Nhiều doanh nghiệp bất động sản “chết” theo gói 30.000 tỷ

Chỉ còn vài ngày nữa, gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức kết thúc, hiện có không ít doanh nghiệp đang "khóc dở mếu dở".

Đây cũng là lúc nhiều chủ đầu tư tăng tốc độ xây dựng để được giải ngân, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp hiện đang "khóc dở mếu dở".
Lo ế nhà xã hội
Là chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội có quy mô 1.900 căn hộ tại Hà Đông, đại diện doanh nghiệp cho biết đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là khi gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc cũng có nghĩa là sự hấp dẫn của loại hình căn hộ giá rẻ này sẽ không còn, người mua sẽ cân nhắc nhiều hơn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ông Phạm Minh Tuấn, phó giám đốc của một công ty xây dựng, bức xúc: “Doanh nghiệp chúng tôi giờ đang là nạn nhân của gói 30.000 tỷ đồng. Vì đúng vào thời điểm dự án chúng tôi đầu tư được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh thì gói tín dụng này khép lại”.
Theo ông Tuấn, trong lễ mở bán, chủ đầu tư đã tiếp nhận hồ sơ cùng hàng nghìn lá đơn đăng ký mua nhà. Nhưng khi gói 30.000 tỷ kết thúc, những tờ giấy này đành "nằm im" trong ngăn bàn.
Hầu hết những người có nhu cầu vay gói 30.000 tỉ đều thuộc nhóm có thu nhập thấp, do đó khi gói vay này kết thúc thì nhu cầu của họ gần như trở về 0. “Hàng ngày, chúng tôi phải trả lời rất nhiều khách hàng với cùng một câu hỏi: bao giờ có gói tương tự như vậy?”, ông Tuấn nói.
Đại diện doanh nghiệp trên cũng đánh giá, nhu cầu nhà ở xã hội là rất cấp thiết và cấp bách bởi đối tượng mua là đều là những người có nhu cầu ở thật. Về mặt chính sách, Chính phủ cũng đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Tôi nghĩ Chính phủ nên sớm ban hành chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn đối với loại hình nhà ở này. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng rất mong độ trễ của chính sách từ chủ trương đến thực hiện được rút ngắn và xác định thời điểm cụ thể sẽ được thực thi”, ông Tuấn nêu kiến nghị.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, giám đốc một doanh nghiệp nhà giá rẻ khác tại Hà Đông cho hay, các dự án của doanh nghiệp đã bán hết trước đó do được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng. Nhưng hiện tại ông đang lo lắng, sắp tới đây, nếu không có gói ưu đãi nào cho nhà ở xã hội thì doanh nghiệp của ông sẽ phải cân nhắc lại các dự án trong tương lai để đảm bảo đầu ra.
Ngoài ra, do chạy nước rút nên thị trường đang xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng để giải ngân. Theo bản tin Tài chính kinh doanh VTV1 lúc 7h sáng ngày 18/5, thị trường đã có hiện tượng cò mồi (có thể có quan hệ với chủ đầu tư) móc nối với khách hàng đã vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng ký khống biên bản bàn giao nhà để được giải ngân đến 95% hợp đồng vay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, nếu việc này xảy ra chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho người vay và có thể cho cả ngân hàng, vì chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn này vào các mục đích khác mà không hoàn thành bàn giao nhà; chưa kể người vay còn bị thiệt vì sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn do việc giải ngân sớm.
Đang hoàn thiện gói ưu đãi mới
Theo báo cáo giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tính đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho vay 30.122 tỉ đồng với 46.246 khách hàng, và đã giải ngân theo tiến độ được 21.321 tỉ đồng (đạt 71%).
Mới đây Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (Horea) và Bộ Xây dựng đề xuất, Ngân hàng Nhà cũng nước đã báo cáo và đã được Chính phủ đồng ý cho tiếp tục giải ngân đến hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Đồng thời, vào ngày 28/3/2016, Ngân hàng Nhà nước còn có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD thông báo về việc chấm dứt nhận hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kể từ ngày 31/3/2016.
Việc Ngân hàng công bố thời điểm kết thúc nhận hồ sơ là cần thiết vì tổng giá trị hợp đồng cam kết cho vay tính đến ngày 10/3/2016 đã vượt quá hạn mức 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có văn bản nào về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30/03/2016 của Chính phủ.
Do đó, đại diện Horea kiến nghị, cần thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi với gói 30.000 tỉ đồng của từng ngân hàng thương mại cụ thể. Sau ngày 31/05/2016, các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng vay cho đến khi hết hợp đồng theo tiến độ cũng như điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng, tạo sự an tâm cho cả doanh nghiệp và người vay.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đối với các doanh nghiệp, khi chuyển sang lãi suất thương mại thì doanh nghiệp phải tính vào sản phẩm của họ do đó sẽ đẩy giá bán tăng. Đây cũng là lý do khiến Horea tiếp tục kiến nghị Chính phủ, nếu các doanh nghiệp đã ký hợp đồng rồi thì sẽ tiếp tục được giải ngân với lãi suất như quy định.
Trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ cũng có quy định về 2 nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ giá rẻ.
Ông Nam cho biết, Ngân hàng nhà nước hiện đã có những bước triển khai ban đầu. Theo đó, những ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải trích 3% tổng dư nợ của mình để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội. Tỉ lệ này tương đương khoảng 300.000-400.000 tỉ đồng - một con số tương đối lớn. Gói này cũng không có giới hạn khi nào dừng.
Theo đó, Ngân hàng nhà nước sẽ chỉ định 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank phải xúc tiến việc này và ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn điều kiện, cách thức cũng như đối tượng cho vay, nội dung tương tự như gói 30.000 tỉ đồng.
Cũng theo ông Nam, hiện tại các ngân hàng thương mại chưa triển khai gói vay này vì họ phải giải ngân xong gói 30.000 tỉ đồng. Trong thời gian này, ngân hàng chính sách được cấp vốn từ chính sách, sẽ huy động vốn từ thị trường để cho doanh nghiệp và người dân vay mua nhà ở xã hội. Ngân hàng chính sách sẽ là đơn vị đứng ra xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ với những điều kiện tương tự như gói 30.000 tỉ.
“Như vậy thay vì gói 30.000 tỉ, giờ người dân và doanh nghiệp có 2 nguồn vay là các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách. Bộ Xây dựng hiện đang phối hợp cùng ngân hàng chính sách triển khai hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ”, ông Nam cho biết.

Quốc Cường Gia Lai trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng?

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (công ty QCGL) khẳng định không trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng.

Cụ thể, tại bản tin Chào buổi sáng, được phát sóng trên kênh truyền hình VTV1, ngày 3/9/2015 có đoạn phóng sự liên quan đến gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng và “những chiêu trò tinh vi lách luật để trục lợi” từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng này.
Quoc Cuong Gia Lai truc loi tu goi 30.000 ti dong?
Ông Nguyễn Quốc Cường - khẳng định không bán giá thấp rồi thu chênh lệch ngoài nhằm hưởng lợi từ gói 30.000 tỉ đồng.
Theo đó, bản tin phóng sự này có đề cập đến dự án chung cư nhà ở xã hội 6B Bình Chánh do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Công ty QCGL) làm chủ đầu tư. Đoạn clip này có ghi hình một nhân viên tư vấn cho khách hàng về giá bán căn hộ, phần chênh lệch thu thêm vượt quá mức 1,05 tỉ đồng - đối tượng xét hỗ trợ gói 30.000 tỉ đồng. Nhân viên tư vấn này còn cho biết phần chênh lệch sẽ được “đóng trực tiếp cho chủ đầu tư là QCGL và công ty sẽ không xuất hóa đơn cho phần chênh lệch này.
Tuy nhiên, trong đoạn clip này, người phát ngôn với khách hàng về cách lách luật lại là nhân viên Công ty TNHH DV-ĐT-XD Bất động sản Nam Tiến (Công ty Nam Tiến).
Được biết, Công ty Nam Tiến là sàn môi giới đang thực hiện hợp đồng với công ty QCGL. Công ty này chịu trách nhiệm bán 20 % số lượng căn hộ của dự án nhà ở xã hội với giá bán nhà ở thương mại.
Theo hợp đồng, dự án nhà ở xã hội 6B Bình Chánh do công ty QCGL làm chủ đầu tư. Dự án này được chào bán từ năm 2014 và chuẩn bị giao nhà vào quý IV/2015.
Dự án này bao gồm 572 căn hộ. Để hỗ trợ và khuyến khích các chủ đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội, các cơ quan đã có chính sách cho phép Chủ đầu tư được bán 20% trên tổng dự án là căn hộ thương mại. Do đó, dự án 6B Bình Chánh có 117 căn hộ được chào bán dưới hình thức là căn hộ thương mại. Để bán các căn hộ này, Công ty QCGL đã ký hợp đồng phân phối các căn hộ trên với công ty Nam Tiến.
Khi clip được phát sóng, Công ty QCGL cho biết rất ngạc nhiên và bức xúc trước những thông tin trên. QCGL cho rằng việc phát ngôn của nhân viên công ty Nam Tiến đã vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Công ty QCGL.
Công ty này khẳng định không thu bất kỳ khoản chênh lệch nào ngoài hợp đồng cũng như không xuất hóa đơn theo như lời tư vấn của người nhân viên bán hàng.
Trong một diễn biến khác, Công ty QCGL cho hay, ngay sau khi nhận được công văn từ phía QCGL, Nam Tiến đã nhận lỗi về việc phát ngôn sai lệch thông tin trong quá trình tư vấn bán hàng.
Công ty QCGL khẳng định không trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng với các lý do sau đây: “diện tích căn hộ lớn nhất của dự án cũng chỉ 70m2, giá bán dưới 15.000.000/m2, như vậy tổng giá trị căn hộ chưa đến 1,05 tỉ đồng thì không có lý do gì để công ty QCGL thu tiền chênh lệch. Hiện nay, công ty QCGL vẫn đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đối với nhà ở xã hội. Trường hợp nhân viên môi giới sàn Nam Tiến tư vấn trong bản tin là lỗi hoàn toàn do nhân viên sàn Nam Tiến hiểu sai vấn đề từ giá căn hộ nhà ở xã hội và giá căn hộ nhà ở thương mại.”
Công ty này cho biết đã có công văn chấm dứt Hợp đồng phân phối nhà ở thương mại với công ty Nam Tiến. Ngoài ra, công ty này còn yêu cầu Nam Tiến có công văn gửi các cơ quan ban ngành và báo chí để giải trình vì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty QCGL. Đồng thời, đề nghị công ty Nam Tiến bồi thường thiệt hại cho công ty QCGL cho hành vi vi phạm trên.

Bộ Xây dựng đề nghị kéo dài thời hạn vay gói 30.000 tỉ

(Kiến Thức) - Bộ Xây dựng đề nghị NHNN xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói 30.000 tỉ hỗ trợ nhà ở thì kéo dài thời hạn giải ngân.

Bộ Xây dựng vừa mới có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục thực hiện giải ngân gói 30.000 tỉ đồng tín dụng hỗ trợ nhà ở.
Theo đó, để bảo đảm sự nhất quán và ổn định đối với chính sách hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói hỗ trợ này thì kéo dài thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Làng hương cổ ở Hà Nội tất bật hàng Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu (Hà Nội) lại tất bật. Khắp các xưởng, không khí lao động trở nên hối hả, máy móc hoạt động hết công suất.