Trẻ nghiện sử dụng các thiết bị công nghệ, nỗi lo âu của cha mẹ khi nuôi con trong mùa dịch, làm thế nào để định hướng tương lai cho trẻ… là những thắc mắc các bậc phụ huynh thường gặp phải trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Nhằm giải đáp những vấn đề đó, một số cuốn sách của các chuyên gia trong ngành giáo dục, tâm lý được xuất bản, mang đến bài học và kỹ năng thiết thực cho cha mẹ có con trong độ tuổi 2-18.
Trẻ nghiện sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ dẫn đến những vấn nạn như thiếu tương tác với các thành viên trong gia đình; rối loạn cảm xúc, hành vi; giảm sút năng lực sáng tạo; ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là thị giác; thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội; hay đòi hỏi...
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.
Tác giả lý giải rằng cách người lớn để mặc trẻ vô tư sử dụng điện thoại thông minh có thể gây hại, khiến chúng trở nên vô cảm với thế giới xung quanh và chỉ biết chìm mình trong thế giới ảo.
Theo bà, những thói quen sử dụng smartphone nếu xuất phát từ thuở nhỏ sẽ tạo dựng sở thích lâu dài, đặt nền móng cho hành vi sau này. Do đó, cha mẹ nên tận dụng những năm tháng đầu đời của trẻ để thiết lập thói quen lành mạnh hơn như đọc sách, kể chuyện, cùng làm việc nhà hay tham gia hoạt động ngoại khóa.
Sách Con an toàn, mẹ yên tâm - Chế độ sinh hoạt khoa học cho trẻ thời Covid. Ảnh: Bizbooks. |
Đại dịch ập đến, con người đau đầu vì các hệ lụy. Thói quen, sức khỏe, công việc bị ảnh hưởng. Với những đứa trẻ, chế độ dinh dưỡng và nếp sinh hoạt cũng là vấn đề đáng được quan tâm.
Trẻ nhỏ vốn thích chạy nhảy, vui chơi ngoài trời, nay phải ở trong không gian nhỏ hẹp nhiều ngày; học trực tuyến qua màn hình khiến chúng dễ cảm thấy bức bối, khó chịu. Bên cạnh đó, những nỗi lo về thu nhập của cha mẹ cũng có thể tác động khiến trẻ gặp áp lực.
Hiểu được điều này, các chuyên gia tâm lý và giáo dục tại Trung tâm phát triển trẻ em và người khuyết tật Đại học Nữ Ewha (Seul, Hàn Quốc) biên soạn cuốn sách Con an toàn, mẹ yên tâm - Chế độ sinh hoạt khoa học cho trẻ thời Covid. Ấn phẩm dành cho phụ huynh và những đứa trẻ đang cảm thấy áp lực vì dịch bệnh.
Cuốn sách là cẩm nang mỗi bậc cha mẹ cần đọc để kết nối cùng con. Một mặt là để giải phóng sức lao động; mặt khác, thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học, an toàn, lành mạnh cho trẻ để cả nhà đều bình an đi qua mùa dịch.
Theo nhóm tác giả, virus Corona gây nên các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý con trẻ khi không được đến trường, tiếp xúc nhiều người vì phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Việc học trực tuyến nhiều khiến nhiều trẻ không tìm thấy hứng thú, mất tập trung, dẫn đến thiếu hiệu quả.
Tìm hiểu được thực trạng đó, các chuyên gia tâm lý nêu phương hướng giải quyết một số mâu thuẫn trong gia đình về vấn đề xung đột quan điểm trong cách nuôi dạy con trong mùa dịch thông qua các bài học rèn luyện tính tự lập, kỷ luật và quản lý thời gian cho trẻ; dạy con những kỹ năng mềm kích hoạt sự sáng tạo, trí thông minh…
Nhóm tác giả cho rằng áp lực thời Covid-19 không chỉ xuất hiện ở người lớn, con trẻ cũng có thể gặp vấn đề căng thẳng tâm lý. Tuy nhiên, với cuốn cẩm nang này, cha mẹ sẽ tìm được cho mình phương pháp nuôi dạy con phù hợp để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Sách Gen Z trong kỷ nguyên số: Định hướng tương lai như thế nào?. Ảnh: T.H. |
Thời đại 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho lứa tuổi teen khi định hướng nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho tương lai. Gen Z trong kỷ nguyên số: Định hướng tương lai như thế nào? nêu thực trạng đó.
Khi bất chợt được hỏi về ước mơ tương lai, nhiều bạn trẻ gen Z hiện nay lúng túng trong việc đi tìm câu trả lời.
Trong cuốn sách này, tác giả người Hàn Quốc Yun Kyu Hoon, thông qua cuộc nói chuyện với hơn 300.000 thanh, thiếu niên tại trường trung học, chỉ ra cách làm thế nào để vạch ra con đường tương lai đúng đắn, dù bạn chưa xác định được mình giỏi gì, muốn gì, đam mê gì.
Gen Z ngày nay cần trang bị cho bản thân nhiều kiến thức, tư duy đổi mới, cập nhật. Theo đó, tác giả liệt kê một số nghề nghiệp ưu tiên và kỹ năng mềm cần thiết.
Cuốn sách còn kể những câu chuyện thành công, thất bại của các bạn trẻ. Thông qua bài học thực tế, tác giả gợi mở cách thức để cha mẹ định hình cho con em nghề nghiệp phù hợp trong kỷ nguyên số.
“Chúng tôi đã mở ra những câu chuyện mà mọi người không được nghe trong trường lớp và ở nhà. Độc giả sẽ biết được bí quyết thành công của tiền bối có tuổi tác không chênh lệch là bao so với chúng ta, nhưng họ đã đạt được ước mơ hay trở thành người giàu có đang tận hưởng cuộc sống”, tác giả viết.