Hồi nhỏ ba mẹ thường đưa chị em chúng tôi đi xem phim tại Rex, Eden..., chuyên chiếu phim Pháp, Mỹ... Anh chị tôi lại thường đưa tôi đi xem phim Việt Nam như Quan Âm Thị Kính, Bạch Viên Tôn Cát tại rạp Văn Cầm gần nhà tôi, trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5.
Riêng chị Hai tôi và chị người làm mê phim Ấn Độ, thường đưa tôi đến rạp Long Phụng (quận 1) với những bộ phim thần thoại Ấn Độ đầy sắc màu.
Các rạp Eden, Rex, có máy lạnh. Rạp Văn Cầm và Long Phụng trong trí nhớ của tôi rất nóng, hình như chỉ có vài cái quạt máy.
Riêng rạp Long Phụng ấn tượng nhất là rệp. Khán giả vừa ngồi xem vừa gãi. Có lần xem bộ phim tôi nhớ cảnh cậu bé Ấn Độ bắt con gián bỏ vào tập của bạn.
Rạp Long Phụng ngày nay. Ảnh: QM. |
Vốn sợ gián, tôi la khẽ nhưng chị người làm chỉ ngay con gián đang chạy trên lan can tầng lầu của rạp, ngay sát hàng ghế của tôi. Con gián chỉ chạy lướt qua, không đáng sợ lắm. Sau buổi chiếu đó tôi không thích đi cùng chị Hai đến rạp nữa.
Tuy nhiên, tôi rất mê món hủ tiếu xào chị Hai thường đưa tôi và chị người làm đi ăn sau khi xem xong phim. Chị còn cho tôi thêm ly đậu đỏ bánh lọt. Vì vậy, sau nhiều lần không đi, nhớ các món ăn, tôi lại gật đầu theo hai chị.
Phim Ấn Độ chỉ gây ấn tượng với tôi bằng màu sắc thần thoại và cứ ca hát nhảy múa um trời. Nhiều bộ phim Ấn rất nổi tiếng, tôi chỉ nhớ tên bộ phim vang danh một thời trong giới mê phim Ấn Độ là Con thơ bên dòng suối.
Cái ngày gật đầu theo hai chị thật khủng khiếp với tôi. Và cũng là lần cuối tôi đến rạp Long Phụng. Trong khi chị Hai và chị người làm đang cuốn theo những thước phim mê ly hấp dẫn, như thường lệ, tôi lim dim ngủ. Bỗng cảm giác có cái gì nhột nhột ở bàn tay. Nhìn xuống. Trời ơi, một con gián béo tròn đang “tản bộ thong dong” dọc theo cánh tay tôi.
Bất chấp cảnh phim đang lúc mùi mẫn, tôi bật dậy hét lớn và chạy ra ngoài. Tôi chạy lên bậc tam cấp khi chú soát vé khoảng 16-17 tuổi đang đi xuống. Vừa chạy vừa la, tôi “tông” mạnh vào chú. Chú ngã lăn xuống. Mọi người rối lên. Chị Hai kéo tôi dậy, lắc tay cho tôi tỉnh để tôi không la nữa. Tôi vẫn cứ vừa khóc vừa la...
Cuối cùng hai chị đưa tôi ra ngoài. Tôi bị cằn nhằn cho một trận. Không có hủ tiếu xào hay đậu đỏ bánh lọt. Cả hai kêu xích lô đưa tôi về nhà. Ngồi trên xích lô, tôi ngưng khóc và nghe hai chị hẹn nhau ngày mai đi xem lại bộ phim vừa rồi. Hai chị cứ nói với nhau về bộ phim và tiếc không biết số phận các nhân vật trong phim thế nào.
Từ đó chị Hai không đưa tôi đi xem phim Ấn Độ nữa. Mà có bảo đi tôi cũng không “thèm”, vì hàng tuần tôi đã được ba mẹ đưa đi xem phim tại Eden hoặc Rex rồi. Thuở đó, ở tuổi tiểu học, tôi nào biết thưởng thức phim. Chỉ thích vào trong rạp chiếu phim nào có máy lạnh mát mẻ để... ngủ.
Sau khi lập gia đình, chị Hai phải bươn chải lo cho đám con nhỏ. Chị không còn nghĩ đến phim Ấn Độ và anh chàng tài tử Ga Nét Xăng mà chị thường nhắc tới trước đây nữa. Chị người làm cũng nghỉ việc đi lấy chồng. Cuộc sống của chị Hai càng ngày càng tệ hơn. Chị làm thuê làm mướn rồi đi kinh tế mới. Để rồi chị chết vì bệnh vài năm sau đó.
Giờ đây, truyền hình cáp Việt Nam, ngoài những đài nước ngoài, đài trong nước còn chiếu khá nhiều những bộ phim Ấn Độ nhiều tập. Có bộ phim trên 3.000 tập. Và vẫn giữ đặc trưng của phim Ấn: thần thoại và ca hát nhảy múa khá nhiều trong phim.
Từ nhỏ tôi đã không thích phim Ấn Độ. Tôi đã nói tôi theo chị Hai đến rạp Long Phụng chỉ vì món hủ tiếu xào và ly đậu đỏ bánh lọt thôi. Thi thoảng rà các kênh truyền hình, bắt gặp phim Ấn Độ, tôi cũng dừng lại vài phút để nhớ về những kỷ niệm cũ.
Nhớ rạp Long Phụng nóng nực, đầy rệp, nhiều gián, với những bộ phim Ấn Độ hát hò múa may. Nhớ con gián khiến chị Hai và chị người làm phải bỏ ngang cảnh phim đang hồi gay cấn. Nhớ cú tông người soát vé. Cú tông mạnh đến độ anh chàng lăn kềnh và văng mất cây đèn pin. Tôi nhớ câu anh chàng la toáng lên tìm cây đèn...
Chúng tôi không biết tin chị người làm sau khi chị nghỉ việc ở nhà tôi để đi lấy chồng. Chị Hai không còn nữa. Nhiều lúc tôi tự hỏi nếu còn bên cạnh chúng tôi, chị Hai và chị người làm có vui không khi hôm nay phim Ấn Độ chiếu mỗi ngày trên tivi?
Chắc chắn cả hai sẽ cơm nước sớm để được ngồi bên chiếc tivi, thưởng thức những thước phim Ấn Độ mà hai chị từng say mê ở tuổi con gái đầy mơ mộng đến hão huyền.