Là một triều đại trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam nhưng triều Mạc không được nhắc đến một cách thiện cảm do sau khi thất bại, rút chạy khỏi Thăng Long và mất vai trò chính trị khi nhà Lê trung hưng nên các sử gia của triều đại thắng trận ra sức hạ thấp nhà Mạc trong sử sách, gọi là “ngụy triều”. Chính vì vậy nhiều thông tin về nhà Mạc chỉ được đề cập rất sơ lược, trong đó có vấn đề thi cử, trọng dụng người tài và tên tuổi của các bậc đại khoa của vương triều này cũng không được nhìn nhận rõ nét.
Triều Mạc có bao nhiêu trạng nguyên?
Nhà Mạc thành lập năm Đinh Hợi (1527) với sự kiện Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, từ năm Quý Tị (1533) con cháu nhà Lê xây dựng chính quyền riêng ở phía Nam (sử gọi là triều Lê Trung Hưng) tổ chức đánh nhà Mạc, phục hồi sự thống trị trên toàn quốc, dẫn đến cục diện nội chiến Nam - Bắc triều.
Để cố kết nhân tâm và thu phục nhân tài, tăng cường sức mạnh cho triều đại của mình, ngay từ khi mới thay thế triều Lê, các vua triều Mạc vẫn đề cao Nho giáo và áp dụng hình mẫu giáo dục, thi cử như thời Lê. Cách trân trọng nhân tài của nhà Mạc được tác giả Nguyễn Bá Trác thời Nguyễn, trong cuốn Hoàng Việt Giáp tý niên biểu nhắc tới mấy chữ dư âm: “Mạc thị sùng Nho” - Họ Mạc sùng đạo Nho.
Để thể hiện việc tôn sùng Nho giáo, trọng việc học nên nhà Mạc vẫn tiếp tục duy trì việc thờ cúng các bậc Tiên hiền ở Văn miếu và cho lập Văn chỉ ở các địa phương. Riêng tại Thăng Long, nhà Mạc nhiều lần cho tu sửa Văn miếu, Quốc tử giám, xây dựng thêm nhiều công trình khác như điện Sùng Nho, nhà Thái học, nhà Minh Luân và hành lang; đồng thời còn có nơi cư trú cho học sinh, dưới tên gọi là Xá sinh, Thượng xá sinh và Trung xá sinh... Các vua Mạc còn đến Văn Miếu tế lễ, khuyến khích việc học cho các nho sinh.
Trong lĩnh vực giáo dục, khoa thi đầu tiên của nhà Mạc mở năm Kỷ Sửu (1529). Việc tổ chức giáo dục, thi cử này không ngoài mục đích xây dựng một tầng lớp phong kiến trung thành với nhà Mạc, phò tá triều Mạc phát triển. Trong 65 năm (1527-1592) tồn tại với tư cách là một vương triều, đóng đô ở Thăng Long, nhà Mạc đã tổ chức được 22 kì thi Hội, lấy đỗ được 485 Tiến sĩ.
Bên cạnh đó, theo lệ nhà Lê, nhà Mạc cũng cho dựng bia Tiến sĩ khắc tên các vị đỗ đạt, mặc dù không duy trì ổn định lệ này nhưng điều đó cũng là một hành động cổ vũ học tập và khuyến học có tác dụng rất lớn đối với xã hội. Nội dung tấm bia Tiến sĩ đầu tiên của nhà Mạc dựng năm Kỷ Sửu (1529) ngay sau khoa thi đầu tiên được tổ chức đã thể hiện rõ chính sách khuyến khích người học và đề cao khoa cử. Văn bia có đoạn viết:
“… Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều.
Kẻ sĩ gặp gỡ thánh triều, được hấp thụ nền giáo hóa tốt đẹp mới, được thi đậu, tiến lên con đường vẻ vang, lại khắc tên vào bia đá, há không phải là vinh hạnh lắm ru! Vậy nên cảm phục đức lớn, gắng gỏi tiến lên, lấy trung thành làm nếp, lấy lễ nghĩa làm khuôn; tâm thuật phải ngay thẳng, làm nên sự nghiệp to lớn và lâu dài như Lã Văn Mục biết theo chính đạo mà giữ mình để giúp ích cho sự thịnh vượng thái bình, như Hàn Ngụy công biết dùng khoa mục mà giúp nước để giữ gìn nền trị an cho thiên hạ. Được như vậy thì người đời mới khen là bậc trạng nguyên chân chính, là vị tiến sĩ nổi danh, trên không phụ sự cất nhắc của thánh thiên tử, dưới không phụ điều học hỏi của mình, công nghiệp to lớn rực rỡ của mình sẽ sáng chói trên tấm bia đá vậy...”.
Đó là thời kỳ hưng thịnh, đến thời kỳ suy tàn của nhà Mạc tính từ khi bị đánh bại phải rút lên cát cứ ở Cao Bằng từ năm Mậu Tý (1528) đến năm Đinh Tị (1677), do thế lực nhỏ yếu nên việc giáo dục không được chú trọng như trước nhưng các vua Mạc cũng cố gắng tổ chức được một số khoa thi, lấy đỗ nhiều người tài giỏi, trong đó phải kể đến Nguyễn Thị Duệ, nữ Tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử Nho giáo Việt Nam.
Đánh giá về vấn đề này, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó”.
Tiễn người đi thi. Ảnh minh họa. |
Lại nói về thời thịnh trị của mình, nhà Mạc qua 22 lần tổ chức khoa thi Hội, trong số gần 500 vị Tiến sĩ, chỉ có 11 người xuất sắc nhất được chấm đỗ Trạng nguyên. Trong lớp sĩ phu đỗ đạt thời Mạc sáng rực lên với những trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Phạm Trấn, Nguyễn Tuấn Ngạn,… họ đã chẳng những tiêu biểu cho một thời khoa cử mà còn tiêu biểu cho cả lịch sử khoa cử, cho văn hoá Việt Nam. Các vị Trạng nguyên của triều Mạc gồm có:
1. Đỗ Tông (1504 - ?) người xã Lại Ốc, huyện Tế Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên). Đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu (1529) đời Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung). Làm quan đến chức Hình bộ tả thị lang, Đông các Đại học sĩ.
2. Nguyễn Thiến (1459 - 1557) hiệu là Cảo Xuyên, người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, tước Thư quận công.
3. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên chữ là Hạnh Phú, hiệu là Bạch Vân tiên sinh, biệt hiệu Tuyết Giang phu tử; người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, rồi Thượng thư bộ Lại, tước Trình tuyên hầu.
4. Giáp Hải (1507 - 1586) sau đổi tên là Giáp Trưng, hiệu Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất (1538) đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh). Làm quan đến Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, tước Kế Khê bá, hàm Thiếu bảo.
5. Nguyễn Kỳ (1518 - ?) có tên khác là Nguyễn Thời Lượng, người xã Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu ( 1541) đời Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải). Làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị thư.
6. Dương Phúc Tư (1505 - 1564) người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùi (1547) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên). Làm quan đến chức Tham chính.
7. Trần Văn Bảo (1523 - 1586) người xã Cổ Chữ, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Nam Trực, Nam Định). Đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất (1550) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên). Làm quan đến chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá.
8. Nguyễn Lượng Thái (1525 - 1576) người xã Bình Ngô, huyện Gia Định, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Đỗ Trạng nguyên khoa Quý Sửu (1553) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên). Làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Định Nham hầu.
9. Phạm Trấn (1523 - ?) người xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Tứ Lộc, Hải Dương). Đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1556) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên). Làm quan đến chức Thừa chính sứ, kiêm Đông các đại học sĩ.
10. Phạm Duy Quyết (1521 - ?); người xã Xác Khê, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương). Đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (1562) đời Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp). Làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Xác Khê hầu.
11. Vũ Giới (1541 - ?) người xã Lương Xá, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Sửu (1577) đời Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp). Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư.
Vinh quy bái tổ. Tranh minh họa. |
Những cái nhất của Trạng nguyên triều Mạc
Các vị Trạng nguyên triều Mạc đều là những nhân vật tài năng xuất chúng, có vai trò và ảnh hưởng khác nhau. Ở họ, mỗi người đều mang các đặc điểm, dấu ấn thú vị, dưới đây là một vài thí dụ điển hình:
- Trạng nguyên duy nhất của triều Mạc được khắc tên trên bia Tiến sĩ là Đỗ Tông, người xã Lại Ốc, huyện Tế Giang, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên) đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Sửu (1529). Khoa thi này được tổ chức vào đầu năm, sau khi chọn được hạng xuất sắc gồm 27 người trong tổng số 4.000 người ứng thí, đến ngày 18 tháng 2 thi Đình, ngày 24 gọi loa xướng tên người đỗ và theo nội dung trên bia thì tấm bia khắc tên những người đỗ được dựng vào tiết đông chí, tháng trọng đông (tháng chạp) ngay trong năm khoa thi được tổ chức. Vì triều Mạc chỉ dựng duy nhất một tấm bia này nên Đỗ Tông là vị Trạng nguyên duy nhất của vương triều này có tên trên bia Tiến sĩ.
- Trạng nguyên có tuổi thọ cao nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Năm 45 tuổi ông mới đi thi, đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), làm quan 8 năm trải qua nhiều chức vụ quan trọng, được người đời suy tôn ngưỡng mộ. Về sau, khi ấy triều Mạc ngày càng đi xuống, chính sự đổ nát ông đã dâng sớ xin chém 18 tên lộng thần nhưng vua Mạc không nghe theo. Chán cảnh quan trường nên Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo bệnh xin từ quan, trở về quê hương ông mở trường dạy học. Năm Ất Dậu (1585) Nguyễn Bỉnh Khiêm lâm bệnh mất, thọ 95 tuổi, triều Mạc truy tặng ông chức Thái phó, tước Trình quốc công.
- Trạng nguyên có nhiều giai thoại ly kỳ nhất là Giáp Hải, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Lạng Giang, Bắc Giang), đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất (1538). Tương truyền khi sinh ra trên tay phải ông có chữ Văn, tay trái có chữ Mẫu, sau lưng có vết đỏ tròn như đồng tiền, hai vai mỗi bên đều có 2 nốt ruồi. Khi còn đi trọ học ở Thăng Long, có lần ông mua một con rùa đem về nuôi, thế rồi cứ đi nghe giảng về lại thấy cơm nước dọn sẵn, ông rình và phát hiện trong mai rùa chui ra một cô gái xinh đẹp; Giáp Hải đem dấu mai rùa đi, từ đó cô gái sống với ông như vợ chồng. Cô gái cho biết mình là con Long vương, mấy tháng sau cô đưa ông xuống thủy phủ chơi, được ít lâu ông trở về gặp đúng kỳ thi Hội bèn tham gia và đỗ Trạng nguyên.
Khi làm quan, có lần Giáp Hải giết oan một người nên bị quả báo, lần lượt 5 người con trai và 2 người con gái của ông đều chết. Có vị đạo nhân dùng bùa chú giúp ông xuống âm phủ tìm nguyên nhân, một ngày sau ông tỉnh lại biết mình mắc nợ, lại thấy thuyết báo ứng của nhà Phật bèn làm lễ tẩy oan cho người xấu số, đem tiền bạc chu cấp cho thân nhân họ, từ đó về sau nhà ông mới bình yên, vô sự.
- Trạng nguyên duy nhất vinh quy về chùa đó là Nguyễn Kỳ, người xã Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), đỗ Trạng nguyên khoa thi Tân Sửu (1541). Từ khi có lệ vinh quy, các tân khoa đều về nhà thờ lễ tạ tổ tiên sau đó là lễ tạ cha mẹ, thầy học. Còn Nguyễn Kỳ, từ năm 3 tuổi đã được gửi vào chùa làm con nuôi sư thầy, được sư trụ trì dạy chữ, học kinh sách nên khi vinh quy ông yêu cầu dân làng đón mình tại chùa làng để ông tạ ơn Phật, sư trụ trì đã có ơn giáo dưỡng thành tài, sau đó ông mới về lễ tạ tổ tiên, cha mẹ. Biết chuyện đó, triều đình và dân chúng đều khen ngợi Nguyễn Kỳ là người tận trung, tận hiếu.
- Trạng nguyên có phương pháp học khoa học nhất là Trần Văn Bảo, người xã Cổ Chử, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc Nam Trực, Nam Định). Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Canh Tuất (1550); Trần Văn Bảo học đâu chắc đó, đọc cuốn sách nào ông cũng ghi tóm tắt nội dung cuốn sách ấy vào sổ tay của mình nên không có gì không biết, thầy học hỏi bài ông đều đáp trôi chảy.
- Trạng nguyên có nhiều tên gọi nhất là Phạm Duy Quyết, người xã Xác Khê, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương) đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Tuất (1562). Ông có tên gọi khác là Phạm Đăng Quyết, Phạm Duy Áng, Phạm Duy Ưởng, Phạm Duy Trĩ.
Có thể nói trong điều kiện lịch sử khó khăn phức tạp lúc bấy giờ, để tồn tại và thực hiện được mục tiêu của của mình, nhà Mạc phải lo tổ chức bộ máy chính quyền, tổ chức lực lượng quân sự và các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. Đặc biệt sự nghiệp giáo dục lấy học tập và khoa cử là nội dung trọng yếu liên quan đến việc bồi dưỡng tuyển chọn và sử dụng trí thức, cung cấp người tài cho toàn bộ vương nghiệp được các vua của triều đại này hết sức chú trọng. Những nhân tài đã được tuyển dụng, nổi bật nhất chính là các vị Trạng nguyên, họ đã có đóng góp quan trọng trong xây dựng, tổ chức của Nhà nước triều Mạc giúp cho vương triều tồn tại trong nhiều năm; bên cạnh đó đóng góp của họ vào đời sống chính trị, tư tưởng, văn hóa của dân tộc cũng không hề nhỏ.