Những ngày này, chị Tuyết, ở Hoài Đức, Hà Nội đang “sốt xình xịch” vì những cơn ngứa không dứt ở chân. Đó là chuyện chưa từng xảy ra với chị. Sau khi tìm hiểu, chị đã biết được đó là tình trạng mẩn ngứa thường gặp ở những phụ nữ sau sinh.
Chị Tuyết cho biết: “Mặc dù ngứa ngáy rất khó chịu, thậm chí gãi đến chảy máu, xước xát cả da, nhưng mình vẫn không muốn dùng các kháng sinh, bởi sợ gây mất sữa cho con bú. Vì thế, mình chỉ muốn dùng cách dân gian lành tính mà thôi”.
Ảnh minh họa. |
Tâm lý của chị Tuyết cũng là của rất nhiều bà đẻ có con nhỏ, mắc phải chứng mề đay, mẩn ngứa. Theo TS. BS Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, nổi mề đay mẩn ngứa là căn bệnh khá phổ biến, nhất là với phụ nữ sau sinh , chủ yếu là do sau sinh nội tiết tố thay đổi, đặc biệt, thời tiết chuyển mùa hanh khô cũng góp phần làm tăng sự ngứa ngáy, khó chịu lên. Thêm nữa, sau khi sinh con, cơ thể phụ nữ còn yếu do đó rất dễ bị nhiễm gió độc, lạnh,… từ môi trường bên ngoài, gây uất kết ở da và biểu hiện ra ngoài là tình trạng dị ứng, mẩn ngứa.\
Việc sử dụng thuốc tân dược chữa dị ứng gây ức chế thần kinh trung ương, gây buồn ngủ, cộng thêm áp lực chăm con nhỏ khiến nhiều bà mẹ sau sinh cảm thấy stress và mệt mỏi. Bác sỹ Hùng tư vấn một số bài thuốc chữa mẩn ngứa ở bà bầu sau sinh:
1. Lá kinh giới:
BS Hùng lý giải: “Theo đông y, lá kinh giới có vị cay, tính ấm có tác dụng tán hàn, chữa nổi mề đay, dị ứng, chống mẩn ngứa rất tốt. Tinh dầu trong cây kinh giới có tác dụng kháng khuẩn giúp làm sạch da, giảm ngứa và trị dị ứng rất tốt”.
Công thức: Lá kinh giới giã nhỏ trộn với rượu trắng bôi ngay lên chỗ ngứa, hết ngay sau 5 phút.
2. Mướp đắng
Theo Bs Hùng: “Mướp đắng có tính hàn, giúp thanh nhiệt giải độc, làm mát cơ thể. Nhiều thành phần của mướp đắng có tính kháng khuẩn, chống virus. Vì vậy, phụ nữ sau sinh có thể sử dụng mà không gây hại”.
Công thức: Mướp đắng tươi thái thành nhiều lát mỏng rồi nấu với nước, dùng nước này để rửa ngoài da còn phần bã thì đắp trực tiếp lên những chỗ bị mẩn ngứa.
3. Kim ngân hoa
Theo BS Hùng: “Vị thuốc kim ngân hoa được đánh giá là có vị ngọt, tính lạnh, vị tâm tỳ đại tràng, không độc. Thường có tác dụng giải độc, trừ phong tà, hoạt huyết… vùa có thể giúp mẹ điều tiết lại hệ miễn dịch, thanh nhiệt, giảm độc, giảm dị ứng mà không ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ”.
Công thức: Kim hoa ngân 20g, ké đầu ngựa 14g đem rửa sạch rồi cho vào sắc với 1,5 lít nước. Sắc nhỏ lửa khi nào nước rút còn khoảng 200ml nước thì rót ra chén chờ nguội thì uống. Ngày uống 2 lần liên tục trong 1 tuần sẽ thấy giảm bệnh.
Cùng với đó, theo dân gian, sản phụ có thể dùng hoa cúc khô hãm uống hàng ngày như uống trà. Hoặc dùng uống mật ong kèm chanh tươi để giải độc, uống nước lá mã đề, cam thảo để giải nhiệt, không dùng các loại đồ ăn, uống có tính chua để thanh nhiệt vì làm mất máu và lạnh cơ thể.
Trường hợp ngứa da sau sinh gây ngứa nghiêm trọng, tổn thương da và ngứa kéo dài thì cần được chuyển tới bệnh viện để khám và điều trị. Phòng ngừa những bệnh liên quan đến gan mật gây ngứa.