Giới nghệ sĩ cũng vô cùng bức xúc, không biết thực hư ra sao. Đây là công trình mà danh hài Hoài Linh dành hết tâm huyết, được xây từ những đồng tiền anh chắt chiu, dành dụm trong suốt cả đời đi diễn.
Để xác thực thông tin, phóng viên đã có mặt tại phường Long Phước, quận 9, TP HCM.
Khung cảnh quê thanh bình, nơi nhà thờ Tổ của danh hài Hoài Linh tọa lạc. |
Không khí sau tết tại đây vắng vẻ lạ thường. Khu công trình nhà thờ Tổ nghiệp của danh hài Hoài Linh nằm nép mình bên một con rạch yên ả, chảy từ dòng sông Đồng Nai. Nước ròng, con rạch trơ bùn, lưa thưa vài bông lục bình tím dưới ánh nắng chói chang...
Con đường ở phía trước đền thờ Tổ nghiệp của danh hài Hoài Linh vẫn còn chưa trải nhựa, chông chênh đá, đất. Thời tiết khô hanh, thỉnh thoảng mới có chiếc xe máy chạy ngang, xé toạc không gian tĩnh lặng, bụi bay mịt mù.
Cổng chính vào nhà thờ, hai bên có hai rồng trắng chầu đã được trang trí hoa văn, gần như hoàn chỉnh.
Hòn đá “Phụ, tử” đặt trong khuôn viên vẫn chưa được tháo bao nylon. Theo nhiều người am hiểu, bao nylon chỉ được tháo trong ngày mừng nhà thờ Tổ nghiệp hoàn thành.
Nóc nhà thờ Tổ chính đã được lợp xong ngói đỏ. Những họa tiết mái vòm cũng đã được các thợ thủ công hoàn tất.
Nhà thờ phụ đang trong quá trình hoàn thiện. Mái nhà đã được lót ván, chuẩn bị lợp ngói.
Một góc nhà thờ chính đã hoàn thiện. |
Theo quan sát của phóng viên, trong khuôn viên, danh hài Hoài Linh đã cho xây xong một nhà nghỉ khá khang trang. Căn nhà này nằm bên phải nhà thờ chính. Đây là nơi Hoài Linh dành cho bá tánh đến tham quan nghỉ lại qua đêm.
Nghệ nhân chính mà danh hài Hoài Linh giao thác cho việc xây dựng là anhNăm vẫn đang còn ở ngoài Bắc đón tết cùng gia đình, chưa vào nên việc xây dựng chưa được tiến hành tiếp tục. Hiện tại, chỉ có những thợ phụ làm các công việc lặt vặt như sơn phết, chỉnh trang lại các họa tiết cho sắc nét hơn.
Trước tết, phóng viên có gặp anh Năm. Người đàn ông này cho biết sẽ về quê đón tết cùng gia đình, phải hết qua Rằm tháng Giêng mới vào lại và tiếp tục công việc xây dựng mà Hoài Linh giao.
Trông coi khu nhà thờ Tổ của Hoài Linh là anh Minh, một người thân cận của danh hài Hoài Linh.
Anh Nam, người dân sống gần khu vực đền thờ Tổ cho biết: “Người dân ở đây mong nhà thờ Tổ hoàn thành, để có thể nhìn tận mặt nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều người dự tính sau này còn bán quán nước hai bên đường để phục vụ khách đến tham quan nhà thờ. Không có chuyện nhà thờ Tổ đang bị ai đó phá hoại đâu. Tui ở đây đâu có thấy động tĩnh gì”.
“Hoài Linh chắc lo chạy show, ít thấy tới đây lắm. Tui gặp ổng có một lần, hồi khởi công xây dựng nhà thờ. Nhìn ổng ốm nhom, thân thiện chào hỏi bà con xung quanh, ai cũng thương hết. Ổng không làm màu là nghệ sĩ nổi tiếng đâu, bình dân lắm” – Anh Nam nói thêm.
Chị Tuyền, một người dân gần đó hồ hởi: "Tui đang đợi nhà thờ tổ khánh thành, sẽ bày vài cái bàn, cái ghế bán nước mía cho khách tham quan. Từ trước giờ khu này yên tĩnh như quê, không buôn bán gì được. Mai mốt chắc có nhiều người đến, nhất là trong ngày giỗ Tổ nghệ sĩ".
Được biết, danh hài Hoài Linh đã dành tâm huyết cả đời mình để xây dựng ngôi nhà thờ Tổ nghiệp, là nơi để giới nghệ sĩ khắp nơi đến chiêm bái, bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã khai sáng ra nghệ thuật sân khấu.
Trong khuôn viên nhà thờ, danh hài Hoài Linh còn cho đúc 100 bức tượng sáp như người thật, là những nhân vật có sự cống hiến trọn đời cho nghệ thuật như: NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương, NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Ngọc, NSƯT Thanh Kim Huệ…
Do khao khát mau chóng hoàn thành ngôi nhà thờ Tổ nghiệp, danh hài Hoài Linh đã bất chấp sức khỏe, chạy show tất bật để kiếm tiền, dốc hết vào quá trình xây dựng đang còn ngổn ngang. Anh đã nhiều lần ngất xỉu trên sân khấu, làm nhiều đồng nghiệp lo lắng.
Mới đây nhất, danh hài Hoài Linh đã được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT, một phần thưởng cao quý ghi nhận quá trình cống hiến tận tụy của anh cho nền nghệ thuật và sân khấu nước nhà.