bơi lội và nhịn thở cả giờ đồng hồ dưới nước để đục thủng tàu giặc. Tuy nhiên, nhiều người cho đó chỉ là giai thoại được thêu dệt quá lên. Nhưng nếu xét kỹ, cũng phần nào thấy được tài năng nín thở của tướng Yết Kiêu.
Liệu con người nhịn thở được bao lâu? |
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết những người có thể nhịn thở trong thời gian quá 3 phút đều có phổi lớn hơn người thường. Như anh Tom người Đức, các chuyên gia y tế đã đo đạc phần lá phổi và thấy lớn hơn 20% so với người khác.
Như vậy, lá phổi lớn – nhỏ cùng hoạt động luyện tập sẽ kéo dài “ngưỡng” về khả năng nhịn thở của con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều khuyên mỗi người không nên tự ý luyện tập nhịn thở vì nó ảnh hưởng không nhỏ tới hệ hô hấp. Đã có trường hợp tử vong do bị “sốc oxy” khi thi nín thở.
Còn việc nhịn uống nước trong bao lâu cũng được các nhà khoa học nghiên cứu và công bố kết quả.
Cơ thể con người với 65% là nước. Rõ ràng là nước vô cùng thiết yếu đối với sự sống của chúng ta. Dòng nước chảy qua máu, mang theo ôxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào và tống chất thải ra ngoài cơ thể. Nó làm đệm cho khớp và các mô mềm.
Không có nước khi ăn uống hằng ngày, chúng ta sẽ không thể tiêu hóa hoặc hấp thụ thức ăn. So với ăn thì nhu cầu về nước uống của con người cao hơn rất nhiều. Người ta có thể nhịn ăn 3 tuần hoặc lâu hơn nữa mà vẫn sống. Nhưng nếu nhịn uống trong 3 ngày thì sẽ bị chết khát.
Tuy nhiên, đây không phải là giới hạn chịu đựng cuối cùng của con người. Tùy theo sức chịu đựng của từng người mà thời gian nhịn khát có thể kéo dài hơn. Đã có những trường hợp người bị kẹt trong ngôi nhà đổ hoặc bị sập hầm lò ở mỏ than nhưng vẫn có thể sống sót mặc dù phải sống trong điều kiện không có nước uống kéo dài 8 - 10 ngày.
Anh Tom (phải) đã lập kỷ lục nhịn thở 22 phút 22 giây. |
Nhịn ngủ trong bao lâu?
Với những người bình thường, mất ngủ 1 - 2 ngày đã gây ra những mệt mỏi khủng khiếp. Thế nhưng, “ngưỡng đỏ” của việc nhịn ngủ là bao lâu xem ra vẫn còn là một dấu hỏi lớn khi có nhiều trường hợp cả mấy chục năm không chợp mắt nhưng vẫn khoẻ như thường.
BS Nguyễn Ý Đức cho biết, ngủ đầy đủ rất cần thiết để duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần. Nếu mất ngủ thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tinh thần của con người. Tuy nhiên, con người cũng có những “ngưỡng đỏ” trong việc nhịn ngủ.
Trước đây, đã có những báo cáo ghi nhận các vụ phi công mê sảng sau 3 - 4 ngày không ngủ và khiến chiếc máy bay chiến đấu lao thẳng vào một vách núi, hay tác động của việc thiếu ngủ tương tự như say rượu đối với các tài xế xe tải. Điều này cho thấy việc thiếu ngủ mang lại tác hại rất lớn. Tuy nhiên, một cậu bé 17 tuổi tên là Randy Gardner đã từng lập kỷ lục Guiness bằng cách không ngủ trong 11 ngày.
Nhưng cũng từng có vụ một người đàn ông Trung Quốc bị chết sau 11 ngày không ngủ vì xem tất cả các trận đấu bóng đá. Nhưng ông này cũng uống rượu và hút thuốc suốt 11 ngày đó, khiến việc xác định nguyên nhân cái chết có phải do thiếu ngủ hay không gặp nhiều khó khăn. Vì lý do đạo đức mà các nhà khoa học cũng không thể tiến hành các thí nghiệm tương tự để đưa ra kết luận.
Vì thế, các nhà khoa học tại Đại học Chicago đã tiến hành một thí nghiệm trên loài chuột. Họ làm cho chúng không thể ngủ và ghi lại những thay đổi trong cơ thể cũng như sóng não. Kết quả là tất cả những con chuột thử nghiệm đều không thể sống quá 20 ngày. Cơ thể chúng xảy ra hiện tượng đốt cháy calo quá mức trong khi không hề vận động gì và vẫn được ăn uống bình thường.
Ông Thái Văn Ngọc suốt 45 năm không chợp mắt. |
Từ thí nghiệm này, các chuyên gia đưa ra dự đoán rằng, cơ thể con người không thể chịu đựng quá 15 ngày mà không ngủ, mặc dù vẫn ăn uống bình thường và không hoạt động nặng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam ta có khá nhiều trường hợp cả mấy chục năm không hề chợp mắt mà sức khoẻ vẫn bình thường. Một trong những trường hợp điển hình nhất là ông Thái Văn Ngọc, 75 tuổi quê Quế Sơn (Quảng Nam).
Theo lời kể của ông Ngọc thì chứng không buồn ngủ của ông bắt đầu lúc ông tròn 20 tuổi, khi đó ông mang lòng yêu một người con gái. Cảm giác lâng lâng khi yêu đã ám ảnh khiến ông không thể nào ngủ được.
10 năm sau, tức năm 1970, khi đó ông Ngọc đã tròn tuổi 30 thì tự dưng không bao giờ ngủ nữa. Vì không buồn ngủ nên ông thắp đèn làm quần quật đủ thứ việc nhà trong suốt 45 năm qua mà không phút nào chợp mắt nghỉ ngơi.
Trường hợp của ông Thái Văn Ngọc được BS Nguyễn Gia Thiều, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam xác nhận đó là chuyện có thật và rất hi hữu nhưng lại không có gì nguy hiểm.
Theo BS Nguyễn Gia Thiều, hiện tượng không ngủ kéo dài trong nhiều năm phần lớn là do hệ thống thần kinh trong não bị xáo trộn chứ không phải bị chấn động, ức chế sinh lý hay tác động nào của môi trường xã hội.
Đối với những trường hợp điển hình như ông Thái Văn Ngọc, bác sĩ xác định là không có “ngưỡng đỏ”, tức không có giới hạn của việc nhịn ngủ. Với những người bình thường, nhịn ngủ 20 ngày thì 99% là tử vong, nhưng với những người như ông Ngọc thì kể cả vài chục năm cũng không ảnh hưởng gì tới tính mạng, sức khoẻ và tinh thần.