Không chịu chết mòn trong gông cùm, những người tù cộng sản đã đấu tranh ngay trong "địa ngục trần gian" ở Sơn La. Phần vì để bảo toàn lực lượng, phần để bảo vệ khí tiết cách mạng, chờ cơ hội vượt ngục.
Cụ Lò Văn Sôn, cựu lính cai ngục tại nhà tù Sơn La hiện đang sống tại TP Sơn La bồi hồi nhớ lại quãng thời gian các tù cộng sản đấu tranh mà đương thời gọi là “tù nhân chống ngục”. Theo cụ Sôn, khi nhà tù Sơn La chưa trở thành ngục giam giữ tù cách mạng, thì tù thường phạm không bao giờ hé răng đấu tranh đòi quyền lợi gì.
3 cuộc đấu tranh chống ngục của tù nhân diễn ra tại sân nhà tù. |
Chống toàn quyền Đông Dương
Nhận được phiến trát của toàn quyền Đông Dương, viên cai ngục Lò Văn Sôn biết ngay rồi đây sẽ phải lĩnh nhận đoàn tù chính trị gồm 50 người bị kết án khổ sai 5 năm đày từ Hà Nội lên Sơn La. Ấy là đận những năm 1932 đã khiến lính cai ngục người Thái tên Sôn ấy không thể nào quên.
Đoàn tù chân mang xích sắt, vai cổ cùm kẹp bởi những cái thang gông dài vài mét ấy chưa khiến lính Sôn kinh hãi bằng đoàn tù thứ 4 với số lượng đông đảo 210 người. Dựa vào những phiến trát quan trên gửi về, lính Sôn biết đó là kết quả sau khi dẹp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trong đoàn tù này, phiến trát lưu ý với các quan cai ngục nhà tù Sơn La về những “phần tử nguy hiểm” mà hiện giờ, sau những giải mã thư mật mới biết là các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Đỗ Ngọc Du, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Lê Duẩn.
Ngay khi những “phần tử nguy hiểm” mà phiến trát đã nêu có mặt tại ngục Sơn La thì bắt đầu ngục tù này có những dao động. Những người tù cộng sản không biết bằng cách nào đã thông báo cho nhau tổ chức cuộc đấu tranh chống toàn quyền Đông Dương là PátSkiê.
“Họ đưa ra bản yêu sách “4 phải 1 không” mà tôi còn nhớ gồm: Phải thực hiện chế độ tù chính trị. Phải chuyển tù về đồng bằng. Phải cải thiện chế độ ăn uống. Phải cấp thuốc cho người ốm. Không được đánh đập và bắt tù nhân làm việc nặng nhọc”, cụ Sôn cho hay.
Cuộc đấu tranh chưa tới hồi kết thì thực dân Pháp tiếp tục có các phiến trát đày đoàn tù mới lên Sơn La gồm Nguyễn Lương Bằng, Đặng Việt Châu, Phạm Quang Lịch, Trường Chinh, Bùi Vũ Trụ, Hoàng Đình Dong.
Lại một số “phần tử nguy hiểm” nữa được tăng cường đã đẩy cuộc đấu tranh “4 phải 1 không” lên đỉnh điểm. Sợ tù nhân làm loạn và sợ báo chí lên tiếng, quan toàn quyền PátSkiê phải nhận bản yêu sách và hứa sẽ nghiên cứu để giải quyết.
Công lệnh mật của Thống sứ Bắc Kỳ gửi Công sứ Sơn La về đoàn tù cộng sản 210 người được chuyển đến nhà tù Sơn La. |
Tuyệt thực chống Ga-Bô-Ri
Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, người đã tiếp xúc với nhiều nhân chứng của nhà tù và cũng là người tìm hiểu những bí mật của nhà tù Sơn La cho hay: “Khi chiến tranh thế giới lần II bùng nổ, các quan cai ngục tăng cường khổ sai nặng nhọc đối với tù nhân. Bắt tù nhân đi phá đá, đốn củi, đốn gỗ ở chốn rừng sâu, đào hầm, xây nhà tù, khẩu phần ăn gạo lẫn trấu, thịt ôi, cá ươn, mắm thối, nằm sàn xi măng, phát sinh nhiều bệnh tật hiểm nghèo... gây ra nhiều chết chóc đau thương”.
Không chịu khom mình trước sự tàn bạo của kẻ thù, các tù chính trị đã tập hợp nhau chống Ga-Bô-Ri. Đây là một viên quan cai ngục nổi tiếng tàn bạo đã đánh đập tù nhân một cách dã man. Hắn còn tự ý cấm người tù xuống suối tắm giặt, không cho họ tự quản bếp ăn, bớt xén trắng trợn khẩu phần ăn và không cho tù nhân nói chuyện với binh lính.
Cụ Sôn nhớ lại, tháng 6/1940, trước mặt viên giám ngục, đại diện tù chính trị tuyên bố: Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi tuyệt thực để phản đối Ga Bô Ri đánh đập tra tấn, chửi mắng, quát nạt tù chính trị. Tuy nhiên chúng tôi không bỏ công việc, mọi người về trại đến chiều vẫn đi làm bình thường.
Cuộc đấu tranh kéo dài 4 ngày sau đó mới có tác dụng. Trước mặt thượng cấp, Ga Bô Ri xin hứa “sẽ chấp hành mệnh lệnh của ngài Công sứ.
Cổng vào hầm tối. |
Chống Cút-Xô
Theo cụ Lò Văn Sôn, Cút – Xô chính là thượng cấp của Ga -Bô-Ri, hắn được mệnh danh là con cáo già. Cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù chính trị thắng lợi chỉ là cuộc nhượng bộ của Cút – Xô. Bởi tên này đang chuẩn bị một kế hoạch tấn công quyết liệt hơn để uy hiếp tinh thần những người tù chính trị.
Bề ngoài, Cút – Xô lệnh cho những viên cai ngục như Lò Văn Sôn vẫn phải ngọt ngào, thân mật với tù cộng sản. Nhưng bên trong, Cút - Xô ngầm ra lệnh cho cấp dưới thẳng tay đánh đập không thương tiếc.
Cút - Xô lệnh cho cai và lính bắt tù phải “đổ mồ hôi nhiều hơn nữa” vào việc chuẩn bị xây dựng, mở rộng nhà tù. Các công việc lao động khổ sai đều phải tăng lên. Những tên được Cút – Xô cho là thành phần “bướng bỉnh” sẽ bị bắt nhốt ngục tối.
Cụ Sôn nhớ lại có một tù nhân được coi là bướng bỉnh nhất là Tô Hiệu: “Tuy bệnh tật ho lao rất nặng và bị giam cách ly ở xà lim tam giác chéo nhưng Tô Hiệu cũng cương quyết xin tham gia đấu tranh”.
Ngày 13/5/1941, buổi trưa đi làm về cơm đã dọn ra sân, anh em không ăn, một đại biểu đứng lên tuyên bố với giám ngục: “Chúng tôi tuyệt thực và không đi làm để phản đối ông Công sứ đánh đập, bắt giam hầm Cát-xô mấy người xe nước một cách vô lý”.
Nhà bếp của nhà tù Sơn La. |
Sau khi tuyên bố, anh em tập trung về trại cũ. Được tin tù chính trị đấu tranh tuyệt thực, Cút - Xô tỏ ra bình tĩnh, hắn không hò la, đánh đập, chửi bới mà lập tức ra lệnh cho bọn lính ống sẵn sàng, lưỡi lê tuốt trần. Mở cửa xông thẳng vào trại, dồn mọi người xuống hầm tối.
“Lúc đầu chính lính cai ngục như chúng tôi cũng cứ tưởng làm vậy để tiện cho việc kiểm tra lục soát. Không ngờ Cút - Xô định chôn sống hàng trăm người đó. Cút - Xô ra lệnh cho chúng tôi “không để lọt một hạt cơm, giọt nước vào hầm ngầm. Nếu ai trái lệnh sẽ bị bắn ngay”.
Căn hầm chật hẹp, ẩm thấp, chỉ có 6 lỗ cửa nhỏ trông lên mặt đất chứa tới 156 người. Nhiều tù nhân phải cởi hết quần áo, muốn đứng áp vào tường đá cố hút lấy một chút hơi mát. Do không được ăn uống, trong hầm tối thiếu ánh sáng và không khí nên sức khỏe tù nhân giảm sút rất nhiều.
Ở ngoài nhân dân phố Chiềng Lề rất căm phẫn khi biết được tin Cút - Xô giam hàng trăm tù chính trị dưới hầm tối. Họ đã gửi phên đường, ống nước thông qua lính cai ngục Lò Văn Sôn vào ủng hộ tù chính trị.
Cuộc đấu tranh kéo dài 13 ngày đêm kết thúc. Qua nhiều ngày bị giam cầm trong hầm tối, khi bước chân lên mặt đất, hầu hết đều bị ù tai, hoa mắt bước đi lảo đảo, chập choạng, có tù nhân ngã gục không đi tiếp được nữa.
“Ba cuộc đấu tranh này của tù chính trị tôi đều chứng kiến. Cũng từ những cuộc đấu tranh ấy mà những lính canh ngục như chúng tôi hiểu thêm và dần được giác ngộ để chờ cơ hội đi theo cách mạng”.
Cụ Lò Văn Sôn