1. Được lưu giữ tại chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội), tượng Phật giáo thời Tây Sơn, hay 18 vị La Hán chùa Tây Phương theo cách gọi dân gian, được coi là tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật cổ Việt Nam. |
Trái với sự tĩnh tại thường thấy ở tượng Phật giáo Việt Nam, tượng 18 vị La Hán chùa Tây Phương lại mang dáng vẻ cực kỳ sinh động, không bức tượng nào giống bức tượng nào. Ẩn sau từng đường nét của tượng là các thông điệp giàu ý nghĩa về lịch sử, xã hội, tư tưởng, triết lý... |
Rất nhiều người Việt biết đến những bức tượng Phật giáo thời Tây Sơn của chùa Tây Phương qua bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" của nhà thơ Huy Cận. Bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa, mở đầu bằng câu "Các vị La Hán chùa Tây Phương/ Tôi đến thăm về lòng vấn vương...". |
Ngày nay, 18 vị La Hán chùa Tây Phương vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn như khi được tạo tác vào thời Tây Sơn. Các hiện vật nổi tiếng này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam từ năm 2015. |
2. Bên cạnh tượng các vị La Hán, còn một hiện vật khác của triều Tây Sơn cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia, đó là trống đồng Cảnh Thịnh. Trống được đúc năm 1800 dưới triều vua Cảnh Thịnh (con trai vua Quang Trung - Nguyễn Huệ), hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Khác với kiểu trống đồng của văn hóa Đông Sơn, trống Cảnh Thịnh được đúc mô phỏng theo kiểu trống da. Trống nặng 32 kg, đường kính mặt 54,3 cm, cao 37,40 cm, thân trống được chia làm ba phần, quanh thân có 4 quai. |
Xung quanh trống, từ trên xuống dưới, đúc nổi các băng hoa văn hình nhũ đinh, lá đề, hồi văn chữ T và đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng. Bên cạnh sự độc đáo của hoa văn, một giá trị đặc biệt khác của trống là phần tư liệu - với một bài minh dài 272 chữ khắc trên thân. |
Có thể nói trống đồng Cảnh Thịnh là một hiện vật hết sức độc đáo, phản ánh sự sáng tạo trong nghệ thuật trang trí, kỹ thuật đúc trống cũng như nghề đúc đồng cổ truyền của dân tộc. |
3. Dù không phải là Bảo vật quốc gia, chuông La Chữ được nhiều người coi là một "báu vật" của nhà Tây Sơn. Quả chuông được tướng Võ Văn Dũng cho đúc vào năm 1791, hiện treo ở gác chuông của chùa làng La Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. |
Chuông đúc bằng đồng, cao 1,26 mét, chu vi giữa thân chuông là 1,74 mét, chu vi miệng chuông là 1,80 mét. Các hoa văn, hoạ tiết trang trí trên chuông thiên về văn hóa dân gian chứ không mang nặng dấu ấn Phật giáo như các quả chuông đương thời. |
Tương truyền, chuông đồng La Chữ tuy nhỏ nhưng khi đánh lên lại có tiếng ngân vang xa kỳ lạ. Các bô lão trong làng sợ tiếng chuông vang đến tai vua triều Nguyễn và bị tịch thu bèn cho “thiến” chuông bằng cách khoan trên đỉnh nhiều lỗ rồi trám chì vào nhằm giảm bớt tiếng vang. |
Thời kháng chiến chống Pháp, chuông bị thủng nhiều lỗ trên thân do đạn bắn. Dù vậy, mỗi khi đánh, tiếng chuông vẫn ngân vang trong trẻo. Ngày nay quả chuông cổ này được người dân gìn giữ cẩn thận như một chứng nhân lịch sử, đồng thời là một "bảo bối" hộ mệnh cho ngôi làng. |
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.