Không khó để bắt gặp những đường làng, ngõ xóm, khu vực đông dân cư có các trụ bê tông, barie chắn lối đi của ô tô. Mục đích ban đầu của những người dựng trụ bê tông, barie là ngăn ô tô đi vào, nhưng việc này lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy. Bởi những vật cản này không chỉ cản đường đi của ô tô mà còn cản trở cả hoạt động của xe cứu hỏa khi có hỏa hoạn xảy ra.
Thực tế, đã có những vụ việc xe cứu hỏa không thể nhanh chóng triển khai hoạt động cứu nạn cứu hộ do vướng những vật cản này, khiến cho thời gian vàng thực hiện công tác chữa cháy bị bỏ lỡ rất nhiều.
Barie khiến xe cứu hỏa không thể tiếp tục di chuyển |
Đơn cử như vụ cháy tại một căn biệt thự liền kề tại khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, khi nhận được tin báo cháy, lực lượng PCCC đã nhanh chóng triển khai 3 xe chữa cháy tới hiện trường. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận hiện trường, 2 xe cứu hỏa đã bị barie ở đầu đường Kim Giang cản lối.
Lực lượng chức năng đã phải rất vất vả, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mới có thể mở khóa barie, tiếp cận đám cháy và giải cứu thành công 5 nạn nhân mắc kẹt bên trong.
Trước đó, một vụ việc tương tự liên quan tới vật cản đường ô tô chắn lối đi của xe cứu hỏa cũng đã xảy ra tại Nghệ An. Theo đó, ngày 10/7/2020, trên địa bàn xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) đã xảy ra một vụ cháy rừng kéo dài hàng chục giờ đồng hồ.
Vụ cháy này được xem là một trong những vụ cháy có thời gian chữa cháy lâu nhất trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc xe cứu hỏa bị chặn đường bởi một loạt các trụ bê tông kiên cố. Lực lượng cứu hỏa phải mất rất nhiều thời gian để phá những trụ bê tông này, khiến cho đám cháy lan rộng, thời gian chữa cháy bị kéo dài.
Thực tế cho thấy, việc lắp đặt các trụ, barie chắn lối đi với mục đích chặn ô tô đi vào tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất toàn khi xảy ra cháy nổ. Việc lắp đặt các vật cản này cũng là trái với quy định của pháp luật.
Cảnh sát PCCC phải dừng lại để tìm cách tháo barie |
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, việc phá các vật cản thông đường cho xe cứu hỏa sẽ tốn nhiều thời gian. Do xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường, việc triển khai các biện pháp cứu nạn cứu hộ sẽ rất khó khăn khi không có đầy đủ các vật dụng chuyên dụng.
“Trong những tình huống nguy cấp như thế này, dù chỉ là một phút thôi nhưng cũng có thể khiến các nạn nhân mắc kẹt bên trong thiệt mạng. Với những đám cháy lớn, việc xe cứu hỏa tiếp cận hiện trường chậm sẽ tạo cơ hội cho ngọn lửa lan nhanh hơn, rộng hơn, gây thiệt hại lớn hơn”, vị đại diện này cho hay.
Việc tự ý lắp đặt các vật cản lối đi là trái pháp luật. Điều này đã được quy định rõ tại điểm a, khoản 4, Điều 11, Nghị định 171/2013 của Chính phủ. Theo đó, những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như tự ý xây bệ, bục trái phép, tạo chướng ngại vật sẽ bị xử phạt 2-4 triệu đồng.