Thành phố Sa Pa nằm ở tỉnh Lào Cai là địa điểm hút du khách trong và ngoài nước. Khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh tuyệt đẹp, ẩm thực độc đáo và văn hóa dân tộc là những yếu tố khiến một lượng khách lớn đổ về đây. Tuy nhiên, dịch vụ ở thành phố trong sương có những bất cập khiến nhiều người không muốn quay lại.
Nạn ăn xin, đeo bám
Có lẽ đây là một trong những vấn đề khiến du khách khó chịu nhất. Xuống xe hay ra khỏi cửa khách sạn, điều đầu tiên họ nhìn thấy là “đội quân đeo bám” trong trang phục dân tộc, có từ trẻ em tới người già, tay cầm vòng bạc, túi thêu... chờ sẵn. Khi chào mời mua không được, những người này bám theo, nài nỉ cho tới khi du khách không chịu nổi, và đành phải mua hoặc cho tiền.
Bạn đọc có nickname Cucngoc cho biết, khi đi cùng nhóm bạn lên Sa Pa, qua quảng trường nhà thờ và lên núi Hàm Rồng, các bạn lịch sự từ chối khi không có nhu cầu mua sắm. “Hôm sau chúng tôi đi thác Bạc, đến hang Tà Phìn, khu đá cổ, bảo tàng gia đình..., cả một đội quân bán hàng đeo bám, từ lúc chúng tôi bước xuống xe cho tới khi lên xe về. Họ còn lên cả trên xe, cho đến khi xe chạy mới chịu xuống”.
Du khách bị người bán hàng rong đeo bám từ khi bước chân xuống khỏi ôtô. Ảnh: Đức Giang/Báo Lao Động. |
Tình trạng đeo bám này không chỉ diễn ra ở trung tâm thành phố mà còn rất phổ biến ở các bản du lịch như Cát Cát. Bạn Nguyễn Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại câu chuyện vừa đáng buồn, vừa đáng bực: “Nhìn vẻ bề ngoài của các bé, ai cũng nghĩ chúng như em út trong nhà. Nhưng chúng bám theo khách du lịch nhiều cây số, vòi tiền khi có người ngồi xích đu công cộng. Mình ngồi xích đu và còn chơi chung với các em, cho mỗi đứa mấy cái kẹo. Lúc thiếu kẹo, mình mua thêm một gói đưa cho bé lớn nhất chia. Hai em được ít hơn đã đi theo mình từ đầu bản tới tận cổng bản, để đòi cho bằng được. Điều đó thực sự làm mình mất vui và rất khó chịu”.
Du khách quốc tế mới là mục tiêu chính của “đội quân” này. Bạn Mai Tấn (Xuân Trường, Nam Định) cảm thấy vừa bực mình, vừa xấu hổ khi chứng kiến cảnh các du khách nước ngoài khổ sở khi bị người dân vây quanh nài mua hàng: “Tôi đi cùng anh bạn người Anh, và không biết giấu mặt vào đâu khi bị hết nhóm người này tới nhóm người khác bao vây. Anh bạn tôi lúng túng và bối rối, vì đây là lần đầu gặp tình trạng này, dù đã đi nhiều nơi trên thế giới. Những người đó lẵng nhẵng đi theo cho tới khi tôi phải cho ít tiền”.
“Chặt chém” không được thì chửi
Bàn tới giá cả ở Sa Pa, nhiều du khách phàn nàn vì phần lớn các mặt hàng, sản phẩm đều quá đắt đỏ và thường xuyên bị nâng giá quá mức. Một số chủ hàng còn buông lời mạt sát khi khách không mua. Bạn Thùy An (Xa La, Hà Nội) cho biết: “Khăn dân tộc ở Mù Cang Chải bán khoảng 40.000-50.000 đồng. Ở đây bán 150.000 đồng. Mình hỏi một quán ăn xem gà giá bao nhiêu, thấy đắt quá không ăn nữa thì bị chủ quán chửi”.
Trí Thức (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp tình huống dở khóc dở cười khi mua hàng ở Sa Pa. Sau khi leo Fansipan về bị hỏng giày, anh tìm mua một đôi ở dãy hàng cạnh nhà thờ. Khi thấy bị hét giá lên gấp 4 lần và mặc cả không được, anh quyết định không mua nữa thì bị chửi với theo: “Bọn này làm gì có tiền mà cũng vào xem hàng”.
Quá tải và chất lượng dịch vụ ngày càng kém
Sau khi tuyến đường cao tốc mới Hà Nội - Lào Cai được thông xe, đường tới đây đã thuận lợi hơn, với tổng thời gian đi lại chỉ còn khoảng 4-5 tiếng, thay vì 8-9 tiếng như trước đây. Do đó, lượng khách tới Sa Pa ngày một tăng và quá tải vào những dịp nghỉ lễ, cao điểm. Cơ sở hạ tầng cùng dịch vụ không đủ đáp ứng cho du khách.
Bạn đọc Minh Thanh (Hà Nội) bức xúc: “Cuối tuần Sa Pa rất đông. Mọi người tụ tập ở sân chính trước nhà thờ đá vì có chương trình ca nhạc phục vụ khách du lịch. Tình hình mất trộm, móc túi xảy ra nhiều. Khu đồ nướng bên hông nhà thờ trung tâm trước đây rất sầm uất, đông đúc, năm nay bị giải toả hết ra khu vực bờ hồ, còn lại 2 hàng trong khu đó. Nhưng đồ nướng ôi thiu, dở tệ. Nói chung đi Sa Pa giờ rất xô bồ, nhộn nhạo”.
Bạn còn cho biết, lượng khách càng ngày càng đông, nhưng chất lượng dịch vụ, nhà nghỉ khách sạn không cải thiện. Giá cả dịp lễ, tết cao cấp 2-3 lần. Tình hình cháy phòng là chuyện thường xảy ra. Các tour leo Fansipan hay bán khách. Nhiều hướng dẫn viên tự phát, thu thập khách leo Fansipan, sau đó khi lên Sa Pa thì bán cho một công ty khác với mức dịch vụ không tương xứng mức phí đã thu.
Mất dần bản sắc
Những nét văn hóa của người vùng cao giờ đã phai mờ, rất khó để du khách có cơ hội trải nghiệm. Bạn đọc Trần Kiên (Phương Mai, Hà Nội) bày tỏ sự thất vọng khi tới chợ tình Sa Pa: “Người ta không còn thấy trai gái dập dìu, không còn thấy những anh trai bản nhảy múa trong điệu khèn, hay các chị con gái ríu rít váy hoa tung xòe nữa. Giờ là một đám trẻ con, tầm sơ sơ từ 10 đến 15 tuổi. Nó cũng nhảy, cũng cười, nhưng sặc mùi kinh tế. Một đứa cầm mũ đi vòng quanh. Người ta ném tiền vào mũ, đến khi nào nó thấy kha khá thì ra hiệu và bọn trẻ con thổi khèn, nhảy để biểu diễn. Không còn những tiếng khèn réo rắt, không còn những ánh mắt liếc đưa tình, cũng không còn cái e thẹn của các cô gái lần đầu đi chợ tình, chỉ như người ta trả tiền để xem hát xem múa, xem cái lạ mắt lạ tai thôi. Nhảy một lúc không ai đưa tiền, các em lục đục cất khèn, cất khăn kéo nhau về. Đâu đó có cả tiếng mắng tiếng chửi, vì người ta cho tiền rồi, nhưng ít nên các em chê, không nhảy”.
Có thể nói Sa Pa là một trong những viên ngọc quý của du lịch Việt Nam, nhưng nếu tình trạng này còn tiếp diễn và không sớm có những thay đổi, vẻ đẹp lộng lẫy của viên ngọc sẽ biến mất, chỉ còn lại một vùng đất tẻ nhạt, xô bồ, khách đến một lần rồi không trở lại.