Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937, tại thành phố Huế. Ông quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. |
Ông sinh sống và học tập tại Huế cho đến khi hết bậc trung học ở Huế năm 1960 thì ông chuyển vào TPHCM học tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1960, ông tốt nghiệp khóa I ban Việt Hán - Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó ông quay trở lại Huế và tiếp tục việc học tại Trường Đại học Văn khoa Huế, tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Triết học năm 1964.
Từ năm 1960 - 1966, ông dạy tại Trường Quốc học Huế và tham gia tích cực vào các phong trào học sinh, sinh viên và giáo chức chống Mỹ, đòi độc lập, thống nhất đất nước.
Năm 1966 - 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường tình nguyện thoát ly gia đình và di chuyển lên các chiến khu để góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết văn và viết báo từ khi còn rất trẻ. Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm được yêu thích ở cả mảng thơ và bút ký, trong đó, mảng bút ký của ông được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhận định: "Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hóa và lịch sử của các điều kiện đời sống. Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân lóe lên những ánh sáng bất ngờ. Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hóa với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn".
Đặc biệt, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, viết ở Huế năm 1981 của ông, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông và được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT năm 2019.
Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1980; Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008; Giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 - 2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007.
Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Năm 1998, Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bệnh nặng, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, nhưng ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh. Ông được người bạn đời là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chăm sóc tận tình, “không rời nửa bước”. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã rời xa cõi tạm vào ngày 6/7 vừa qua.
Theo con gái cả Hoàng Dạ Thư, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ra đi tự nhiên, thanh thản. Gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ ông và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vào ngày 30 và 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).
Mời quý độc giả xem video: "Tiểu sử nhà văn Lê Lựu".