Tháng 7 năm 2013, vị đầu bếp yêu thích của mạng xã hội Facebook - ông Josef Desimone - đã qua đời trong một vụ tai nạn xe máy. Để tưởng nhớ ông, thứ bảy một tháng sau đó, công ty này tổ chức một buổi tiệc hoành tráng trong khuôn viên trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Buổi tiệc vén màn nội bộ phức tạp
Hàng trăm khách khứa, nhân viên của Facebook đã ghé thăm và tham gia truy niệm cuộc đời ông Desimone. Tuy nhiên, buổi tiệc rơi vào hỗn loạn không lâu sau khi bắt đầu.
Nhiều cuộc ẩu đả diễn ra, nhân viên bảo an cho rằng việc này có liên quan đến các băng đảng. Đỉnh điểm là khi một nhân viên nhà bếp bị đánh thậm tệ bởi một người tham dự khác, khiến cả hai phải nhập viện.
Một buổi tiệc của Facebook vào năm 2015 tại công viên Menlo, California, mỹ (đây không phải là buổi tiệc được nhắc đến trong bài). Ảnh: Steve Jennings. |
Kẻ tấn công này đã bị cấm vào khuôn viên của Facebook sau đó nhưng hắn vẫn tiếp tục lẻn về để thăm mẹ - người cũng đang làm việc tại đây.
Vụ việc đã cho thấy rõ những thách thức mà đội ngũ an ninh của Facebook phải đối mặt. Họ không chỉ phải ứng phó với những mối nguy hại bên ngoài, mà đôi lúc phải bảo vệ được nhân viên khỏi một người đồng nghiệp khác.
Theo các tài liệu nội bộ, có hẳn một thế giới ngầm đằng sau công ty. Nạn theo dõi, đánh cắp các mẫu thử nghiệm, gián điệp từ chính phủ, vấn đề bom xe và rất nhiều các hiểm hoạ tương tự vẫn đang diễn ra đòi hỏi Facebook phải thận trọng xử lý.
Hiện có 6.000 người trong tổ chức an ninh Facebook hoạt động tích cực để đảm bảo an toàn cho 80.000 nhân viên, lực lượng lao động nòng cốt của công ty này trên khắp thế giới.
Ăn cắp, quan hệ tại văn phòng
Cũng theo nguồn tài liệu này, nhiều năm trước, sau vụ việc một lượng lớn tai nghe của nhân viên biến mất, Facebook đã cho lắp đặt camera di động bí mật để giám sát khu vực bàn làm việc. Nhờ đó bắt được nhân viên ăn cắp để bán lại chúng trên mạng.
Thung lũng Sillicon vốn có truyền thống cởi mở. Nhưng cũng vì thế mà gây ra nhiều sự vụ phức tạp, chẳng hạn như một lần mẫu thử nghiệm cũ của chiếc tai nghe thực tế ảo Oculus bị đánh cắp.
Nội bộ Facebook phức tạp hơn nhiều các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon. |
Cũng như nhiều công ty khác ở đây, Facebook không có camera giám sát trong văn phòng. Cùng với thiết kế kiểu mở, số lượng nghi phạm có thể lên đến hàng trăm người. Sẽ chẳng có cách nào để bộ phận an ninh có thể loại suy được thủ phạm và tìm lại được mẫu tai nghe thử nghiệm đó.
“Một môi trường văn phòng mở là rất cần thiết để thúc đẩy tính hợp tác trong công việc. Công ty đã xác định rõ điều này và chúng tôi sẵn lòng chấp nhận những rủi ro mà nó có thể gây ra. Trách nhiệm của chúng tôi ở việc giảm thiểu tối đa những rủi ro đó” – Ông Nick Lovrien, giám đốc an ninh của Facebook cho hay.
Nhiều biện pháp đã được đưa ra. Từ việc chủ động sàng lọc thông qua trí thông minh nhân tạo đến phương án đặt các trạm kiểm soát vật lý ngay tại chỗ và quản lý chu vi của văn phòng.
Ít nhất, một nhân viên đã bị bắt gặp vì cho phép khách du lịch tham quan trái phép. Và cứ mỗi 3 tháng, Facebook lại phát giác một vài cặp đôi nhân viên quan hệ tình dục trong văn phòng (phòng nhân sự có thể nhận được cảnh báo, nhưng cặp đôi thì không bị sa thải).