1. Bệnh dại là gì?
Virus gây bệnh dại thuộc nhóm Rhabdovirus. |
Bệnh dại đã được ghi chép từ rất lâu, khoảng 3.000 năm trước. Khi đó, những người bị động vật (chó, mèo) dại cắn đều không thể tránh khỏi cái chết do thời kì này nguời ta chưa tìm ra phương pháp hữu hiệu nào để chữa bệnh dại.
Ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh dại là các virus thuộc nhóm Rhabdovirus. Các virus này sống trong các tế bào thần kinh và tuyến nước bọt của động vật bị dại.
Cho bị dại thường có dấu hiệu bị sủi bọt mép. Ảnh minh họa. |
Khi bị động vật dại cắn, các virus dại sẽ đi vào máu và hệ thần kinh của bệnh nhân. Tại não và tủy sống, virus dại sẽ làm hại đến hai cơ quan này dẫn đến những cơn dại. Khi đã lên cơn, tử vong là điều không thể tránh khỏi.
2. Những dấu hiệu của bệnh dại
Khi bị nhiễm virus dại, bệnh nhân sẽ sẽ trải qua hai thời kỳ là thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ toàn phát.
Hình ảnh một bệnh nhân bị dại thời kỳ toàn phát. |
Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 1-3 tháng. Đôi khi thời kỳ này chỉ dài 10 ngày hoặc kéo dài tới 8 tháng. Vết cắn càng gần hệ thần kinh và càng sâu thì thời kỳ ủ bệnh càng ngắn. Trong thời kỳ này, triệu chứng điển hình nhất là cảm giác kiến bò tại vết cắn, ngoài ra bệnh nhân sẽ không có triệu chứng gì đặc biệt. Đôi khi, có những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, khó chịu, buồn nôn và hay chảy nước mắt và nước mũi.
Tiếp theo là thời kỳ toàn phát, bệnh nhân sẽ bị kích thích các giác quan dẫn đến việc sợ gió, sợ nước, sợ tiếng động và sợ ánh sáng. Bệnh nhân sẽ phải chịu đựng những cơn co thắt rất đau đớn, cảm giác bị đè nén, lo âu và cuối cùng là bị liệt. Đến giai đoạn này, bệnh nhân sẽ không thể tránh khỏi cái chết.
3. Phòng bệnh dại như thế nào?
Bệnh dại chủ yếu lây qua đường bị động vật dại cắn. Vì thế, cần tiêu diệt các động vật nghi là bị dại. Trong đó, chó là loại động vật dễ bị dại nhất và chúng cũng sống gần người nhất, nên để phòng dại chúng ta cần:
- Hạn chế nuôi chó, nếu nuôi thì cần xích hoặc nhốt lại. Khi đưa chó ra đường thì cần phải đeo rọ mõm.
- Tiêm vaccine phòng dại cho chó mỗi năm một lần vào mùa xuân.
Hiện nay, y học chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh dại từ người sang người qua đường cắn nào.
4. Khi bị chó cắn, cần làm như thế nào?
Khi bị chó nghi là bị dại, chúng ta cần thực hiện theo các bước sau:
- Nhốt con chó lại và cho nó ăn uống đầy đủ, theo dõi trong 10 ngày.
- Rửa vết cắn bằng nước và xà phòng, sau đó rửa lại bằng cồn 70 độ. Tuyệt đối không làm rách thêm vết cắn, không được khâu vết cắn lại.
- Nếu vết cắn gần vùng đầu, tại đầu ngón tay, ngón chân thì lập tức tiêm huyết thanh kháng dại rồi tiêm vaccine phòng dại.
- Nếu trong vòng 10 ngày, con chó vẫn sống, ăn uống bình thường thì tiếp tục theo dõi. Nếu nó bị chết, chạy mất tích, bị đánh chết thì người bị cắn phải tiêm huyết thanh và vaccine ngay.
Lưu ý: Khi bị chó con cắn thì không thể theo dõi được chó con vì dấu hiệu trên chó con không rõ ràng. Khi đó, cần đưa người bị cắn đi chích huyết thanh và vaccine ngay.