Nhờ chú dượng phiên dịch sai, vua Thành Thái bước lên ngai vàng

Diệp Văn Cương là chồng bà công nữ Thiện Niệm, con gái Thoại Thái vương. Bà Thiện Niệm là cô ruột của vua Thành Thái. Chính ông Diệp Văn Cương là người đã cố tình phiên dịch sai, giúp vua Thành Thái bước lên ngai vàng.

Vua Đồng Khánh băng hà vào lúc năm cùng tháng tận, làm triều đình hết sức bối rối. Việc lựa người nối ngôi cần phải nhanh chóng để tân xuân cho có tân quân. Việc hoàng tử Bửu Lân được tôn lên ngôi do một nguyên cớ như sau: Viện Cơ mật không dám tự tiện lựa chọn tân quân nên mới cùng nhau sang tòa Khâm sứ để hỏi ý kiến.

Các quan hỏi ông Khâm sứ rằng: Hiện nay vua Đồng Khánh đã băng hà, theo ý của quý Khâm sứ thì nên chọn ai lên kế vị? Nhưng ông Diệp Văn Cương, nhân viên tòa Khâm sứ lại dịch rằng: Nay vua Đồng Khánh đã băng hà, Lưỡng Tôn Cung cùng Cơ mật đều đồng lòng chọn hoàng tử Bửu Lân lên ngôi, không biết ý kiến quý Khâm sứ thế nào?

Nho chu duong phien dich sai, vua Thanh Thai buoc len ngai vang

Chân dung vua Thành Thái.

Nghe thế, ông Khâm sứ đáp: Nếu Lưỡng Tôn Cung và Cơ mật đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thế tôi cũng xin tán thành. Thế nhưng câu này ông Cương cũng dịch ra một cách khác: Theo tôi, thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hợp hơn cả.

Thế rồi các quan Viện Cơ mật vâng lời ra về, liền đi rước hoàng tử Bửu Lân (tức vua Thành Thái sau này). Có sự sắp đặt trên do ông Diệp Văn Cương là chồng bà công nữ Thiện Niệm, con gái Thoại Thái vương. Bà Thiện Niệm là cô ruột của vua Thành Thái. Hoàng tử Bửu Lân theo mẹ là bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu Phan Thị Điều về quê ngoại khi vua Dục Đức còn sinh thời. Đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) thì theo mẹ vào ở Thành Nội lo việc hương khói ở nhà thờ của vua Dục Đức.

Lúc triều thần về đến nhà để rước hoàng tử vào cung thì bà Từ Minh Huệ đi vắng. Hoàng tử tỏ vẻ lo sợ, hỏi: Các ông đến đây làm chi? Đến để bắt tôi mà trị tội à? Các ông muốn làm gì thì làm nhưng hãy đợi mẹ tôi về đã.

Đến khi bà Từ Minh Huệ về, nghe các quan xin rước hoàng tử vào cung để tôn lên ngôi vua thì bà khóc, vì lo sợ cho tính mạng của hoàng tử khi ở ngôi vua. Thảm cảnh của chồng chết vì đói khát trong ngục, sau đó là hai vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, còn vua Hàm Nghi đang bị lưu đày, vẫn còn ám ảnh bà. Bà cố chối từ, nhưng các quan cam kết là không có việc gì đáng phải lo ngại. Lưỡng Tôn Cung, Cơ mật viện và ông Khâm sứ đã đồng lòng chọn hoàng tử lên kế vị vua Đồng Khánh. Bà Từ Minh Huệ khi ấy mới yên lòng.

Thế là hoàng tử Bửu Lân được rước vào đại nội chuẩn bị làm lễ đăng quang. Khi ấy, hoàng tử Bửu Lân tuy mới 10 tuổi, nhưng cao lớn, mạnh khỏe, nước da ngăm đen, mắt linh lợi thông minh, đã biết giữ ý tứ. Một ông thị vệ rót nước mời, hoàng tử chỉ nhìn mà không uống. Biết ý, vị quan này hớp trước một ngụm, khi đó hoàng tử mới chịu uống. Ngày mồng Một tết (31-12-1889), triều đình làm lễ chính thức tôn hoàng tử Bửu Lân lên địa vị tân quân.

Vốn sẵn thông minh, từ nhỏ đã sống chan hòa với nhân dân lao động nên nhà vua có ý thức dân chủ, muốn chia sẻ gian khổ với những lớp người cùng bần trong xã hội, muốn hiểu biết những tâm tư, tình cảm của họ, do vậy nhà vua thường vi hành, có khi hóa trang đủ cách để được tự do đi lại.

Có lần vua Thành Thái đi bách bộ trên cầu Gia Hội, gặp một người vác mấy cây tre, lính vội chạy lên dẹp đường. Nhà vua bảo: Mình dân không phải là dân, vua không phải là vua, tại sao dẹp người ta làm chi?

Vua Thành Thái thường đi bắn ở Cổ Bị, cách Huế 30km, hay ghé chơi các làng dọc bờ sông Bồ. Vào làng vua thường cho trải chiếu ngồi giữa đất. Thế là dân làng vây quanh để xem mặt vua. Nhà vua hỏi dân muốn xem chi, dân chỉ nói muốn xem bắn, nhà vua bắn cho họ xem. Lại có lúc nhà vua cải trang một người ăn mày và thực hành nghề nghiệp ấy. Ai cho gì, nhà vua cũng nhận. Chắc nhà vua muốn "thử cho biết" để hiểu sâu sắc hơn nỗi đau trần thế!

Lời bàn:

Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1858, triều đình nhà Nguyễn cứ lùi dần. Giặc đánh tới đâu triều đình lại cắt đất cầu hòa tới đó. Cho tới năm 1884, với hòa ước Giáp Thân thì nước ta cơ bản mất chủ quyền, vua chỉ còn là bù nhìn, vì khi ấy Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, còn Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ bảo hộ của thực dân Pháp. Nhà Nguyễn mất nước vì nguyên nhân chính là đã đi khác con đường với dân tộc nên xa dân, không tập trung được sức mạnh toàn dân. Và nguyên nhân sâu xa khiến họ không muốn đi chung đường với dân tộc là sợ mất đặc quyền đặc lợi hoàng gia, quý tộc.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, sự yếu hèn, nhu nhược chẳng bao giờ có thể khiến kẻ thù vị nể. Bởi thế, dẫu vua Thành Thái đã có nhiều lần đóng vai kẻ ăn mày thì cũng không sao hiểu được lòng dân khi ấy muốn gì và càng không thể tập hợp nhân dân tạo thành sức mạnh đập tan đội quân cướp nước. Và bài học này có lẽ tới muôn đời vẫn còn nguyên giá trị.


Những giai thoại kỳ lạ về các phi tần của vua Thành Thái

Trong đời sống tình cảm, Vua Thành Thái có nhiều phi tần. Điều đặc biệt là mỗi phi tần đều có một giai thoại riêng gắn liền với những điều kì lạ trong cuộc đời của họ.

Vua Thành Thái (1879 - 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Do chống Pháp, ông cùng với các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, bị đi đày tại ngoại quốc.

Cuộc đời của vua Thành Thái không chỉ gắn liền với những câu chuyện của lòng yêu nước. Ở một mặt khác, cuộc đời vua Thành Thái còn gắn liền với những giai thoại kì lạ về các phi tần của mình.

Cháu nội vua Thành Thái qua đời trong nghèo khó ở TP.HCM

(Kiến Thức) - Ông Nguyễn Phước Bảo Tài (SN 1964, cháu nội vua Thành Thái - vị vua thứ 10 của triều Nguyễn) vừa qua đời ở TP.HCM. Do hoàn cảnh nghèo khó, ông được người dân hỗ trợ 1 chuyến xe từ thiện về quê an táng.

Ngày 28/12, người thân ông Nguyễn Phước Bảo Tài (cháu nội vua Thành Thái) cho biết gia đình đang tập trung lo hậu sự. Thông qua báo chí, gia đình cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ gia đình chuyến xe miễn phí để đưa thi thể ông Tài từ TP.HCM về quê nhà ở Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ để an táng. 

Đọc nhiều nhất

Tin mới