"Là một bậc phụ huynh, tôi sẽ không lựa chọn mua cho con mình những sản phẩm có người đại diện thương hiệu như Thơ Nguyễn. Tôi mong hãng sữa Kun không để Thơ Nguyễn làm người đại diện và thu hồi những sản phẩm có in hình Thơ Nguyễn để tránh ảnh hưởng xấu tới con trẻ", chị Hoa (Hà Nội) chia sẻ.
Người mẹ này tỏ ra bức xúc khi đã gần một tháng sau sự xuất hiện của các video “xin vía học giỏi” nhưng thương hiệu sữa trẻ em của Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) vẫn chưa có động thái rõ ràng nào trước bê bối của người đại diện. Có chăng, fanpage của nhãn hàng chỉ âm thầm xóa các bài đăng có hình ảnh và thông tin của Thơ Nguyễn.
Trao đổi với Zing, ông Tuấn Hà - nhà sáng lập kiêm CEO Vinalink - cho biết khủng hoảng truyền thông xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó khủng hoảng liên quan đến chất lượng sản phẩm dễ dẫn đến tâm lý tẩy chay của người tiêu dùng và làm sụt giảm doanh số.
Thương hiệu nhỏ dễ dãi khi chọn người đại diện
Trong trường hợp của sữa Kun, khủng hoảng truyền thông lần này liên quan đến hình ảnh của người đại diện. Ông Tuấn Hà nhận định đây là sản phẩm ở phân khúc bình dân nên chỉ khi chất lượng có vấn đề, nhãn hàng mới chịu thiệt hại.
Thơ Nguyễn trong một chương trình quảng bá thương hiệu sữa Kun. Ảnh: ST. |
"Chính vì vậy, không chỉ sữa Kun mà nhiều nhãn hàng khác vẫn sẵn sàng mời Thơ Nguyễn quảng cáo bất chấp nội dung độc hại trong các video đăng tải trên mạng xã hội của nhân vật này và các rủi ro về khủng hoảng có thể kèm theo", ông Tuấn Hà phân tích.
Chiến lược đánh đổi một cách bất chấp này hoàn toàn khác với các nhãn hàng cao cấp hoặc có giá trị lớn như thời trang, mỹ phẩm, đồ điện tử... Để người tiêu dùng chịu bỏ ra số tiền lớn mua hàng, các nhãn hàng cao cấp thường đòi hỏi hình ảnh người đại diện nhất quán với chất lượng sản phẩm, từ đó việc lựa chọn người đại diện trở nên khắt khe hơn.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, cũng cho biết đây là lý do một số thương hiệu bình dân chấp nhận nguy cơ để tiếp tục làm việc với người nổi tiếng đang vướng rắc rối.
Nói như ông Tuấn Hà, đây sẽ là cuộc chiến giữa người mua và người dùng sản phẩm, mà có thể người mua ở vị thế "yếu" hơn. "Phụ huynh có thể vẫn mua sữa Kun để chiều theo sở thích của con trẻ", ông nói.
Bất chấp tiếng xấu
CEO Vinalink cho rằng sự bất chấp của các nhãn hàng đã vô tình tiếp tay, cổ vũ cho những nhân vật như Thơ Nguyễn tiếp tục sản xuất nội dung độc hại. Ông khẳng định đây chính là mặt trái của xã hội hiện nay.
"Bản chất của Thơ Nguyễn đã như vậy thì đến khi quay lại làm YouTuber, TikToker vẫn sẽ làm ra những video tương tự, trừ khi cô ấy thực sự 'rửa tay gác kiếm'. Một số nhãn hàng sẽ tiếp tục bất chấp tiếng xấu, mời Thơ Nguyễn quảng cáo nếu nhân vật này còn có sức ảnh hưởng", ông Tuấn Hà cảnh báo.
Không chỉ làm người đại diện và trực tiếp quảng cáo cho các thương hiệu, thu nhập của Thơ Nguyễn còn đến từ việc cho phép các doanh nghiệp quảng cáo trên kênh YouTube.
Theo Chi cục Thuế TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), Thơ Nguyễn nộp khoảng 1,4 tỷ đồng tiền thuế năm 2019, hơn 300 triệu đồng năm 2020 và trên 200 triệu đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay.
Phần thuế này chiếm 7% tổng thu nhập theo mức thuế áp dụng cho thu nhập từ YouTube, Google... Như vậy, ước tính trong 3 năm qua, số tiền Thơ Nguyễn thu về từ hình thức này khoảng 28 tỷ đồng.
Trên quan điểm về đạo đức xã hội, ông Tuấn Hà cho rằng cần tẩy chay Thơ Nguyễn và các nhân vật tương tự, không để họ đầu độc trẻ em, làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Nhưng thực tế, cho đến nay, các sản phẩm sữa Kun có hình ảnh và chữ ký của Thơ Nguyễn trên bao bì vẫn xuất hiện trên các quầy kệ siêu thị, tạp hóa.
Zing đang liên hệ với Công ty CP Sữa quốc tế IDP để tìm hiểu rõ hơn về sự việc.