Vừa làm xong thủ tục tất toán sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng tại Ngân hàng SCB, Anh Tú (26 tuổi, Đống Đa) lập tức chuyển sang hình thức gửi tiết kiệm online để hưởng lãi suất cao hơn 0,25 điểm %/năm.
Anh Tú cho biết trước đây, anh thường nhờ người thân mang tiền đi gửi tiết kiệm và chủ yếu là gửi tại quầy với tâm lý cầm sổ tiết kiệm vật lý sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, khi biết các ngân hàng có chính sách lãi suất tốt hơn cho khách hàng cá nhân nếu gửi qua kênh online, anh đã quyết định thay đổi hình thức gửi tiền với kỳ vọng tối đa tiền lãi nhận được.
Thực tế, lãi suất tiết kiệm ngân hàng đã có xu hướng tăng liên tục trong nửa đầu năm nay. Dù vậy, ở kênh quầy, số ngân hàng áp dụng lãi suất trên 7%/năm khá hạn chế, các nhà băng chủ yếu dùng kênh online để tăng lãi suất tiền gửi với mong muốn thu hút dòng tiền của khách hàng.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng của khách hàng cá nhân cao nhất hiện nay là 7,55%/năm do SCB áp dụng. Ảnh: Nam Khánh. |
Tại một số nhà băng, sau gần 6 tháng đầu năm đã có tới 4 đợt tăng lãi suất, mức tăng phổ biến trong khoảng 0,5-1,5 điểm % so với cuối năm 2021. Điều này đã khiến lãi suất tiền gửi online tại nhiều ngân hàng vượt mức 7%/năm.
Theo thống kê, hiện có ít nhất 10 nhà băng trả lãi suất tiền gửi trên 7%/năm, trong đó, chủ yếu áp dụng với hình thức gửi online.
SCB hiện là ngân hàng có lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống với cả hình thức gửi tại quầy và online. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng nhà băng này áp dụng hiện nay là 7,3%/năm, tương đương khách hàng gửi 1 tỷ đồng sẽ nhận thêm 73 triệu đồng lãi suất sau 1 năm.
Đây là mức lãi suất cao nhất SCB đưa ra với biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy, áp dụng chung cho cả các khoản tiền gửi dài hơn 18 tháng.
Trong khi đó, nếu gửi online, người gửi tiền tại SCB sẽ được cộng thêm 0,15-0,3 điểm % lãi suất tùy kỳ hạn, nâng lãi suất tối đa lên tới 7,55%/năm. Đây là mức lãi suất SCB chấp nhận chi trả cho các khoản tiền gửi 18 tháng trở lên qua kênh online, đồng thời là mức lãi suất cao nhất thị trường.
Kienlongbank cũng đang trả lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất 7,3%/năm, áp dụng với các khoản gửi 36 tháng. Ở các kỳ hạn thấp hơn, Kienlongbank lần lượt đưa ra mức lãi suất 7,2%/năm với kỳ hạn 24 tháng; 7%/năm với kỳ hạn 18 tháng; 6,95%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Tại NamABank, chỉ đưa mức lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng ở 6,5%/năm và tối đa ở 6,7%/năm với kỳ hạn 18-23 tháng, nhưng nhà băng này lại chấp nhận chi trả mức lãi suất cao hơn 0,7 điểm % nếu khách hàng gửi online.
Theo đó, nếu gửi online, mức lãi suất khách hàng nhận được tại ngân hàng này sẽ là 7,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng và tối đa 7,4%/năm với kỳ hạn trên 16 tháng.
Đây là mức lãi suất cao nhất mà NamABank áp dụng cho các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, đồng thời là mức lãi suất cao thứ 2 thị trường, chỉ sau SCB.
Tương tự, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng của PVCombank chỉ là 6,3%/năm và cao nhất là 6,65%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên, tuy nhiên, trên kênh online, ngân hàng này chấp nhận trả mức lãi suất 6,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,25%/năm với kỳ hạn 18 tháng trở lên, cao hơn 0,4-0,6 điểm % so với kênh gửi tại quầy.
VietABank hiện cũng trả lãi suất tiền gửi online ở mức 6,95%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 7,2%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên. Trong khi đó, ở kênh quầy, ngân hàng chỉ đưa ra mức lãi suất tương tự ở mức 6,6%/năm và 6,9%/năm.
Ngoài nhóm ngân hàng trên, hiện hàng loạt nhà băng cũng niêm yết lãi suất tiền gửi 7%/năm trở lên như BaovietBank; Vietcapital Bank; CBBank; VietBank, LienVietPostBank…
Tuy nhiên, danh sách kể trên chủ yếu là các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần cỡ lớn có mức lãi suất thấp hơn rất nhiều.
Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện có mức lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất ở 5,5-5,6%/năm. Nếu gửi online, mức lãi suất tối đa khách hàng nhận được cũng chỉ là 6%/năm.
Tương tự, nhóm ngân hàng cổ phần cỡ lớn như Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank, SHB, HDBank… đều có mức lãi suất tiền gửi khoảng 6-6,5%/năm.
Vietcombank và nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn niêm yết lãi suất huy động khách hàng cá nhân dưới 6%/năm. Ảnh: Nam Khánh. |
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội cho biết lãi suất huy động cá nhân tại nhà băng này đã không điều chỉnh mới từ tháng 5 với nguyên nhân chính là “không thiếu tiền”.
Cụ thể, vị này cho biết cuối năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao của nền kinh tế, ngân hàng đã nhiều lần tăng lãi suất huy động để hút dòng tiền từ người dân. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng gần chạm trần Ngân hàng Nhà nước giao đã khiến doanh số cho vay mới giảm mạnh.
“Hiện chúng tôi đang xin NHNN nới thêm room tín dụng để có dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm. Khi nào chưa được nới room tín dụng thì áp lực huy động của ngân hàng chưa quá lớn”, vị này chia sẻ.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết ngân hàng này không nằm trong nhóm gần cạn room tín dụng trong nửa đầu năm nay, vì vậy nhu cầu vốn đầu vào để phục vụ cho vay của nhà băng vẫn có.
Tuy nhiên, vị này cho biết áp lực huy động vốn của ngân hàng cũng không quá lớn, bằng chứng là lãi suất huy động cá nhân chủ yếu vẫn dưới 6%/năm. Duy nhất kỳ hạn 60 tháng được LienVietPostBank áp dụng mức lãi suất 6,99%/năm với mục tiêu thu hút dòng tiền dài hạn.
“Hiện nay, cá nhân đi vay rất ít ngân hàng có thể giải ngân trên 10 tỷ đồng, nhưng ở LienVietPostBank thì có thể, bởi dư địa tín dụng vẫn còn. Các khách hàng tốt, có nhu cầu vay chính đáng đều được xem xét đáp ứng”, vị phó tổng giám đốc này nhấn mạnh.