Bệnh truyền nhiễm là loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc...) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch.
Trong lịch sử, hàng loạt bệnh truyền nhiễm đã trở thành đại dịch, gây ra cái chết cho hàng nghìn đến hàng triệu người. Song có nhiều bệnh có tỷ lệ tử vong là 100% nhưng số lượng người mắc không nhiều. Ở bài viết này, The Conversation đề cập những căn bệnh truyền nhiễm khiến nhiều người chết nhất, theo số liệu tính đến năm 2012.
Bệnh lao đã gây ra cái chết cho nhiều người hơn bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác trong lịch sử; hơn một tỷ người đã chết trong 200 năm qua. Nguồn gốc của bệnh không rõ ràng, nhưng nó truyền sang cả một số loài khác, bao gồm gia súc.
Ngày nay, khoảng 1/3 dân số thế giới được cho là bị nhiễm lao, ở dạng không hoạt động. Đây là trạng thái vi khuẩn có mặt trong cơ thể nhưng bị hệ miễn dịch kiểm soát. Người bệnh không có triệu chứng và không thể lây sang cho người khác.
Vi khuẩn sẽ tái hoạt động ở một số người, khiến họ có triệu chứng như sốt, đổ mồ hôi, sụt cân, mệt mỏi, ho và ho ra máu.
Bệnh lao xảy ra ở mọi quốc gia. Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu do hóa trị, HIV hoặc các bệnh nền khác có nguy cơ mắc lao cao hơn.
|
Lao từng là nỗi khiếp sợ với thế giới vì số người chết lên tới hơn một tỷ người trong 200 năm. Ảnh: Freepik. |
Năm 2015, thế giới có thêm 10,4 triệu ca mắc lao mới và 1,8 triệu người tử vong. Phần lớn ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong vì lao đã giảm trên toàn cầu từ những năm 1900.
Thuốc kháng sinh xuất hiện đã khiến nhân loại chiến thắng căn bệnh này. Nếu không có thuốc kháng sinh, 70% người bị nhiễm trùng lao thể hoạt động sẽ tử vong. Tuy nhiên, việc điều trị lao thường phức tạp với 4 loại thuốc uống trong hai tháng, sau đó là 2 loại thuốc kháng uống trong 4 tháng tiếp theo. Những loại thuốc này đều có tác dụng phụ, nếu dùng không đúng cách có thể khiến vi khuẩn lao kháng thuốc.
Trong những năm gần đây, lao kháng thuốc đã được ghi nhận trên toàn thế giới, phổ biến nhất ở Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Điều trị lao kháng thuốc phức tạp hơn nhiều, mất nhiều thời gian, dễ thất bại và thường sử dụng các loại thuốc độc hơn.
Bệnh đậu mùa do virus variola gây ra, trở thành nỗi ám ảnh trong nhiều thiên niên kỷ và có ảnh hưởng lâu dài nhất trong lịch sử loài người. Cho đến cuối năm 1960, bệnh đậu mùa vẫn còn phổ biến ở châu Á, châu Phi, với ước tính khoảng hai triệu ca tử vong hàng năm.
Bệnh đậu mùa rất dễ lây lan khi chúng ta tiếp xúc virus trong giọt bắn, ho, hắt hơi từ người bệnh hoặc tiếp xúc gần, dùng chung đồ vật. Căn bệnh này khiến 30% người mắc tử vong. Biến chứng để lại cũng rất nguy hiểm như sẹo, mù lòa, nhiễm trùng, viêm khớp.
Năm 1980, bệnh đậu mùa trở thành bệnh truyền nhiễm đầu tiên và duy nhất đến nay được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã loại trừ thành công. Điều này là nhờ chính sách tiêm chủng hàng loạt, biện pháp phòng ngừa, giám sát sức khỏe cộng đồng. Người đã khỏi đậu mùa sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm. Tiêm chủng vaccine cũng là cách tốt nhất để ngăn chúng ta bị nhiễm virus đậu mùa.
Đậu mùa là bệnh truyền nhiễm đầu tiên và duy nhất đến nay được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã loại trừ thành công. Ảnh: NIH. |
Vào đầu những năm 1980, một số ít đồng tính nam ở Mỹ xuất hiện triệu chứng bất thường vốn chỉ có ở người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Sau đó, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) đã được phát hiện và trở thành gánh nặng toàn cầu.
Đến nay, nguồn gốc của virus vẫn chưa thể xác định, nó được cho là có thể bắt nguồn từ các loài linh trưởng ở châu Phi. Sau đó, virus lây cho con người trong gần một thế kỷ và phát tán ra toàn cầu. HIV không được điều trị sẽ phá hủy hệ thống miễn dịch của con người từ từ, dẫn tới bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư, còn được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
Nếu không được điều trị, hầu hết người nhiễm HIV đều tiến triển thành AIDS và tử vong. Đỉnh điểm là vào những năm 1990, mỗi năm có khoảng 1.000 người Australia chết vì HIV/AIDS.
Cho đến nay, khoảng 40 triệu người đã chết vì AIDS và ước tính có khoảng 36,7 triệu người đang sống chung với HIV. Tuy nhiên, hầu hết người bị ảnh hưởng ở các nước phương Tây đều sống lâu và khỏe mạnh.
Chưa có vaccine phòng HIV, nhưng nhiều tiến bộ khoa học đã giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, chẩn đoán, giảm lây truyền. Các chuyên gia hy vọng các phương pháp điều trị mới có thể chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
Virus cúm là nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp với các mức độ nghiêm trọng khác nhau mà thường không cần điều trị. Tuy nhiên, số ca tử vong vì cúm thậm chí còn cao hơn HIV/AIDS trong thế kỷ trước.
Thông thường, các đợt bùng phát cúm theo mùa xảy ra hàng năm và ảnh hưởng đến khoảng 4 triệu người, với khoảng 250.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền như suy tim hoặc bệnh phổi mạn tính, phụ nữ mang thai có nguy cơ tử vong cao nhất. Điển hình là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã khiến hơn 40 triệu người chết; nhiều hơn gấp đôi số người chết trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Trong thời gian gần đây, các vụ dịch nhỏ hơn đã xảy ra như cúm gia cầm và cúm lợn. Do sự di chuyển nhanh chóng và linh hoạt của người dân trên toàn cầu, virus cúm có thể dễ dàng phát tán ra khắp thế giới. Chính vì thế, trong những năm gần đây, các quốc gia đều dự trữ thuốc, vaccine để chuẩn bị cho đại dịch cúm có thể xảy ra.