Quý 3 là một quý rất đặc biệt của thị trường chứng khoán khi chứng kiến đợt lây nhiễm COVID-19 tái bùng phát lần thứ 2. VN-Index tạo đáy trong tháng 7, sau đó lội ngược dòng ngoạn mục, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng hàng đầu thế giới trong 2 tháng 8 và 9.
Kết thúc phiên giao dịch 30/9, VN-Index đạt 905,21 điểm, tương đương mức tăng 9,71% so với quý trước. Thanh khoản duy trì ở mức cao gần 6.600 tỷ đồng/phiên, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn tới việc thu hút nhiều nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) gia nhập vào thị trường.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán tiếp tục ở mức cao. Tính đến hết quý 3 đạt trên 80.000 tài khoản, chiếm trên 30% toàn thị trường.
“Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều bất định, lãi suất huy động lại liên tục giảm, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hoặc bất động sản, bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây”, báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2020 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Với những yếu tố này, đa phần các công ty chứng khoán đều hưởng lợi khi báo doanh thu cùng lợi nhuận lớn.
Các công ty chứng khoán lãi lớn quý 3/2020. |
Theo Báo cáo tài chính riêng quý 3, Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 966 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận trước thuế đạt 409 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu đạt 3.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.076 tỷ đồng, tăng lần lượt 45% và 35% so với 9 tháng năm 2019. Đây cũng là mức doanh thu 9 tháng cao nhất trong lịch sử hoạt động của SSI.
Với kết quả này, Công ty vượt 24% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm sau 9 tháng.
Một công ty chứng khoán khác cũng có sự tăng trưởng đáng kể là Chứng khoán TP.HCM (HSC). Trong quý 3, Công ty ghi nhận 514 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Ở kỳ này, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu danh thu của HSC là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với 194 tỷ đồng, tăng vọt 66% so với cùng kỳ.
Trong đó, lãi bán các tài sản tài chính FVPL tăng từ 91 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL ở mức 20 tỷ đồng, phần cổ tức, tiền lãi phát sinh tăng từ 26 tỷ đồng lên 51 tỷ đồng.
Mảng môi giới tăng 27% lên 149 tỷ đồng, nhưng phần lãi từ cho vay và phải thu giảm nhẹ 3% xuống còn 137 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kỳ này tăng mạnh 46% lên 295 tỷ đồng. Kết quả, HSC báo lãi sau thuế quý 3 đạt 142 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của HSC tăng 22% lên gần 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 393 tỷ đồng, thực hiện gần 87% kế hoạch cả năm 2020.
Còn tại Chứng khoán VNDirect (VND), trong quý 3, mảng kinh doanh mang lại doanh thu cao nhất là hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn, đạt 194 tỷ đồng, tăng trưởng 113% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán đạt 112 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và lãi từ các hoạt động cho vay và phải thu ghi nhận lần lượt 84 tỷ đồng và 75 tỷ đồng.
Đồng thời, tổng chi phí trong kỳ của Công ty báo giảm 22%, ghi nhận 197 tỷ đồng. Trong đó, chi phí hoạt động kinh doanh giảm mạnh nhất (45%) xuống còn 40 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu hoạt động đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó đóng góp nhiều nhất là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 416 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu và doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 300 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu.
Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 446 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3/2020 với lợi nhuận sau thuế hơn 37 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, diễn biến tích cực của thị trường trong quý 3 đã giúp hoạt động tự doanh ghi nhận kết quả tích cực, đồng thời hoàn nhập được một phần lớn chi phí chênh lệch giảm giá tài sản tài chính đã trích lập trước đó.
Tính tới cuối quý 3, giá trị danh mục cổ phiếu FVTPL của VDSC có giá trị gốc 259 tỷ đồng và giá trị thị trường 215 tỷ đồng, bao gồm cá cổ phiếu DIG, DRC, PC1, PVT, BSR…
Bên cạnh đó, các mảng hoạt động khác như môi giới, cho vay ký quỹ vẫn duy trì tích cực, đóng góp vào hiệu quả hoạt động công ty. Dư nợ cho vay và ứng tiền bán của VDSC tính tới cuối quý 3 có giá trị 1.729 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với quý trước.
Lũy kế 9 tháng, VDCS ghi nhận 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, VDSC đặt kế hoạch lãi sau thuế 36 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện được sau 9 tháng, Công ty đã hoàn thành vượt 39% chỉ tiêu đề ra.