Như Kiến Thức đã đưa tin các sản phẩm từ sâm, linh chi Hàn Quốc đã được Công ty TNHH MTV Tân Phước An chào bán ở một cuộc hội thảo không phép, tổ chức tại địa bàn phường Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh). Hội thảo này được tổ chức đều đặn hàng ngày, kéo dài gần 1 tháng. Điểm đặc biệt là hội thảo này chỉ cho phép những phụ nữ từ 30 – 70 tuổi tham gia, đàn ông không được phép "bén mảng". Mặc dù hạn chế đối tượng là vậy song các buổi hội thảo cũng đã thu hút được rất nhiều người tham dự.
Theo lời kể của bà Vương Thái Hạnh (Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) thì tại hội thảo, sản phẩm cao hồng sâm được giao bán với giá 7,5 triệu/sản phẩm. Nếu mua 2 sản phẩm sẽ được khuyến mãi thêm một sản phẩm cùng loại. Trong khi trên thực tế thì các sản phẩm cao hồng sân được giao bán khá phổ biến trên mạng với giá từ 1 – 3 triệu đồng/sản phẩm.
Theo Kiến Thức được biết thì không chỉ ở Quảng Ninh mà những cuộc hội thảo bí ẩn này cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác, hướng đến những đối tượng là phụ nữ và người già để bán sản phẩm Hàn Quốc.
Nhà hàng Phúc Hưng - nơi Công ty TNHH MTV Tân Phước An thuê để tổ chức hội thảo "chui" chào bán hồng sâm Hàn Quốc. Ảnh: Hải Ninh. |
Thực ra, đây không phải là lần đầu các sản phẩm sâm Hàn Quốc được chào bán kiểu này. Một vài năm trước, hình thức bán hàng kỳ lạ này đã "làm mưa làm gió" trên thị trường. Tháng 1/2016, báo An ninh Thủ đô ghi lại lời kể của chị Nguyễn Hồng Nguyệt (Trung Hòa – Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hàng ngày, ông Nguyễn Văn H (bố chị Nguyệt, 82 tuổi) thường đi tập thể dục lúc 4h30 chiều và trở về nhà 2 tiếng sau đó. Một ngày, chị Nguyệt không thấy bố về nhà sau khi đi tập thể dục, bèn gọi điện thoại, thì ông H đang đi hội thảo.
Chị Nguyệt nghe xong ngạc nhiên vì không hiểu ông cụ 82 tuổi đã nghỉ hưu nhiều năm, nay tự nhiên lại “đi hội thảo”, không rõ về vấn đề gì. Khoảng 9h tối, ông H về nhà, tay cầm theo 2 chiếc hộp màu đỏ và cho cả nhà biết đó là hồng sâm lên men Hàn Quốc, mới mua từ hội thảo về.
Cũng theo thông tin An ninh Thủ đô đăng tải, sau khi nghe các tư vấn viên “hót” về công dụng “thần tiên” của hồng sâm lên men Hàn Quốc, gần như 100% các cụ già có mặt tại buổi “hội thảo” đều bùi tai, đặt cọc tiền để mua mỗi cụ 2 hộp sâm với giá lên tới… 9 triệu đồng.
Không chỉ "phục vụ" phụ nữ và người già, những nhóm người bán hồng sâm Hàn Quốc còn hướng tới cả trường học. Báo Lâm Đồng online dẫn lời bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Cát 1 (Phước Cát 1, Cát Tiên, Lâm Đồng) cho biết, khoảng tháng 4/2017, có một nhóm gần 20 người tự xưng là tiếp thị của một công ty Nhân sâm Hàn Quốc được cấp phép hoạt động tại Việt Nam đến xin nhà trường tổ chức hội thảo quảng bá hồng sâm Hàn Quốc.
Theo tường thuật của bà Thủy, khi bà hỏi các giấy tờ liên quan và giấy giới thiệu từ cơ quan chức năng địa phương, nhóm tiếp thị đã không xuất trình được nên bà Thủy không cho tổ chức hội thảo.
Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó, trong trường vẫn có khoảng 10 thầy, cô giáo bỏ ra mỗi người cả chục triệu đồng để mua sản phẩm hồng sâm.
Không chỉ dừng lại ở việc lén lút bán hàng cho các thầy cô giáo Trường Mầm non Phước Cát 1, nhóm tiếp thị còn chia nhau thành từng tốp 2 người tìm đến tận các gia đình để lừa bán hồng sâm. Đối tượng mà nhóm người lạ mặt hướng tới để lừa bán hồng sâm chủ yếu là người già và phụ nữ.
Một sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc được các "doanh nghiệp" kinh doanh mặt hàng này chào bán. Ảnh Vietnamnet. |
Có vẻ như các trường học được các “doanh nghiệp” kinh doanh sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc đánh giá là một thị trường tiềm năng. Báo Vietnamnet đưa tin, khoảng tháng 12/2015, hàng loạt trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc các xã sâu, xa của huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trở thành “đích ngắm” tiếp thị “hồng sâm ngàn năm” của Hàn Quốc.
Tự xưng là nhân viên của một công ty do người Hàn Quốc sáng lập, được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhóm tiếp thị sản phẩm “nhân sâm ngàn năm” đến các trường “thuyết trình” với các thầy, cô giáo làng.
Ngoài việc quảng bá về công dụng, hiệu quả “bách bệnh” của “nhân sâm ngàn tuổi”, nhóm tiếp thị còn cho biết, đây là cơ hội “ngàn năm có một” để các thầy cô được tiếp cận với sản phẩm quý.
Ưu đãi của chương trình này là sẽ giảm 50% giá trị sản phẩm, được trả góp trong thời gian 10 tháng. Và, đây được giới thiệu là chương trình ưu việt chỉ dành riêng cho các thầy cô giáo!
Giá tiền của một hộp sản phẩm (gồm hai lọ “hồng sâm ngàn tuổi” dạng cao, dung tích 250ml/lọ) có giá… 9,6 triệu đồng. Do chương trình khuyến mại nên giá còn 4,8 triệu. Các thầy cô giáo sẽ được trả góp trong vòng 10 tháng, mỗi tháng 480.000 đồng.
“Không ít thầy, cô giáo đã “xuôi tai” mua về dùng thử, trở thành khách hàng mua nhân sâm trả góp, báo Vietnamnet cho biết.
Trường Tiểu học Phù Lưu (xã Phù Lưu) - điểm “đổ bộ” của “hồng sâm ngàn năm Hàn Quốc”. Ảnh: Vietnamnet. |
Ngoài việc bán hàng qua hội thảo, một hình thức bán sản phẩm Hàn Quốc kỳ dị khác cũng đang diễn ra ở Hà Nội.
Theo phản ánh của Zing, cửa hàng mang tên G&F Shop tọa lạc tại tầng 1, tòa nhà Packexim (số 49, đường An Dương Vương) chỉ thu hút khách là phụ nữ cao tuổi, bán hồng sâm, cao hồng sâm được quảng cáo là hàng Hàn Quốc với giá giảm sốc từ 65 triệu xuống còn 26 triệu đồng. Trong những ngày đầu tiên, để thu hút được khách, nhân viên đã phát tờ rơi ở các điểm tập trung nhiều phụ nữ cao tuổi trong khu vực và mời những “khách hàng tiềm năng” này tham dự một buổi quảng bá sản phẩm.
Những nhân viên này cũng đưa ra thông tin rằng bất cứ ai tham gia buổi quảng bá sản phẩm đều nhận được những phần quà từ công ty. Một người đàn ông sống gần cửa hàng cho hay ông cũng tham gia buổi quảng bá nhưng không được tiếp đón cũng như giới thiệu bất kỳ sản phẩm nào. Cũng như ông, nhiều người là nam giới khác khi đến cửa hàng cũng không được đón tiếp. Đối tượng mà nhân viên cửa hàng hướng tới là phụ nữ cao tuổi.
Bằng cách giới thiệu một số sản phẩm, tặng quà cho khách hàng cùng với việc chia sẻ những thông tin hữu ích về cách chăm sóc sức khỏe, nhân viên cửa hàng bước đầu đã lôi kéo được hàng trăm khách hàng tiềm năng tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Điểm qua các chiêu thức tiếp thị tinh vi những sản phẩm được quảng cáo là hàng Hàn Quốc trong thời gian vừa qua, có thể nghi ngờ "túi tiền" của người tiêu dùng Việt đang bị bòn rút vì trót tin những lời quảng cáo "mật ngọt" mà bỏ tiền mua những sản phẩm có giá cao ngất ngưởng.