Theo báo cáo mới đây của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 8/2019, tại tỉnh Tiền Giang có 3 loại trái cây bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long.
Nông dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) xếp thanh long vào thùng để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: I.T |
Theo đó, có thời điểm giá dưa hấu rớt mạnh chỉ còn hơn 6.000 đồng/kg, giảm một nửa so với tháng trước; dừa xiêm từ mức 90.000 đồng/chục, giảm xuống còn 40.000 đồng/chục; thanh long ruột trắng giá cũng giảm mạnh, chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 50% so với tháng trước.
Với mức giá này, nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân giảm giá chính vẫn là nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc không ổn định, việc kiểm soát chặt chẽ các xe hàng nông sản qua lại các cửa khẩu vào Trung Quốc đã làm cho đầu ra của trái cây Việt Nam bấp bênh.
Trong khi đó, năm nay nông dân ở các tỉnh trọng điểm trồng nhãn lại rất phấn khởi vì giá tăng cao. Tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thương lái thu mua loại rẻ nhất ở mức 40.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm trắng; 60.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng bao công, 100.000 đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng và đặc biệt nhãn bắp cải được bán với giá 150.000 đồng/kg. Tính ra, giá nhãn bắp cải cao gấp gần 4 lần so với nhãn thường.
Giá nhãn bắp cải đắt đỏ nhưng vẫn được nhiều người lùng mua vì chất lượng thơm ngon, ăn giòn, ngọt. |
Theo một số chủ cửa hàng bán trái cây tại Hà Nội, nhãn bắp cải được nhiều người săn đón, lùng mua bởi giống nhãn này có lớp cơm dày màu vàng nhạt, xoắn và cuộn lại từng lớp như bắp cải, ăn giòn, có vị ngọt và mùi thơm lừng. Đặc biệt, quả nhãn rất to nhưng hạt lại khá nhỏ, khi chín vỏ chuyển sang màu nâu sậm.
Đây là giống nhãn đặc sản của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng vì khó chăm sóc, sản lượng không cao nên người dân ít trồng.
Ở các vùng trồng nhãn khác tại miền Bắc, giá nhãn năm nay cũng cao hơn năm ngoái rất nhiều, trung bình đạt mức 37.000 đồng/kg (năm 2018 là 30.000 đồng/kg).
Tháng 8-9 là thời điểm thu hoạch rộ nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Yến Nhi |
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, do sản lượng năm nay giảm mạnh, chỉ còn 1/3 so với năm ngoái nên giá nhãn lồng tại tỉnh Hưng Yên tăng cao, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Tương tự, tại Tuyên Quang, do thời tiết bất lợi nên nhiều nhà vườn bị kém năng suất so với vụ trước, giá nhãn tươi dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn từ 20.000 - 35.000 đồng/kg so với vụ năm 2018.
Rau quả xuất siêu 1,25 tỉ USD; Trung Quốc vẫn "ăn mạnh"
Trên thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 8/2019 ước đạt 246 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng qua ước đạt 2,53 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc tiếp tục đứng số 1 về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 70,5% thị phần, với giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là Mỹ với 3,6% thị phần (giá trị xuất khẩu đạt 84,07 triệu USD, tăng 12,5%), Hàn Quốc với 3,3% thị phần (giá trị xuất khẩu đạt 76,91 triệu USD, tăng 13,1%), Nhật Bản với 3,1% thị phần (giá trị xuất khẩu đạt 71,07 triệu USD, tăng 7,4%),…
Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào (gấp 2,84 lần), Hồng Kông (gấp 2,37 lần), Đài Loan (44%), Hà Lan (tăng 37,9%), Australia (tăng 33,9%) và Nhật Bản (tăng 25,9%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu các mặt hàng rau quả của nước ta trong tháng 8/2019 đạt 134 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng rau ước nhập khẩu đạt 348 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 880 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất.
Tính ra, trong 8 tháng qua nước ta vẫn xuất siêu 1,25 tỉ USD các mặt hàng rau quả.