Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu Xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. |
Dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã vào cuộc khá quyết liệt, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế chỉ định thầu với gói thầu trên 3.000 tỷ đồng nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện nay số doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí để thực hiện cơ chế chỉ định thầu cũng không quá 50 nhà thầu.
Ông Hiệp cho rằng, các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn hết sức cồng kềnh nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn.
Thứ hai là đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những đơn giá mà nhà nước đưa ra chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện khá nhiều nhà thầu có cái tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây lại là một nghịch lý, bởi vì không có nhà nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, vì giá, định mức rất khó thực hiện.
Thay mặt Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét 3 đề xuất:
Thứ nhất, cần điều chỉnh lại các định mức chưa hợp lý so với thiết kế, thi công hiện tại; hướng dẫn, kiểm tra công tố giá cả máy, giá nhân công của các địa phương cách phù hợp sát với mặt bằng giá thị trường và bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.
Thứ hai là triệt để tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, nhất là các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân.
Thứ ba, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.