Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản sang Trung Quốc của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay, đến hết tháng 8/2022, giá trị nhập khẩu rau quả từ thị trường này đạt 472,8 triệu USD, chiếm 37,6% tổng giá trị nhập khẩu, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong tháng 8 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 85,5 triệu USD, chiếm 43,4% tổng giá trị rau quả nhập khẩu, tăng tới 144,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Hầu hết các mặt hàng rau quả đều ghi nhận kim ngạch nhập khẩu tăng vọt. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc là: nấm các loại đat 18,1 triệu USD, chiếm 21,1% tổng giá trị nhập khẩu, tăng 437,8% so với cùng kỳ năm trước; tỏi đạt 12,0 triệu USD, chiếm 14,1%; cà rốt đạt gần 9 triệu USD, chiếm 10,5%, tăng 223,4%; hành các loại đạt 4,3 triệu USD, chiếm 5% và tăng 102,0%...
Riêng mặt hàng nho, chỉ trong vòng 1 tháng kim ngạch nhập khẩu tăng vọt tới 534,7%, đạt 7,3 triệu USD, chiếm 8,6% trong tổng giá trị rau quả nhập khẩu.
|
Nhập khẩu tăng mạnh, nho Trung Quốc bày bán la liệt ở chợ Việt. (Ảnh: Tâm An) |
Vài tháng trở lại đây, các loại trái cây Trung Quốc ồ ạt đổ về thị trường Việt Nam, trong đó nho là một trong những loại quả được bán la liệt khắp các chợ.
Ghi nhận của PV. VietNamNet, tại chợ truyền thống và “chợ mạng” đang bán hàng chục loại nho Trung Quốc như: nho sữa, nho đen ngón tay, nho ruby, nho đỏ, nho kẹo, nho xanh,... giá bán dao động từ 25.000-50.000 đồng/kg tuỳ loại. Riêng nho sữa giá từ 110.000-150.000 đồng/kg.
Với mức giá này, nho Trung Quốc giá rẻ chỉ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/10 so với các loại nho cùng loại nhập khẩu trên thị trường. Đây cũng là lý do nhiều người chọn mua nho Trung Quốc vì hợp với túi tiền của gia đình mình.
Chị Lê Thị Hải - chuyên đổ sỉ trái cây tại Long Biên (Hà Nội) - cho biết, nho Trung Quốc có đặc điểm chung là tươi ngon vì quãng đường vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam rất gần, chỉ cần hôm trước hôm sau hàng đã về tới chợ. Đặc biệt, loại trái cây này ăn ngọt sắc, giá lại rẻ nên dân chuộng mua.
Thông thường, nho Trung Quốc được nhập về quanh năm, nhưng rộ nhất vẫn là vào nửa cuối năm.
“Nho sữa Trung Quốc đắt hàng nhất, bởi trái to cực đại, ăn giòn ngọt và thơm mùi sữa. Giá trên thị trường chỉ bằng 1/5 giá nho sữa Hàn, bằng 1/10 giá nho sữa Nhật”, chị Hải nói. Thế nên, nho này về chợ đầu mối được các mối sỉ tranh nhau mua từng thùng.
Nếu tính cả các loại nho Trung Quốc khác, chị Hải tiết lộ, mỗi ngày đều đặn về 1 xe hàng lớn, đổ sỉ hết vài tấn.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - trước đó thừa nhận, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc về Việt Nam tăng trưởng đều đặn hàng năm, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Theo ông Nguyên, Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid” nên trái cây Việt Nam xuất sang thị trường này bị kiểm soát rất chặt. Ở chiều ngược lại, nước ta không kiểm soát Covid-19 trên hàng hóa nhập khẩu nên trái cây từ Trung Quốc về dễ hơn.
Đặc biệt, các thương nhân buôn bán ở khu vực biên giới còn tận dụng được xe container rỗng để chở trái cây Trung Quốc. Ví như, một xe container chở nông sản từ miền Nam ra cửa khẩu phía Bắc, chi phí vận chuyển hết 80-100 triệu đồng. Xuất hàng sang Trung Quốc xong, xe quay về với container rỗng. Thương nhân tận dụng những xe này chở trái cây Trung Quốc về nội địa tiêu thụ với cước phí rất rẻ. Vậy nên, trái cây Trung Quốc vốn có giá rẻ nay lại càng rẻ hơn, số lượng về cũng ồ ạt hơn.
Ngoài ra, những năm gần đây, Trung Quốc nâng cao tiêu chuẩn hàng quá nên quy trình sản xuất cũng dần thay đổi. Trái cây Trung Quốc nói chung và nho nói riêng không chỉ có chủng loại phong phú, mẫu mã bắt mắt mà chất lượng ngày càng cải thiện để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyên cho rằng, đây cũng là một trong những lý do tại thị trường Việt, người dân nước ta không còn quá e ngại hàng Trung Quốc.