Dinh I, tòa dinh thự cổ kính, uy nghi ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa được trùng tu và mở cửa đón khách tham quan sau nhiều năm hoang phế. Đây từng là Tổng hành dinh của Quốc trưởng Bảo Đại, dinh thự riêng của Tổng thống Ngô Đình Diệm… với những lối thoát hiểm, đường hầm bí mật, bãi đáp trực thăng và những câu chuyện ly kỳ.
Mở cửa đón khách
Ngày 19/9, Dinh I được trùng tu xong và đưa vào khai thác du lịch. Phó Giám đốc Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt Võ Thị Kiều Trang cho biết, đơn vị đã đầu tư 100 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp… các hạng mục trong nhiều tháng. Tháng 9 này, Dinh mở cửa tham quan miễn phí, còn tháng 10 giảm 50% giá vé vào cổng cho du khách.
Tòa nhà Dinh I. |
Dinh I được triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery đầu tư xây dựng từ những năm 1940 trên đồi thông xanh thẫm ở độ cao hơn 1.500m và rộng hàng chục héc-ta (nay thuộc phường 10, chỉ cách trung tâm Đà Lạt chưa đầy 4km).
Tòa nhà chính gồm một tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Tầng trệt có sảnh lớn, phòng tiếp khách, phòng họp lớn, còn tầng lầu có các phòng ngủ. Dinh được xây kiên cố bằng gạch và đá, mái lợp ngói.
Các kiến trúc sư nhận định, nét cổ điển không chỉ thể hiện ở sự đối xứng nghiêm ngặt trong mặt bằng mà còn nằm trên hệ cửa sổ với những vòm cung tròn. Mặt bằng được bố cục đối xứng với lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang mở ra hai bên.
Trên mái có nhiều cửa sổ, mái bẻ góc ở đuôi và một số ống khói. Cửa chính cũng có dạng vòm cung nguyên, nhưng lại được kết hợp với mái đón bằng ngang. Đó là một điểm cách tân. Mặt đứng công trình được trang trí với nhiều tiểu tiết càng làm tăng thêm dáng vẻ cổ kính, tao nhã.
Lối vào Dinh là một con đường rải nhựa với hai hàng cây tràm thân trắng cổ thụ cao vút. Cuối đường có đảo hoa hình oval làm bình phong trang trí để xoay chuyển hướng đến sảnh đón chính của toà nhà. Công trình kiến trúc này thể hiện rõ những ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc tân cổ điển của châu Âu.
Sau khi thoái vị, năm 1949, Bảo Đại được Pháp đưa trở lại nắm quyền, làm Quốc trưởng. Bảo Đại lấy vùng đất Tây Nguyên làm Hoàng triều Cương thổ và chọn Đà Lạt là thủ phủ.
Quốc trưởng đã mua dinh cơ của Robert Clément Bourgery và cho sửa sang toàn bộ để làm Tổng hành dinh. Một số hạng mục được nâng cấp và xây thêm như nhà của ngự lâm quân, vườn ngự uyển trên đồi hoặc khu hồ tắm, trạm nghỉ chân khi đi săn bắn ở các thung lũng, khu rừng phía dưới đồi…
Nghi án thủ tiêu
Năm 1955, Bảo Đại bị phế truất, tòa dinh thự sau đó được đại tu, trở thành dinh của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nơi làm việc của những người đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa mỗi khi lên Đà Lạt. Tổng thống giữ người hầu cận thân tín của cựu hoàng Bảo Đại là ông Nguyễn Đức Hòa ở lại phục vụ trong Dinh.
Ông Hòa mất cách đây mấy năm ở tuổi ngoài 80. Khi còn sống, có lần ông kể rằng, quá trình sửa sang tòa nhà đã phát hiện ra đường hầm bí mật. Tổng thống Diệm thường dặn dò: “Muốn còn chỗ đội nón thì phải ba không: Không thấy, không nghe, không biết hỉ!”.
Bảo Đại đi săn. |
Đường hầm này đã được lính Nhật bí mật đào để chuẩn bị cho cuộc đảo chính Pháp năm 1945. Hầm được đào xuyên qua các đồi thông với chiều dài hơn 3km với nhiều ngóc ngách, từ Dinh I thông đến tận Dinh II (Dinh Toàn quyền Decoux) băng qua Sở Điện, rẽ nhánh vào một số biệt thự trên đường Paul Doumer (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) ra đến tận đường Yên Thế nhằm bắt sống các quan Tây trong dinh và các biệt thự. Việc đào hầm được giữ kín như bưng, đến nay vẫn chưa rõ lính Nhật đào từ bao giờ và chở đất đá đi đâu.
Sau khi Dinh Độc lập bị ném bom, Tổng thống Diệm mời một nhà thầu xây dựng tên tuổi ở Đà Lạt đến gia cố đường hầm đã có từ trước ở phía dưới tòa nhà: Đổ bê tông, cốt thép cho thật kiên cố. Đường hầm cao 2m, rộng 2,5m, có 3 phòng (phòng của Tổng thống, phòng điện đài cơ yếu và phòng bảo vệ) và hệ thống máy móc, thiết bị được điều khiển tự động.
Trên nóc dãy phòng này và bốn bề được kè đá, đóng cửa sắt kiên cố. Mặt khác, đào một đường thoát hiểm cách mặt đất hơn 10m, thông từ phòng ngủ của Tổng thống ra phía sau tòa nhà rồi đến bãi đáp trực thăng nhỏ để đề phòng bất trắc.
Tại phòng ngủ, cửa thoát hiểm được đặt ngay đầu giường, được ngụy trang bằng một giá sách. Khi đẩy vào phía bên phải của kệ sẽ phát lộ lối xuống đường hầm. Còn cửa thoát hiểm ở phía bãi đáp máy bay được ngụy trang khéo léo trong một căn nhà xây nhỏ.
Trực thăng trong bãi đáp Dinh I. |
Quá trình xây dựng đường hầm bí mật đã huy động hơn 20 thợ hồ, thợ sắt lành nghề từ Huế vào làm việc và ăn ở tại chỗ suốt 2 năm. Sau khi hoàn thành công trình, toàn bộ số thợ này không còn được trở về với gia đình nữa. Khi hướng dẫn chúng tôi đi tham quan Dinh I, cô thuyết minh cho hay, có lời đồn chưa được kiểm chứng rằng, họ bị thủ tiêu để giữ bí mật về đường hầm.
Theo lời ông Hòa, Tổng thống Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu thường bàn bạc công việc trong căn phòng dưới đường hầm bí mật. Và bao giờ cũng vậy, vừa đặt chân đến dinh là Tổng thống xuống kiểm tra đường hầm. Do đó, mỗi lần nhận được điện báo Tổng thống sắp từ Sài Gòn lên là ông Hòa phải hì hục lau chùi đường hầm suốt mấy ngày đêm.
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị trừ khử, dinh thự này vẫn được dùng làm nơi nghỉ mát cho các lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, nơi đây trở thành nhà khách của Trung ương rồi được giao cho một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Do hoạt động không có hiệu quả nên Dinh I dần bị bỏ hoang, nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp, hư hỏng.
Cửa đường hầm thoát hiểm trong phòng ngủ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. |
Cuối năm ngoái, Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê cơ sở nhà, đất và phê duyệt cho phép trùng tu, cải tạo, nâng cấp Dinh I thành khu tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp. Về nguồn gốc chiếc trực thăng số hiệu 70-15834 trong bãi đáp trực thăng ở Dinh I, Phó Giám đốc Kiều Trang cho biết, Bộ Quốc phòng giao cho Cty trưng bày, bảo quản để du khách tham quan.