Ảnh: QH |
Dù vô tình nhưng cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank mới đây được dịp truyền thông mạnh mẽ khi Hoa hậu Việt Nam năm 2006 Mai Phương Thúy “để lộ” danh mục đầu tư của mình trên mạng xã hội. Trên nhiều diễn đàn đầu tư, có người so sánh vui cổ phiếu VCB cũng “chân dài” như cô hoa hậu cao 1m8 này vậy.
Trên thực tế, VCB cũng là cổ phiếu “hoa hậu” xét ở một số khía cạnh, như giá cổ phiếu. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá VCB tăng liên tục. Tính đến ngày 16.7, thị giá VCB ở mức 77.200 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với thời điểm tháng trước và tăng hơn 44,3% từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu các ngân hàng khác lại đi lùi như TCB của Techcombank giảm gần 18%, VPB của VPBank giảm hơn 1,2%, BID của Ngân hàng BIDV gần như không đổi, trong khi cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu tăng nhẹ 2%, MBB của Ngân hàng Quân Đội (MB) thì khá hơn với mức tăng 14,8%.
Đáng chú ý hơn là cổ phiếu VCB được giao dịch ở mức thị giá cao hơn vượt trội so với thị trường, quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đa số các ngân hàng nằm trong vùng giá 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng giá mạnh trong thời gian qua, giá trị vốn hóa của Vietcombank đã lên gần 12 tỉ USD, vượt trội hơn cả BIDV và VietinBank, vốn là các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ không chênh lệch nhiều.
Vietcombank cũng được nhiều công ty chứng khoán bình luận là có chất lượng tài sản tốt, tăng trưởng ổn định, đồng thời chiến lược chuyển đổi bán lẻ gần đây đã mang lại những điểm nhấn trong tăng trưởng.
Có lẽ một trong những lý do khiến cổ phiếu VCB tăng mạnh gần đây là nhờ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietcombank ghi nhận thêm những điểm tích cực.
Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm của Vietcombank mới đây, ngân hàng này tiếp tục lập những đỉnh lợi nhuận mới. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.280 tỉ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 55% kế hoạch năm 2019. Năm ngoái, Vietcombank cũng từng phá kỷ lục thị trường về hoạt động kinh doanh, lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận đạt trên 10.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu lên cao thì không hẳn ai cũng vui mừng, nhất là nhóm nhà đầu tư muốn “ôm” cổ phiếu dài hạn nhưng vẫn còn băn khoăn về mức giá. Tất nhiên, thị giá cổ phiếu chỉ là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định rót tiền, nhưng trong quá khứ, giá cổ phiếu cao đã từng khiến ban lãnh đạo ngân hàng phải lắc đầu vì quá trình gọi vốn thêm kéo dài.
Đầu năm nay, Vietcombank mới chỉ bán được 3% (với mức giá trung bình khoảng 58.000 đồng/cổ phiếu) và dự kiến tiếp tục bán 7% còn lại trong kế hoạch chào bán cho GIC, quỹ đầu tư của Singapore, trong năm nay. Kế hoạch này đã được nhắc đến từ bản ký kết hợp tác giữa 2 tổ chức vào tháng 8.2016, nhưng mãi đến đầu năm nay, thương vụ bán vốn mới được thực hiện, nhưng với một tỉ lệ thấp hơn so với dự tính.
Một trong những lý do mà 2 bên còn “dùng dằng” là trong cơ chế bán vốn có nêu rõ mức giá bán không thể thấp hơn giá bình quân trên sàn theo số phiên xác định. Bản thân ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, trong một vài lần phát biểu trước báo giới, chia sẻ câu chuyện khó bán vốn của Vietcombank cũng vì mức giá cổ phiếu chưa đạt được thỏa thuận, trong khi nhà đầu tư còn phải chịu ràng buộc hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu.
Chuyện bán vốn cũng làm đau đầu nhiều ngân hàng khác. Một ví dụ là BIDV. Thông tin bán 17,65% cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) được đưa ra vào đầu tháng 9 năm ngoái, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Đáng chú ý, cổ phiếu BID cũng đã tăng hơn 43% so với cùng kỳ, tức thời điểm tháng 7 năm ngoái.
Trong một báo cáo giữa tháng 6, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá hiện tại cổ phiếu VCB đã được định giá khá cao, khiến Ngân hàng gặp khó khăn trong việc phát hành cổ phần trên thị trường sơ cấp, trong khi Ngân hàng vẫn đang “khát” vốn (chỉ số CAR theo tiêu chuẩn Basel II ở mức 9,12%). Theo VDSC, VCB hiện đang giao dịch ở mức P/B cao hơn 134% so với mức P/B trung vị ở các ngân hàng khác (là 1,3 lần).
Trên thực tế, tăng vốn không chỉ là thách thức lớn với Vietcombank mà còn với các ngân hàng còn lại, để đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động an toàn mới trong Basel II. Nhìn ở khía cạnh này, rõ ràng không chỉ có mỗi “hoa hậu” Vietcombank, mà rất nhiều “người đẹp” khác trên thị trường cũng muốn thu hút ánh nhìn của các nhà đầu tư.
Trong năm nay, Vietcombank dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn với tỉ lệ 40% cho cổ đông hiện hữu, dự kiến sẽ đẩy vốn điều lệ lên 51.924 tỉ đồng. Sau đó, Ngân hàng sẽ phát hành thêm cổ phần chào bán ra công chúng hoặc riêng lẻ với tỉ lệ 6,5% vốn điều lệ. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 vừa qua, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết khả năng đợt tăng vốn tới sẽ xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới.
Hãy trở lại với câu chuyện kinh doanh. Tầm nhìn mà ngân hàng Vietcombank đặt ra là trở thành ngân hàng số 1 thị trường. Với tốc độ tăng trưởng dù có quy mô lớn như hiện tại, Vietcombank nhiều khả năng sẽ là gương mặt đại diện quan trọng cho các ngân hàng Việt, ít nhất là nếu nhìn vào định hướng xây dựng ngành ngân hàng của Chính phủ đến năm 2025, phải có ít nhất 2-3 ngân hàng trong top lớn nhất châu Á, từ 3-5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.