Những danh tướng thời Trần thương lính như con

Thời Trần ở nước ta có rất nhiều vị tướng tài, trong đó có những vị thương quân lính như con, nên đánh đâu thắng đấy.

Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư, danh tướng Thiều Thốn đời nhà Trần là một người nổi tiếng về đức tính này. Thiều Thốn quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, sinh năm 1326, là một vị tướng tài ba và đức độ của triều Trần. Ông đã có công lớn trong cuộc chiến đấu chống quân Chiêm Thành và trấn ải vùng biên thùy ở phía Bắc.

Là con nhà tướng, Thiều Thốn được cử làm võ tướng từ khi còn trẻ, được thăng dần lên chức Phó đô tướng Kim Ngô vệ, quản lĩnh một trong sáu vệ quân bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Khoảng năm 1354, khi ở bên nhà Nguyên xảy ra cuộc chiến tranh với Trần Hữu Lượng, nên từ năm đó triều đình liên tục quan tâm phòng ngự biên ải, và đã cử Thiều Thốn làm Phòng ngự sứ đem quân trấn giữ Lạng Giang (Lạng Sơn ngày nay).

Sử viết: “Thốn đóng ở sông Đông Bình, khéo vỗ về quân sĩ, trong quân ai cũng thích ông ta. Sau vì em trai kiêu ngạo làm bậy, ông bị tội lây, mất chức. Trong quân làm câu ca về ông: "Trời chẳng thấu oan, ông Thiều mất quan". Đến khi ông sửa soạn hành trang ra về, chúng lại làm câu ca: "Ông Thiều trở về, lòng ta tái tê". Triều đình nghe biết chuyện ấy, khôi phục quan chức cho ông, trong quân lại có câu ca: "Trời đã thấu oan, ông Thiều lại làm quan".

Thiều Thốn tuy được phục chức nhưng chẳng bao lâu sau thì mất vì bệnh. Sau ngày ông qua đời, dân chúng đã lập đền thờ ông.

Trước Thiều Thốn, vị tướng nổi tiếng khác của nhà Trần là Phạm Ngũ Lão cũng là người coi quân lính có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu như người nhà, cùng quân lính chia ngọt sẻ đắng, cho nên đánh đâu không ai địch nổi.

Nhung danh tuong thoi Tran thuong linh nhu con

Danh tướng Phạm Ngũ Lão không chỉ nổi tiếng với điển tích "giữa đường đan sọt", mà còn là người nổi tiếng thương yêu binh sĩ, yêu thương họ như cha với con.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: Mỗi khi Phạm Ngũ Lão đưa quân đi đánh dẹp, lấy được chiến lợi phẩm gì đều bỏ vào việc chi dùng cho quân lính, coi của cải như không, nên ông xứng đáng là danh tướng giỏi trong một thời.

Dù là danh tướng có công trạng rất lớn không chỉ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mà còn trong các cuộc đánh dẹp sau đó nữa, nhưng Phạm Ngũ Lão lại lại người “ít để ý việc võ”. Sử viết, ông “xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí làm việc lớn, thích ngâm thơ, ít để ý về việc võ, từng làm bài thơ Thuật hoài được nhiều người ca ngợi. Quân của ông đều một lòng thân yêu như cha với con, nên đánh đâu được đấy”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê nhận định về ông: "Tôi thấy các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch (Dụ chư tì tướng hịch văn), Phạm điện súy thì hiện ra ở câu thơ (bài Thuật hoài), không chỉ chuyên về võ mà thôi, mà dụng binh tinh diệu, chiến tất phải thắng, đánh tất lấy được, người xưa không ai hơn".

Đúng như bình luận của Ngô Sĩ Liên về hai vị tướng có công trạng to lớn nhất của triều Trần, thì Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng là người thường xuyên quan tâm và thương yêu tướng sĩ, luôn chăm sóc đến đời sống của họ.

Trong Dụ chư tì tướng hịch văn, ông đã tuyên bố với các tướng sĩ: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng vui cười”.

Tinh thần đồng cam cộng khổ này cũng được Hưng Đạo vương thể hiện rất rõ trong Binh thư yếu lược. Ông dạy các tướng của mình rằng: “Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc đến chữa; trong quân có người chết, tướng phải thương xót đau buồn. Quân đi thú xa, thì (tướng) phải sai vợ con đến nhà thăm hỏi. Phàm có khao thưởng thì phải chia đều cho quan và quân. Khi có cất đặt chức vị gì, thì phải họp cả tướng tá lại bàn. Mưu đã định rồi mới đánh giặc; cho nên tướng với quân có cái ơn hòa rượu và hút máu”.

Ở đây, Hưng Đạo vương đã dẫn tích xưa ở Trung Quốc: Có một vị tướng tài được biếu có một vò rượu ngon, ông đem vò rượu ấy đổ xuống sông hòa với nước rồi sai tướng sĩ cùng múc nước mà uống. Ba quân đều được uống rượu, ai nấy vì vậy đều gắng sức chiến đấu.

Tích này cũng đã được Nguyễn Trãi viết trong Đại cáo bình Ngô, kể về những năm tháng gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn, mà “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Còn tích “hút máu” mà Hưng Đạo vương nói đến, là chuyện danh tướng nước Sở thời Chiến quốc Ngô Khởi, nổi tiếng là người khéo léo dùng binh. Có một người lính bị một cái nhọt đang mưng mủ, Ngô Khởi sẵn sàng ghé mồm vào nhọt mút máu mủ. Người lính có nhọt cảm động trước hành động của Ngô Khởi, càng ra sức chiến đấu vì chủ tướng.

Các vị tướng triều Trần hầu hết đều thương yêu quân lính và gia nô như vậy, như Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật “trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô, nếu có đánh thì trước khi đánh đều kể tội rõ ràng” nên luôn được tướng sĩ hết lòng phò tá, sẵn sàng hy sinh thân mình vì chủ tướng, do vậy quân đội nhà Trần tuy không đông, nhưng luôn giành chiến thắng vang dội trong các cuộc chiến chống ngoại xâm.

Bí ẩn trăm năm gốm hoa nâu “đặc sản” thời Lý - Trần

(Kiến Thức) - Gốm hoa nâu là một loại hình đồ gốm đặc trưng, mang tính chất “quốc hồn quốc túy” của vương quốc Đại Việt thời Lý – Trần. Cùng khám phá dòng gốm này qua loạt hiện vật quý giá của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Bi an tram nam gom hoa nau “dac san” thoi Ly - Tran
 Một chiếc hũ gốm hoa nâu thời Lý - Trần, niên đại thế kỷ 11-14. Gốm hoa nâu là loại đồ gốm được chế tạo công phu, cốt gốm dày đặn, bề mặt được bao phủ bằng hai loại men chủ yếu là men nâu và men ngà với nhiều cách thức kết hợp khác nhau.

Chuyện thú vị về hai thầy giáo nổi danh thời Trần

(Kiến Thức) - Nhắc đến những nhà giáo nổi tiếng thời Trần, bậc “vạn thế sư biểu” Chu Văn An là người được đời biết đến nhiều hơn cả. Tuy nhiên, ngoài Chu Văn An, thời Trần còn để lại tên tuổi của nhiều vị danh sư khác như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Lê Văn Hưu, Trần Cụ… 

Trong số đó thì Lê Phụ Trần và Trần Cụ là hai nhà giáo sống cách nhau chừng nửa thế kỷ, đều được giao trách nhiệm rèn cặp Thái tử. Mỗi người có tính cách và tài năng riêng, nhờ vậy đều trở thành các bậc “sư phó” nổi danh đương thời.
Lê Phụ Trần – từ dũng tướng đến thầy dạy của Hoàng đế tương lai

Đọc nhiều nhất

Tin mới