Nhập khẩu chính ngạch ồ ạt, hàng lậu tràn vào
Trao đổi với PV. VietNamNet, giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô 1,2 triệu con than thở, hàng nhập về quá rẻ, gà đẻ thải loại trong nước không thể cạnh tranh.
Vị giám đốc cho hay, quy mô đàn gà đẻ của doanh nghiệp khá lớn, hết kỳ khai thác trứng sẽ được bán làm gà thịt. Lượng gà này được các đại lý nhập, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, gà đẻ thải loại từ Thái Lan tràn về số lượng lớn. Thông tin doanh nghiệp nắm được, tại chợ Hà Vỹ (chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc), có những ngày lượng gà đẻ thải loại sống (nhập lậu từ Thái Lan) lên tới hơn 20.000 con, giá chỉ 47.000-48.000 đồng/kg.
"Giá rẻ vậy làm sao gà cùng loại trong nước có thể cạnh tranh", vị này bức xúc. Với gà đẻ loại thải, doanh nghiệp vẫn bán được với giá 74.000 đồng/kg, song khi hàng lậu đổ bộ rớt xuống chỉ còn 54.000 đồng/kg - mức giá đã lỗ.
Gà thải loại từ nước ngoài đang ồ ạt về Việt Nam (Ảnh: IT) |
Đáng nói, sức tiêu thụ trên thị trường đang sụt giảm mạnh. Mặt hàng trứng gia cầm bán cho kênh bếp ăn tập thể đã giảm 30-40%. Thịt gà cũng khó bán do không cạnh tranh nổi với hàng nhập, vị giám đốc lo ngại.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), tính đến hết tháng 4/2023, nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 407,5 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá nhập khẩu nhóm mặt hàng này luôn ở mức thấp. Tháng 1 năm nay, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam ở mức 2.092 USD/tấn (chưa đến 50.000 đồng/kg).
Trong năm 2022, Việt Nam cũng chi 1,52 tỷ USD để nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm trước đó.
Báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, hai năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm lên tới gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất trong nước chỉ 6,14%. Cụ thể, năm 2021, nhập khẩu các sản phẩm gia cầm 225.000 tấn; năm 2022, nhập 246.575 tấn sản phẩm đã qua giết mổ và gà sống nhập về dùng để giết mổ là 6.603 tấn, tăng 100,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, đùi gà là sản phẩm được nhập về nhiều với số lượng 100.441 tấn. Tiếp đến là chân gà với 43.695 tấn, thịt gà nguyên con khoảng 43.309 tấn, thịt gà xay 25.671 tấn, cánh gà 22.628 tấn. Ngoài ra, còn nhập cổ gà, da gà, ức gà,... với 10.832 tấn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta nhập gần 51.000 tấn thịt gà.
Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, đây là con số nhập khẩu chính thức. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn gà đẻ loại (gà sống) được đưa trái phép qua biên giới vào Việt Nam.
Theo ước tính của VIPA, năm 2022, sản lượng gà thịt nhập khẩu chiếm khoảng 20-25% trong tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Đây là con số cực kỳ lớn, gây áp lực với sản phẩm gia cầm nội địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi tổng cầu giảm còn tổng cung lại tăng mạnh.
Thịt 'ngoại' quá rẻ, hàng nội bị đè bẹp
Giữa bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào, sức tiêu thụ giảm mạnh, hàng nhập tràn về với giá rẻ khiến hàng nội bị đè bẹp.
Ông Bùi Ðức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, cho hay, người tiêu dùng Việt Nam thích ăn đùi gà hơn lườn gà, trong khi giá trị dinh dưỡng của lườn gà cao gấp 3 lần đùi gà. Bởi vậy, đùi gà nhập khẩu giá rẻ vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
"Một đơn vị cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, một tháng họ nhập về 200 tấn đùi gà nhưng chỉ mua của CP 20 tấn đùi gà tươi", ông nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân, nội tạng (còn gọi là gà dai) được nhập chủ yếu từ Hàn Quốc và một số nước với khối lượng lớn, giá bán chỉ 32.000-35.000 đồng/kg tại thị trường Việt Nam. Đây là thách thức lớn cho sản xuất gà ta trong nước.
Ghi nhận trên thị trường hiện nay, các loại thịt lợn được rao bán với giá siêu rẻ. Một số đầu mối ở Hà Nội đang bỏ sỉ sườn que chỉ 18.000-25.000 đồng/kg; móng giò sau 23.000-26.000 đồng/kg, móng giò trước từ 26.000-30.000 đồng/kg; sườn lợn 65.000 đồng/kg; tim và lưỡi lợn 42.000 đồng/kg; thịt ba chỉ rút xương 87.000 đồng/kg, loại có sườn 67.000 đồng/kg; khoanh giò nạc 56.000 đồng/kg, cốt lết 68.000 đồng/kg,...
Trong khi đó, các bếp ăn tập thể, quán ăn thường chuộng các loại thịt nhập do giá rẻ.
Anh Phan Văn Trung - Trưởng phòng kinh doanh một công ty chăn nuôi ở Hà Nội - cho hay, các bếp ăn trong khu công nghiệp phần lớn chọn thịt 'ngoại' để chế biến suất ăn cho công nhân. Khi giá rẻ, họ nhập về với số lượng lớn. Giờ trong kho của nhiều doanh nghiệp vẫn trữ đầy các loại thịt nhập khẩu chưa dùng hết.
"Các suất ăn cho công nhân thường có giá trung bình thấp nên họ phải chọn nguyên liệu có giá phù hợp", anh Trung giải thích.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi lợn nhận xét, nhập khẩu giống lợn ông bà, cụ kỵ ở nước ngoài về Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều loại giấy tờ, hoạt động kiểm soát dịch cũng vô cùng khắt khe. Thế nhưng, nhập khẩu thịt lại khá dễ dãi, doanh nghiệp có nhu cầu thì có thể nhập được ngay.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, nhấn mạnh, nhập khẩu chính phẩm qua đường chính ngạch giá rất cao. Song Việt Nam lại chưa có rào cản về hàng phụ phẩm nên trên thị trường hàng phụ phẩm giá rẻ gần như cho. Thế nên, người chăn nuôi khó mà cạnh tranh được.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhìn nhận, khi Việt Nam gia nhập sân chơi WTO và các hiệp định thương mại tự do, sản phẩm chăn nuôi từ các nước xuất vào nước ta là điều khó tránh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước thì Việt Nam sẽ thành bến đỗ của nhiều sản phẩm chăn nuôi giá rẻ trên thế giới.
"Tình trạng này vẫn tiếp diễn mà không có biện pháp kiểm soát, sản xuất gia cầm trong nước sẽ ngày càng khó, chưa kể nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng", ông Sơn cảnh báo.