Nho sữa nhập khẩu có an toàn cho sức khỏe?
Nho Shine Muscat (nho sữa) là giống nho nổi tiếng của Nhật Bản. Loại nho này xuất hiện tại thị trường Việt gần chục năm nay, với số lượng khá khiêm tốn vì giá đắt đỏ.
Chỉ vài năm gần đây, khi Trung Quốc mở rộng vùng trồng, nho sữa mới đổ bộ chợ Việt với số lượng lớn, giá cũng ngày càng rẻ.
Trên thị trường, nho sữa đang được bán phổ biến với giá 50.000 - 80.000 đồng/kg. Thậm chí, có loại giá chỉ hơn 20.000 đồng/kg - rẻ như giá rau ngoài chợ.
Nho sữa Trung Quốc được bày bán nhiều tại các chợ ở Việt Nam. |
Trước thông tin Thái Lan vừa phát hiện nhiều mẫu nho sữa Trung Quốc có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép, khiến nhiều người tiêu dùng Việt lo lắng về sự an toàn của loại hoa quả nhập khẩu này.
Chị Cao Thị Hồng Vân, cư ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM chia sẻ: “Từ khi hay tin cơ quan chức năng Thái Lan phát hiện nho sữa Trung Quốc có “chất cấm” và nhiều dư lượng hóa chất có hại vượt ngưỡng cho phép, tôi sợ không dám mua loại nho này nữa”.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Dung – chủ một cửa hàng chuyên bán trái cây ngoại nhập ở quận 3, TP HCM cũng thừa nhận, sau khi có thông tin nho sữa Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng chất độc hại vượt ngưỡng ở Thái Lan, lượng nho bán ra trong khoảng thời gian gần đây giảm mạnh.
Trước đó, cả bán buôn và bán lẻ, mỗi ngày cửa hàng của chị Dung tiêu thụ gần 1 tấn nho sữa, nay con số bán ra còn chưa đến 3 tạ.
“Nhiều người cũng lo sợ vấn đề an toàn khi biết thông tin nho sữa có chất độc hại”, chị Dung chia sẻ.
Hiện, Trung Quốc là thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam. Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã chi 696,59 triệu USD (tương đương khoảng 17.400 tỷ đồng) để mua các mặt hàng rau quả Trung Quốc, trong đó có nho sữa.
Giám sát chặt chẽ nho Trung Quốc vào Việt Nam
Trao đổi với báo chí về vấn đề kiểm soát an toàn thực vật nho Trung Quốc nhập về Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, mặt hàng nho đang áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ) trước khi thông quan.
Ngoài ra, còn hậu kiểm sau thông quan, tức Cục Bảo vệ thực vật sẽ thực hiện chương trình giám sát bằng cách lấy mẫu kiểm tra.
Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ nho Trung Quốc vào Việt Nam. Ảnh minh họa |
Theo ông Hiếu, không chỉ nho, với nhiều mặt hàng trái cây nhập về Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đều thực hiện các chương trình giám sát để thu thập thông tin, số liệu nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn đến mất an toàn thực phẩm.
Đồng thời, qua đó đánh giá mức độ an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu, phát hiện kịp thời để bổ sung căn cứ quan trọng cho việc thay đổi phương thức kiểm tra.
Nếu phát hiện nguy cơ, có thể thay đổi biện pháp kiểm tra, đồng thời tăng tần suất lấy mẫu.
Thời gian vừa qua, nho sữa Trung Quốc là mặt hàng được nhập khẩu rất nhiều về Việt Nam và đã được lấy mẫu kiểm tra. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 87 mẫu nho nhập từ Trung Quốc để kiểm tra. Kết quả, phát hiện 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định của Việt Nam.
“Mỗi sản phẩm nhập khẩu chúng ta đều kiểm tra, tuy nhiên chỉ được số lượng nhất định do nhân lực có hạn. Bởi vậy, Cục Bảo vệ thực vật mong các địa phương cùng tham gia vào chương trình giám sát để thực hiện truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Như vậy, chúng tôi sẽ có đủ số liệu, dữ liệu làm căn cứ xem xét nâng từ mức kiểm tra từ thông thường lên kiểm tra chặt nếu phát hiện nguy cơ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với lô hàng trái cây nhập khẩu hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Nghị định 15 quy định 3 phương thức kiểm tra ATTP bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm. Áp dụng phương thức nào là dựa trên các đánh giá nguy cơ về ATTP với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu:
- Phương thức kiểm tra giảm: kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 01 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên;
- Phương thức kiểm tra thông thường, theo đó chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu.
- Phương thức kiểm tra chặt, theo đó kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.
Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo ATTP trong nước và quốc tế, vi phạm ATTP qua các năm, cơ quan quản lý chuyên ngành quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra chặt đối với lô hàng, mặt hàng.
Bên cạnh công tác kiểm tra ATTP đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hàng năm, cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cục Bảo vệ thực vật thực hiện Chương trình giám sát ATTP đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Hoạt động chính của chương trình này là lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu ATTP, đặc biệt tập trung các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây nhập khẩu.