Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ Thành phố Hà Nội vượt 57 xe công so với tiêu chuẩn, đến nay vẫn chưa sắp xếp xong. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn. |
Vượt tiêu chuẩn, định mức
Cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm.
Như vậy ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm, số tiền này tương đương thu ngân sách trong 1 năm của nhiều địa phương gồm Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang… cộng lại. Chưa kể đến số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng để sắm số lượng xe công.
Trên thực tế, từ năm 2015 đã có chủ trương khoán xe công và triển khai nhân rộng ra nhiều bộ ngành, một số địa phương.
Năm 2018, Chính phủ tạm dừng việc mua sắm ô tô theo chức danh, ô tô phục vụ công tác chung, ô tô chuyên dùng. Năm 2019, Chính phủ tiếp tục thực hiện theo đề nghị “Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền và mua sắm xe công” của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Nhằm tối ưu hóa việc sử dụng xe công, tránh lãng phí ngân sách, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 25/2/2019. Thủ tướng ban hành quyết định 213 Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm chống lãng phí với mục tiêu 2020 sẽ giảm 30% số lượng xe công.
Sau đó, Bộ Tài chính lại có Thông tư 24 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2019.
Theo thống kê, có gần 20 bộ, ngành địa phương thực hiện thí điểm khoán xe công như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ TT&TT, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ NN&PTNT, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng…
Việc khoán xe công tưởng chừng như có thể tiết kiệm ngân sách một khoản lớn song kết quả chưa được như kỳ vọng.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội đầu năm 2019, một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán có số ô tô vượt định mức so với quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Cụ thể, Bộ NN&PTNT có 101 xe dùng chung, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có 95 xe.
Ngoài ra, một số địa phương sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn định mức như: thành phố Hà Nội (vượt 57 xe); tỉnh Ninh Bình (Chi cục Kiểm lâm vượt 3 xe); Tiền Giang (huyện Cái Bè vượt 3 xe); Kon Tum (vượt 4xe)…
Theo thông tin Tiền Phong nắm được, đến nay các bộ ngành, địa phương vẫn chưa có báo cáo cuối cùng về việc sắp xếp, bố trí lại số lượng xe công phù hợp theo quy định.
Xe công đón người nhà, dự tiệc cưới
Tình trạng lạm dụng xe công, bất chấp các quy định hiện hành diễn ra thường xuyên tại nhiều bộ ngành địa phương như dùng xe công đưa đón người không đủ tiêu chuẩn, đi dự tiệc cưới, lễ hội, xe công vào tận chân máy bay đón người nhà lãnh đạo Bộ…
Mới nhất, cuối tháng 9 vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng kiểm điểm một số cán bộ, đảng viên sử dụng xe công đi dự tiệc cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng. Trong 3 ngày (19 - 21/7) diễn ra tiệc cưới của con trai bà Đào, xuất hiện nhiều ô tô biển xanh của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khác như Bạc Liêu, Cần Thơ, Bến Tre...đến chung vui.
Đầu tháng 4/2019, dư luận xôn xao ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình thường đi làm trên chiếc ô tô có 2 biển số xanh, trong đó có một chiếc mang biển kiểm soát 80B.
Sau 2 năm triển khai khoán xe công cho 8 đơn vị, UBND TP Hà Nội cho biết có 52 người được khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 người và khối quận, huyện là 32 người. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc với lãnh đạo HĐND TP Hà Nội đầu năm 2019, lãnh đạo huyện Gia Lâm phản ánh nhiều bất cập như: Dù thực hiện thí điểm khoán xe công, nhưng có một việc rất vô lý là những đơn vị như Viện Kiểm sát, Tòa án, một số đơn vị ở huyện lại được cấp xe công mới, trong khi lãnh đạo huyện không có xe đi.
“Đơn vị không thí điểm thì họ vẫn sử dụng xe công bình thường. Chỉ có mấy ông chuột bạch là khổ thôi. Tôi kiến nghị quay trở lại như cũ cho đỡ khổ. Cũng chẳng ai dám đi xe biển xanh đi lễ hội hay đi việc riêng đâu”, một lãnh đạo cấp sở ở Hà Nội ngậm ngùi.
Liên quan đến công tác sắp xếp, bố trí lại xe công, khi được hỏi “Bộ NN&PTNT đã sắp xếp, điều chuyển và thanh lý số ô tô công được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị đầu năm chưa”, ông Nguyễn Văn Hà - Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ NN&PTNT cho hay: “Bộ đã sắp xếp lại, giảm rất nhiều số lượng xe công. Bộ Tài chính đang yêu cầu Bộ NN&PTNT đánh giá lại thêm hiệu quả của các xe chuyên dùng trước đây, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và cho ý kiến về định mức xe chuyên dùng đối với Bộ NN&PTNT. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện trước thời hạn, những xe nào quá thời hạn sẽ thực hiện bán đấu giá theo quy định”.
Trong cuộc trao đổi ngày 17/10, lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) xác nhận với phóng viên Tiền Phong: “Theo quy định của Chính phủ, đến 31/12/2019, các bộ ngành, địa phương phải hoàn thiện báo cáo kết quả rà soát, sắp xếp lại xe công. Hiện, họ vẫn đang triển khai, chưa có báo cáo kết quả cuối cùng”.
Khi được hỏi, đến nay có những lãnh đạo bộ ngành, địa phương nào tự nguyện khoán xe công? Lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, việc này phải chờ các bộ ngành, địa phương rà soát, sắp xếp xong xe công, dựa trên thực tế đó họ mới triển khai cho hợp lý.
Hà Nội thí điểm khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố đã được 2 năm. Theo tính toán, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng của các đơn vị là 1,771 tỷ đồng, trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.
Tại TPHCM, việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được triển khai từ tháng 5/2018 tại 5 đơn vị, giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm.