Toàn cảnh hồ Đại Lại bị san lấp nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hoàn |
Liên tiếp từ ngày 1/7 đến nay, Báo Giao thông đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh việc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam bạt cả quả đồi, đổ hàng chục nghìn khối đất lấp lòng hồ Đại Lải để xây khu biệt thự nghỉ dưỡng.
Tiếp tục tìm hiểu, PV phát hiện nhiều vấn đề liên quan, từ khâu cấp phép cho đến việc triển khai dự án mà doanh nghiệp này đã và đang tiến hành.
Lùm xùm vụ bán sân golf
Theo ông Lưu Tiến Chung, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, dự án đầu tư xây dựng sân golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch Hà Nội được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư theo Quyết định 369 ngày 12/2/2003.
Địa điểm thực hiện dự án tại khu B Đại Lải, xã Ngọc Thanh, tổng diện tích đất dự án là 349,3ha. Chủ đầu tư - doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam.
Tới năm 2004, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 4995 về việc thỏa thuận thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng và cơ cấu sử dụng đất dự án với tổng diện tích đất quy hoạch 298,85ha, giảm 50,45ha so với địa điểm đã được phê duyệt.
Năm 2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện dự án, diện tích đất được giao bao gồm 45ha đất có thu tiền sử dụng đất, 193,5ha đất giao cho thuê xây dựng cơ bản, 45ha đất không thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Sau khi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận triển khai dự án, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã tách thành 2 dự án: Tổ hợp sân golf Ngôi sao Đại Lải; Dự án Khu nhà ở và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải và sau đó bán dự án Tổ hợp sân golf Ngôi sao Đại Lải.
Việc bán sân golf Ngôi sao Đại Lải diễn ra sau khi ông Đoàn Văn An, cựu sếp lớn Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), người nắm giữ phần lớn cổ phần ở Sân golf Đại Lải đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sân golf Ngôi sao Chí Linh (Hải Dương) bị bắt trong một vụ án.
Ngày 5/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định phê duyệt tách Dự án này thành hai dự án độc lập là Dự án Khu nhà ở sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải và Dự án Tổ hợp sân golf Ngôi sao Đại Lải.
Thương vụ mua bán sân golf Đại Lải từng gây xôn xao dư luận ở Vĩnh Phúc một thời gian dài. Hợp đồng mua bán tài sản ngày 3/11/2016 được ký bởi ông Lý Trung Phòng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam và ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sân golf Đại Lải.
Ông Thanh vốn được biết đến là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thanh Giang, một “đại gia” có tiếng ở tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, sau thời điểm thực hiện xong thương vụ mua bán một thời gian, chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sân golf Đại Lải đã rơi vào tay ông Chu Văn Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Sông Miện 5 (Hà Giang).
Hợp đồng này được đánh giá là vi phạm pháp luật vì các doanh nghiệp trên đã tự ý mua bán, chuyển nhượng đất của dự án.
Bởi, theo quy định của pháp luật, để đảm bảo việc chuyển nhượng đúng quy định, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam và Công ty CP Sân golf Đại Lải phải làm thủ tục để UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thu hồi phần diện tích đất trong hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện thủ tục giao, cho thuê đất đối với Công ty CP Sân golf Đại Lải.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ biết về vụ mua bán khi Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam làm thủ tục xin điều chỉnh dự án (?!)
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, theo Nghị định 01 của Chính phủ năm 2017, sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà chủ đầu tư được phép bán, Nhà nước sẽ thu hồi đất của người bán tài sản gắn liền với đất thuê để cho người mua tài sản thuê.
Với những lùm xùm trong thương vụ chuyển nhượng sân golf Đại Lải, dẫn tới Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam khởi kiện Công ty Cổ phần Sân golf Đại Lải và Văn phòng Công chứng Phú An về việc chuyển nhượng này. Sau khi có phán quyết của tòa án, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tới nay, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam “lật ngược thế cờ” trở thành chủ của cả 2 dự án Sân golf và khu biệt thự nghỉ dưỡng. Họ đồng thời vận hành sân golf và tiến hành bạt đồi, lấp hồ Đại Lải như loạt bài mà Báo Giao thông đã phản ánh.
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Trong suốt hơn 10 năm qua, hoạt động triển khai các dự án của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hồ Đại Lải và đời sống người dân xã Ngọc Thanh.
Đại diện lãnh đạo UBND TP Phúc Yên xác nhận: “Từ nhiều năm trước, chính quyền địa phương đã nhận được nhiều đơn, kiến nghị của người dân xã Ngọc Thanh đối với hoạt động xây dựng, triển khai các dự án của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam”.
Ông Vũ Văn Thanh, người dân xã Ngọc Thanh ngao ngán: “Từ khi có dự án sân golf, tiếng ồn của máy cắt cỏ, bóng của các golf thủ bay lạc vào nhà dân thường xuyên. Nghiêm trọng nhất là việc phun thuốc bảo vệ thực vật khiến khu vực nồng nặc mùi thuốc trừ sâu.
Từ cuối năm 2019, công ty này tiến hành bạt quả đồi ven hồ để lấp đất xuống lòng hồ. Suốt ngày đêm chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng máy móc, ô tô rầm rập trong công trường dự án”.
Ngày 17/4/2019, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với dự án sân golf Đại Lải. Trong Biên bản thanh tra số 66 về vụ việc này, đoàn thanh tra đã nêu ra nhiều sai phạm của Công ty CP Sân golf Đại Lải.
Cụ thể, trong quý III/2018, doanh nghiệp không thực hiện quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn và vi khí hậu; không thực hiện quan trắc chất lượng nước ngầm, chất lượng mặt nước, chất lượng môi trường đất.
Quý IV/2018, doanh nghiệp thiếu kết quả phân tích chất lượng môi trường đất của nhà thầu phụ đối với các thông số độ ẩm, tổng K, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Clo hữu cơ…
Với hàng loạt sai phạm, ngày 23/4/2019, tại Văn bản số 09, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Sân golf Đại Lải mức… 8 triệu đồng.