Hoa ban đỏ là một trong những bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim do NSND Bạch Diệp làm đạo diễn, quay năm 1994. Dự án nghệ thuật này có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như: Thu Hà, Trần Lực, Trọng Trinh, Trung Hiếu, Tiến Hợi, Mạnh Cường…
Lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, phim Hoa ban đỏ xoay quanh tiểu đoàn trưởng Phương (Trần Lực đóng). Trong khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh cứ điểm 206, Phương bị thương nên được về bệnh viện quân y.
Trong lúc điều trị vết thương, Phương gặp cô y tá đồng hương Tấm (Thu Hà đóng). Ngày trở về đơn vị sau khi vết thương đã lành, Phương chia tay Tấm trong cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ.
Đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Tấm chạy đi khắp cánh đồng Mường Thanh nhưng không tìm được Phương, chỉ có tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận vang lên.
Đoàn làm phim Hoa ban đỏ. Ảnh: Dân Trí. |
Xem Hoa ban đỏ, khán giả đánh giá cao nội dung phim, diễn xuất các diễn viên. Nghệ sĩ Trần Lực chia sẻ lý do phim được nhiều người yêu thích. Anh nói trong cuộc phỏng vấn với Tiền Phong: “Xem phim mọi người thấy dung dị, không lên gân lên cốt, tình người được đẩy lên rất mạnh.
Đặc biệt chất lãng mạn của phim rất rõ, không chỉ là chuyện tình yêu của các nhân vật trong phim mà là cái nhìn về cuộc chiến: Người lính ra trận hồn nhiên lắm. Ra trận mà hễ nghỉ phút nào là đàn hát. Chính quan điểm đó tạo dựng sự khác biệt trong số các phim chiến tranh”.
Theo nghệ sĩ Trần Lực, Hoa ban đỏ là một trong những phim chiến tranh được đầu tư kỹ, có bối cảnh oách nhất, có cảnh đào hào, khói lửa rất thực và hoành tráng. “Có lẽ chỉ có hãng phim Quân đội mới có thể làm được bộ phim có bối cảnh chiến tranh kỹ càng như vậy. Đó cũng là một phần khiến phim thuyết phục người xem, bên cạnh tư tưởng bình dị và gần gũi về cuộc chiến”, anh chia sẻ.
Đường lên Điện Biên cũng là một trong những bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim do Bùi Tuấn Dũng làm đạo diễn, có sự góp mặt của các diễn viên: Hoàng Hải, Mạnh Trường, Huyền Trang, Diễm Hương.
Theo Khám Phá, tư tưởng và nội dung chính của bộ phim được giới thiệu tới khán giả: “Có nhiều con đường đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Bộ phim Đường lên Điện Biên chọn cách tái hiện lại một trong số những con đường đó.
Đó là hình ảnh tiểu đoàn 5 – một tiểu đoàn không cụ thể nhưng là biểu tượng sinh động bậc nhất của các đơn vị trong quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, bên cạnh hàng nghìn những nam, nữ dân công đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng lịch sử này”.
Hai cặp đôi chính của phim gồm Hào - Diên và Hùng - Hà. Hùng là một tiểu đoàn trưởng trong lực lượng bộ đội chủ lực còn Hà là một cô gái nông thôn xinh đẹp, đảm đang.
Khi gặp Hùng, Hà đang là du kích ở địa phương mà gia đình Hùng đến tản cư. Sau này, khi tham gia thanh niên xung phong, Hà gặp lại Hùng ở chiến trường Điện Biên.
Trong khi đó, Hào là một anh bộ đội còn Diên là cô gái Thái.
Ảnh: VTV. |
Ê-kíp làm phim Đường lên Điện Biên gặp không ít khó khăn khi quay. Nhà quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ trên Công An Nhân Dân Online: “Đoàn làm phim khai thác mọi ngả đường dẫn đến Điện Biên - một hành trình khắc nghiệt, cam go nhưng hào hùng.
Sau 60 năm sau, bối cảnh đã khác xa, nhiều cánh rừng không còn như xưa nữa, chỉ còn một vài nơi như K9, rừng Đại tướng vv… buộc những người quay phải chú ý trong từng góc máy, để không lẫn vào những cảnh hiện đại. Khó khăn trong quá trình tái hiện chân thực những thanh âm của lịch sử, còn là sử dụng vũ khí quân dụng vừa hiệu quả, vừa an toàn cho diễn viên.
Gần 100 diễn viên tham gia phim, được quay ở nhiều bối cảnh, mà, với các cảnh quay có sử dụng khói lửa, quả nổ thì rất dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, sự cầu kỳ về đạo cụ, sự mạo hiểm khi chọn bối cảnh hiểm trở đã góp phần tạo nên những cảnh quay chân thực về những người lính pháo binh năm xưa. Với sự nỗ lực của từng thành viên, khi xem phim, khán giả sẽ thấy cực kỳ nguy hiểm, nhưng thực tế lại rất an toàn”.
Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi là một bộ phim tài liệu của đạo diễn người Pháp - Daniel Roussel. Phim kể lại những diễn biến trên chiến trường Điện Biên, một trong những trận chiến vĩ đại của thế kỷ 20 và qua đó ca ngợi vị danh tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Nói về cảm nhận lần đầu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thực hiện bộ phim, Daniel Roussel chia sẻ trên Gia Đình Xã Hội: “Tôi là một trong số rất ít đạo diễn đã có nhiều thời gian được trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi biết là vào lúc đó, tôi đang nói chuyện với lịch sử, một con người vĩ đại.
Tôi biết đang đứng trước mặt tôi là con người đã làm thay đổi lịch sử của dân tộc Việt Nam và cũng là một phần của thế giới. Tôi đã lắng nghe ông một cách chăm chú, và như người Pháp hay nói, tôi như uống từng lời Đại tướng nói ra, tôi ghi chép rất nhiều, tôi quay phim, tôi đã quay hàng giờ, hàng giờ bằng phỏng vấn Đại tướng”.
Phim tài liệu Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi. Ảnh: Gia Đình Xã Hội. |
Về việc đặt tên phim, đạo diễn Daniel Roussel chia sẻ trên Dân Trí: “Tôi đặt tên bộ phim của mình là Cuộc chiến giữa hổ và voi. Hổ và voi là một phép ẩn dụ mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng. Hồ Chủ tịch nói nếu như con hổ dừng lại thì con voi dùng ngà mạnh mẽ của mình sẽ xuyên thủng con hổ.
Nhưng con hổ rất là khôn ngoan, nó không dừng cuộc chiến của mình. Ban ngày con hổ vào trong rừng, ban đêm con hổ ra khỏi rừng, nhảy lên lưng con voi cào xé, sau đó lại trốn vào trong rừng. Và ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, đến một ngày con voi kiệt sức mất máu và chết. Điện Biên Phủ chính là cái mồ của con voi”.
Được sản xuất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024), hai bộ phim hoạt hình Chiếc xe thồ Điện Biên và Lời hứa Điện Biên được nhiều khán giả chờ đợi.
Theo Dân Việt, nội dung phim Lời hứa Điện Biên về cuộc gặp gỡ giữa một cậu bé và một người cựu chiến binh nơi chiến trường Điện Biên năm xưa. Qua câu chuyện, cậu bé đã hiểu thêm về cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của cha, ông năm xưa. Cậu bé còn cùng bạn bè thực hiện lời hứa của thế hệ trẻ, viết tiếp truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Phim hoạt hình Lời hứa Điện Biên. Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô. |
Còn phim Chiếc xe thồ Điện Biên kể hành trình của một cậu bé được xe thồ đưa đi thăm lại chiến trường xưa của cha, ông năm xưa. Nhân vật trong phim đã chứng kiến toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những điều phi thường, những kỳ tích mà quân dân ta đã tạo nên trong chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.
Phim Chiếc xe thồ Điện Biên. Ảnh: Dân Việt. |
Biên kịch Phạm Thanh Hà - người viết kịch bản của hai bộ phim cho hay: “Hoàn thành kịch bản của 2 bộ phim khiến tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, cùng Hãng phim hoạt hình Việt Nam góp thêm vào đợt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ những bộ phim tốt thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha anh đã chiến đấu trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Với khán giả nhỏ tuổi, qua thông điệp của 2 bộ phim, chúng tôi mong các em có thêm những hiểu biết về một thời kỳ lịch sử oai hùng chiến đấu chống ngoại xâm và thực dân đô hộ, truyền cho các em tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc”.
Xem video: "NSND Quốc Hưng hát 'Trên đồi Him Lam". Nguồn Vietnamnet