Trong những ngôi nhà cổ khiến nhiều người thích thú, phải kể đến nhà ở phường 5, TP Bạc Liêu và nhà làm bằng 100 cây cột ở Đồng Tháp.
Tại Bạc Liêu, phủ thờ của dòng họ Cao Triều nằm trên đường Đống Đa (phường 5) - đối diện chợ Bạc Liêu được xem là một trong những căn nhà xưa đẹp nhất nhì xứ này.
Căn nhà cổ nằm trên đường Đống Đa, phường 5, TP Bạc Liêu |
Phủ thờ của dòng họ Cao không chỉ là công trình có lối kiến trúc độc đáo, mà còn là căn nhà cổ duy nhất có bộ nội thất gần như nguyên vẹn. Nơi đây cũng là nơi thờ tổ phụ của nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát.
Mặt tiền căn nhà theo lối kiến trúc hội quán của người Hoa, song, bên trong mang đậm phong cách văn hóa Việt, từ bộ giàn trò đến cửa võng, bao lam, liễn đối…
Phủ thờ dòng họ Cao Triều được xây dựng theo lối kiến trúc Hoa |
Theo bà Cao Tuyết Lệ (82 tuổi), người trông giữ ngôi nhà, phủ thờ dòng họ Cao được xây dựng từ năm 1897, theo lối kiến trúc phương Bắc, mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên xây tường, khung và mặt trước, mặt sau đều làm bằng gỗ quý, như cột gỗ lim, gỗ trắc.
Điều đặc biệt là trải qua nhiều đời, nhưng căn nhà chỉ duy nhất 1 lần thay ngói mới. “Việc chăm sóc căn nhà tương đối vất vả, phải lau, chùi, quét dọn tỉ mỉ…”, bà Lệ cho biết.
Bà Lệ - người trông côi ngôi nhà cổ |
Theo bà Lệ, trước đây căn nhà thường xuyên mở cửa để du khách đến tham quan, tìm hiểu.
“Chúng tôi mở cho mọi người tự do tham quan mà không thu phí. Các cháu sinh viên học ngành Hán - Nôm, giáo sư người Nhật cũng đến tìm hiểu về kiến trúc của căn nhà cổ này”, bà Lệ nói và cho biết, thời gian gần đây vì nhiều lý do mà gia đình đóng cửa, chỉ khi người thân, họ hàng đến thắp nhang.
Hoa văn vô cùng độc đáo |
Từ ngoài nhìn vào sẽ thấy ngôi nhà với nét đường bệ, nền đúc cao, quét vôi vàng, bao quanh là tường rào bằng sắt và cổng vào rộng lớn.
Nhà có ba cửa gồm một cửa chính ở giữa, hai cửa phụ hai bên. Vòm cửa hình bán nguyệt, tường xây cao theo kiểu giấu mái. Nét độc đáo ở mặt dựng ngôi nhà là có khắc hình “lưỡng long tranh châu” ngay trên cửa chính.
Bên cạnh cửa là bốn cây cột đứng hàng ngang, trên có hình điêu khắc các biểu tượng thần linh hết sức tinh xảo.
Ngoài việc bị kẻ trộm leo rào vào cưa lấy mất bộ tượng bằng gốm trang trí ở đầu cột mặt tiền nhà, thì con cháu vẫn còn lưu giữ nhiều món quý, có giá trị.
Kẻ trộm leo rào vàocưa lấy mất bộ tượng bằng gốm trang trí ở đầu cột mặt tiền nhà |
Nhà 100 cột độc nhất miền Tây
Tại Đồng Tháp, ngôi nhà cổ trăm cột ở ấp Tây, xã Tân Bình, huyện Châu Thành có kiến trúc độc đáo, tuổi đời trải qua 100 năm, với 6 thế hệ nhưng đến nay vẫn toát lên một nét đẹp đến nao lòng.
Nhà trăm cột này đã có tuổi đời trên 100 năm |
Chủ nhân của căn nhà này là ông Lê Minh Tồn (78 tuổi), cháu đời thứ 4 của cụ Lê Văn Nhẫn (Cả Nhẫn) - người xây cất ngôi nhà này.
“Nhà này được gọi là nhà 100 cột, vì có 100 cây cột đỡ mái ngói. Gỗ làm cột là làm bằng căm xe nên rất chắc chắn. Từng cột được xếp thành hàng dài song song theo chiều dọc và chiều ngang đứng chịu lực, ráp nối khít với thân kèo, đòn tay”, ông Tồn kể.
Ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm, nhưng vẫn còn vững chãi, cột gỗ càng lâu năm lại càng sáng bóng.
Trên các bao lam, cửa, hoành phi, liễn đối trang trí những đồ án thể hiện nhiều nội dung đề tài như: tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), chim muông, hoa lá, tích sử, cảnh vật trời mây hữu tình... |
Ông Tồn cho biết thêm, kiểu nhà trăm cột này dân gian gọi là nhà chữ đinh trăm cột. “Để tính số lượng cột cũng rất dễ, chỉ cần đếm số cột ngang 10 cột, chiều dài vô 10 cột rồi cứ thế nhân lên là ra 100 cột”.
Ông Tồn - chủ nhân căn nhà độc lạ |
Do thời gian những hàng cột nhỏ chịu nắng mưa, xuống cấp và vì rườm rà ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nên gia đình đã được dỡ bỏ, vì vậy hiện chỉ còn 80 cột.
Căn nhà có mặt chính nhà quay về hướng đông bắc, sân rộng dùng để phơi lúa; mái lợp ngói âm dương. Mặt bằng nhà được chia thành nhà trên và nhà dưới theo kiến trúc nhà chữ đinh.
Thân kèo chế tác theo kiểu kèo tam đoạn, mỗi đầu kèo là một đồ án trang trí, thể hiện nội dung đề tài khác nhau, đầu đoạn kèo dưới, có dạng mái chèo, phía trên vót lên như hình đầu chim phượng. |
Chính sự lộng lẫy và nội thất của ngôi nhà này đã làm cho những ai có dịp đến đây đều phải trầm trồ thán phục.
Bên cạnh đó, phía ngoài ở khoảng giữa cột hàng ba gian bìa đặt hai bộ ngựa gõ dày. Từ cột nhà đến các đồ dùng như bàn ghế, giường, tủ, phản... đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu mang các đề tài cổ điển như: tứ linh (long - lân - quy - phụng), tứ tiết (mai - lan - cúc - trúc), các mô típ thể hiện Phúc - Lộc - Thọ... lồng ghép những ý tưởng, ước muốn có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc.
Không gian mặt tiền phía trong là nơi trang trọng nhất. Ở đây được trang hoàng lộng lẫy với việc sắp đặt bài trí các nơi thờ phụng, tủ thờ Bắc - Trung - Nam, bộ 4 ghế được khảm xà cừ đẹp mắt, tranh liễn, đèn trang trí... Đồ thờ tự gồm lư, chân đèn, hạc, đèn bình hoa, mâm bồng, tất cả đều là cổ vật.
Trên mỗi cột hàng nhất đều có tranh liễn về những hình ảnh tích truyện được cẩn ốc xà cừ nổi bật.
Trần nhà còn có treo 2 chiếc đèn trang trí, một là đèn chùm của châu Âu sản xuất, hai là đèn lồng rất đẹp. Dù thời gian sử dụng đã trên 100 năm nhưng đến nay bộ khung vẫn còn vững chãi.
Điều đặc biệt nữa là chủ nhân ngôi nhà luôn cởi mở đối với những người đến thăm.