Video: Những nữ phi công nổi tiếng nhất thế giới:
Vốn là một phi công quân sự, gắn bó với nghề từ những năm 1981, anh An Văn Vinh chuyển sang lái máy bay thương mại từ năm 1994. Khi đó, anh đầu quân cho Hãng hàng không Vietnam Airlines và rồi bén duyên với nghề đào tạo từ năm 1997.
Đến nay, với gần 20 năm gắn bó cùng "giảng đường trên không", người thầy An Văn Vinh vẫn còn nguyên tình yêu nghề như những ngày đầu tham gia công tác huấn luyện. Và như anh chia sẻ, "có thầy có trò quyết tâm, tôi chẳng thấy bài học nào là khó".
Thời điểm anh gia nhập đội ngũ huấn luyện của Vietnam Airlines, hàng không thương mại của Việt Nam vẫn chưa bước vào thời kỳ bùng nổ. Khi đó, số lượng phi công thương mại tương đối ít, và nhiều người vẫn cho rằng, chỉ có thuê huấn luyện nước ngoài mới có đủ khả năng, kinh nghiệm để đào tạo phi công ở Việt Nam.
"Chi phí đào tạo một phi công nếu thuê huấn luyện ngoại lên tới hơn 2,5 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với cả hãng bay và người học. Trong khi đó, nếu có nguồn giáo viên đào tạo nội địa, chi phí sẽ giảm hẳn, lại tiết kiệm được nguồn ngoại tệ cho đất nước và chủ động được công tác huấn luyện. Vả lại, đó còn là lòng tự hào dân tộc, vì người Việt cũng bay giỏi, tại sao phải thuê người nước ngoài?", anh Vinh chia sẻ.
Thầy An Văn Vinh đã có 20 năm giảng dạy nghề phi công. |
Với quyết tâm của mình và các đồng nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của hãng bay, anh Vinh đã đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của Vietnam Airlines để đứng vào hàng ngũ những người huấn luyện bay. Theo đó, để có thể vừa truyền tải lý thuyết, cũng như thực hành cho học viên, người huấn luyện phải đảm bảo có tối thiểu 1.500 giờ, là lái chính của các loại máy bay được phân công huấn luyện, đạt chứng chỉ sư phạm cũng như trình độ tiếng Anh ICAO level 4.
Và thực tế đã chứng minh, cơ trưởng và giáo viên bay người Việt đã chiếm tỉ lệ lớn trên 75% nguồn lực khai thác của Vietnam Airlines, có khả năng tiếp nhận và khai thác những loại máy bay hiện đại nhất thế giới, như Boeing 787 và Airbus A350.
Nhớ về những kỷ niệm vui trong quá trình đào tạo, anh Vinh cho biết những ngày đầu nhận lớp đào tạo toàn phi công “lão làng”, chuyên bay bằng máy bay của Nga trước đây, anh đã gặp không ít chuyện khó.
“Họ đều là những phi công giỏi, đã bay nhiều giờ, nhưng lại được đào tạo theo một tiêu chuẩn khác. Ví dụ, với máy bay của Nga, tổ bay gồm 4 người, ngoài lái chính, lái phụ, còn có thêm người dẫn đường và tổ thiết bị. Tuy nhiên, với may bay hiện đại của Mỹ, Anh, Pháp…, tổ bay chỉ gồm 2 người, do đó, lượng công việc phải thực hiện nhiều hơn hẳn. Chưa kể, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn, khi trình độ tiếng Anh của các phi công thường làm việc trên máy bay Nga chưa đạt được tiêu chuẩn như yêu cầu”.
Không những thế, việc huấn luyện thực hành bay đôi khi cũng khiến anh Vinh gặp những tình huống như một tổ bay 2 người, nhưng có người học nhanh, người học chậm… Tuy thế, vượt qua những khó khăn, người giáo viên và các học viên vẫn hoàn thành tốt khóa học, và đáp ứng tốt yêu cầu khai thác của Vietnam Airlines. “Mỗi khóa học kết thúc, học viên đạt yêu cầu, đó là niềm vui lớn đối với tôi”, anh Vinh vui vẻ kể.
Gác lại những giờ bay, những giờ huấn luyện căng thẳng, nghiêm túc, người phi công lại trở về với gia đình. Dù công việc bận rộn, thời gian rảnh rỗi không có nhiều, nhưng anh vẫn cố gắng thu xếp công việc để có nhiều nhất thời gian cho gia đình, cũng như những sở thích riêng.
“Ngoài lái máy bay, những người phi công như chúng tôi thích tham gia các môn thể thao đối kháng thấp, nhằm tăng khả năng vận động, phản xạ, như bóng chuyền, bóng rổ, hay võ thuật…”, anh cười nói.
Đối với người giáo viên đã sắp đạt dấu mốc 20 năm giảng dạy, cái tâm trong nghề là điều quan trọng nhất với bất cứ những ai đã mang nghiệp huấn luyện. “Bên cạnh vấn đề chuyên môn, chỉ có người mang cái tâm cống hiến, trách nhiệm, mới có thể hướng dẫn được những phi công giỏi cho đất nước. Đó là trách nhiệm của chúng tôi, cũng là niềm vui nghề giáo”, anh nói.