Ngày 10/10, các thủ lĩnh của nhóm nổi dậy Syria Ahrar al-Sham đã thỏa thuận với Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Syria, kêu gọi hợp tác với nhóm khủng bố Jund al-Aqsa. Được biết, Jund al-Aqsa, vốn là “hậu duệ” của phiến quân IS, đã cam kết trung thành và gia nhập Mặt trận al-Nusra hôm 9/10.
Thỏa thuận hợp tác này đẩy Washington vào tình thế khó xử trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục hỗ trợ nhóm Ahrar al-Sham, hiện đang chiến đấu cùng Mặt trận al-Nusra và Jund al-Aqsa dưới danh nghĩa Đội quân Chinh phục.
Nhóm Ahrar al-Sham đã tuyên bố (với Mỹ) rằng họ sẽ không tách khỏi Mặt trận al-Nusra vì điều đó là "không thể".
Khung cảnh đổ nát ở Saif Al Dawla, Aleppo, ngày 2/10/2012. Ảnh: AP. |
Như vậy, Washington có thể sẽ phải xem xét lại chiến lược hiện tại là vừa tập trung vào việc ngăn chặn sự bành trướng của phiến quân IS tại Syria vừa tìm cách lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.
Washington và các đồng minh đã đổ lỗi cho Nga và chính quyền Syria về thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ.
Trong khi đó, Nga phản bác lại rằng thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ một phần là do việc liên quân Mỹ không kích vào một căn cứ quân đội tại Syria ở Deir ez-Zor khiến ít nhất 82 binh sĩ Syria thiệt mạng cũng như việc các nhóm nổi dậy “ôn hòa” vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 300 lần.
Có thể thấy, cuộc nội chiến tại Syria đã trở thành một vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 400 nghìn người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán trong cuộc nội chiến kéo dài suốt hơn 5 năm qua tại Syria.
>>> Xem thêm video Quân đội Syria tấn công phiến quân tại tỉnh Homs (Nguồn video Fars News):