Ngày 17/2 vừa qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã chính thức bị bắt giữ nhằm phục vụ công tác điều tra vụ bê bối chính trị liên quan tới Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye. Đây là một biến cố lớn trong lịch sử 80 năm của tập đoàn Hàn Quốc nổi tiếng.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lạc sự quan rằng Samsung sẽ vượt qua được cơn sóng gió này. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào hành trình khởi nghiệp đầy thăng trầm của nhà sáng lập Lee Byung-chull - người đã tạo nên huyền thoại Samsung từ bàn tay trắng.
"Cậu ấm" ăn chơi, nhiều lần trắng tay
Lee Byung-chull sinh năm 1910 trong một gia đình thuộc hàng khá giả ở huyện Yiryeong, tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc. Thuở thiếu thời ông khét tiếng là một cậu ấm hay bỏ học và ăn chơi triền miên.
Sau khi dở dang con đường học vấn tại Đại học Waseda ở Tokyo, Lee Byung-chull bắt đầu lao vào công việc kinh doanh trong ngành xay xát gạo, nhưng ngay năm đầu tiên đã thua lỗ mất đến nửa số vốn của mình. Sau đó ông phân tích nguyên nhân và xoay xở để làm xưởng xay xát đã làm ăn có lãi. Tuy nhiên sau đó ông lại thất bại thê thảm đến mức phá sản khi đầu cơ vào đất đai.
Mùa thu năm 1937, trong tâm trạng tuyệt vọng, Lee Byung-chull đi du lịch một chuyến dài hai tháng khắp Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong chuyến đi, ông đã tập trung tìm hiểu giá cả hàng hóa và quá trình lưu thông phân phối ở những nơi mình đã qua. Với những trải nghiệm có được, ông quyết định chuyển sang hoạt động trong ngành thương mại .
Năm 1938, khi đã 30 tuổi, Lee Byung-chull thành lập Samsung thương hội (Samsung nghĩa là Tam Tinh - ba ngôi sao) ở Daegu với số vốn là 30.000 won (tương đương 5 triệu USD ở thời điểm hiện tại). Đây chính là tiền thân của tập đoàn Samsung ngày nay. Xuất phát chỉ là một doanh nghiệp vận tải, sau đó kiêm thêm buôn bán nhỏ lẻ với các mặt hàng do chính công ty sản xuất, Samsung có được khởi đầu thuận lợi khi nhanh chóng làm ăn phát đạt.
Tuy nhiên. Nhưng khi công việc kinh doanh vừa vào guống thì Lee Byung-chull lại lạc lối. Sa vào con đường ăn chơi, đêm nào ông cũng cùng các chủ cơ sở sản xuất rượu khác đến các tửu lầu đến sáng mới về.
Ảnh: Ovguide.com |
Khi Hàn Quốc được giải phóng (ngày 15/8/1945), ông nhìn lại bản thân và tự nhủ: “Ta có thể làm gì để cống hiến cho đất nước đã được giải phóng? Đúng vậy. Con đường phụng sự tổ quốc của ta chính là hiến thân cho kinh doanh”.
Lee Byung-chull chuyển đến Seoul năm 1947. Một năm sau, ông lập Công ty Samsung C&T (Construction & Trading) chuyên xể xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng. Công ty làm ăn thuận lợi được một thời gian thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Toàn bộ hàng hóa của công ty bị đốt phá, một lần nữa ông phải làm lại từ đầu.
Cha đẻ nền công nghiệp Hàn Quốc
Khi chiến tranh kết thúc, Lee Byung-chull chuyển xuống Daegu để gây dựng lại sự nghiệp từ số tiền 300 triệu won còn giữ được. Công ty Samsung C&T tiếp tục làm ăn phát đạt, lợi nhuận ròng sau 6 tháng là 1 tỷ won, sau một năm là 6 tỷ won.
Dù vậy, Lee Byung-chull vẫn trăn trở: “Tại sao chúng ta không thể tự sản xuất những thứ chúng ta dùng?”. Sau khi phân tích tình hình, Ông quyết định ngừng kinh doanh thương mại để chuyển sang sản xuất, bất chấp sự e ngại của các chuyên gia và lãnh đạo các ban ngành, sự phản đối của ban giám đốc công ty…
Sau đó, Lee Byung-chull đã lần lượt thành công trong việc sản xuất đường, dệt len, vải - những mặt hàng mang nhãn “Made in Korea” và trở thành người giàu nhất Hàn Quốc vào thập niên 1960, đóng góp cho ngân sách nhà nước 4% tổng số thuế trên cả nước.
Sang những năm 1970, công nghiệp nặng ở Hàn Quốc bắt đầu phát triển mạnh, Lee Byung-chull lại cùng đồng nghiệp quyết định chuyển sang kinh doanh đóng tàu. Đến những năm 1980, cách mạng khoa học kỹ thuật mới nổ ra và công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông phát triển mạnh trên thế giới, ông Lee Byung-chull lại cùng đồng nghiệp quyết định lấy phát triển công nghiệp điện tử làm hướng kinh doanh chủ đạo và Samsung trở thành tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh cực công nghiệp điện tử.
Năm 1987, Lee Byung-chull từ trần. Dưới sự lãnh đạo của thế hệ kế cận, tập đoàn Samsung tiếp tục khẳng định vị thế toàn cẩu của mình, còn bản thân người sáng lập được tôn vinh là cha đẻ nền công nghiệp Hàn Quốc.
Sam sung ngày nay là một thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới. Ảnh: Google Play. |
Điều làm nên một nhà quản lý kiệt xuất
Cuộc đời nhiều thành công nhưng cũng không ít lần vấp ngã của Lee Byung-chull để lại cho những người đi sau nhiều bài học vô cùng đắt giá.
Trước hết, ông đã cho thấy, một doanh nhân nhạy bén luôn biết điều mà thời đại cần nhất là gì. Sự nhạy bén của ông thể hiện rất rõ trong việc theo đuổi ngành công nghiệp chất bán dẫn. Lúc bấy giờ, thị trường chất bán dẫn đang do Mỹ và Nhật chia nhau nắm giữ, Hàn Quốc tham gia sau nên cơ hội thành công rất mong manh. Dù vậy, Lee Byung-chull vẫn đầu tư vào ngành này, đó là vì ông đã thu thập và nắm bắt rất kỹ về tình hình biến động của thế giới. Nhờ sự lựa chọn ấy mà Hàn Quốc đã gặt hái được thành công bước đầu trên con đường trở thành một cường quốc công nghệ thông tin.
Rất tâm đắc với tư tưởng “tùy cơ ứng biến, linh hoạt dụng binh” của Binh pháp Tôn Tử, Lee Byung-chull cho rằng giống như chiến trường, thương trường đòi hỏi phải ứng biến kịp thời, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Bởi vì, trên thương trường, chủ doanh nghiệp không phải đối phó với một địch thủ như trên chiến trường mà đối phó với nhiều địch thủ khác nhau, có thế và lực khác nhau từ nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, nếu không ứng biến kịp thời thì chủ doanh nghiệp sẽ thất bại.
Bên cạnh khôn ngoan, tỉnh táo trong thời thế, sự cầu toàn là một yếu tố quan trọng khác đưa Lee Byung-chull đến thành công. Suốt cuộc đời của mình, ông đã tạo nên một Samsung nổi tiếng với hệ thống quản lý chặt chẽ và trong đó, ông chủ là người biết tất cả mọi thứ. Trước khi làm bất cứ việc gì, Lee Byung-chull đều bắt đầu từ việc thu thập tài liệu và thông tin. Ông từng bị chỉ trích vì đã can thiệp vào tất cả buổi phỏng vấn tuyển dụng nhân viên mới từ năm 1957 cho đến năm 1986 - tổng cộng khoảng 100.000 cuộc phỏng vấn
Ảnh: The Richest |
Theo chia sẻ của Lee Byung-chull, tính cầu toàn đã hình thành khi ông lớn lên cùng người cha nghiêm khắc, một doanh nhân có phong cách lạnh lùng, luôn lập kế hoạch tỉ mỉ và điều tra cặn kẽ trước khi kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì. Trong tự truyện của mình, ông viết: “Cha tôi không cho phép tôi vội vàng khi làm bất cứ việc gì. Ông nói không được xử lý mọi việc một cách quá sức”. Và Lee Byung-chull trong suốt sự nghiệp của mình, Lee đã luôn làm theo những gì cha mình đã dạy.
Rất đề cao yếu tố con người, Lee Byung-chull là một nhà điều hành rất tin tưởng vào nhân viên của mình và có thể để họ tự thân làm việc mà không hề giám sát. Đối với ông, quản lý không phải là chơi với những con số, mà phải là quản lý con người. Đó là lý do Lee không hề thuê một chuyên gia kinh doanh để làm cố vấn cho mình mà thay vào đó là một nhà tâm lý học.
Mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị là một yếu tố khác làm nên thành công của Lee Byung-chull. Trong sự hỗn loạn của cuộc chiến tranh Triều Tiên, công ty của Lee vẫn tồn tại vững chắc do mối quan hệ hòa hảo của ông với chính phủ của Rhee Syng-man (Lý Thừa Vãn). Đầu những năm 1960, khi dính vào một cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng sau sự sụp đổ của chính quyền Rhee Syng-man, Lee đã gặp mặt tướng Park Chung-hee – người đứng đầu chính quyền quân sự bấy giờ. Cả hai đã đi đến thỏa thuận: Tất cả lỗi lầm quá khứ của Lee sẽ được bỏ qua, với điều kiện ông phải sẵn sàng làm việc với mục tiêu ủng hộ chính phủ mới, đây cũng là giai đoạn Hàn Quốc chuyển mình trở thành quốc gia công nghiệp.
Lee Byung-chull cũng chứng minh rằng, một doanh nhân vĩ đại phải là người có tinh thần phụng sự quốc gia. Ông luôn trung thành với suy nghĩ của bản thân và tin tưởng rằng sự phát triển của kinh doanh là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của quốc gia. Chính suy nghĩ đó đã khiến ông luôn nỗ lực trong việc phát triển kinh tế để phát triển đất nước. Sự nỗ lực của ông đã làm tan băng mối quan hệ với chính phủ và giúp các doanh nghiệp cá nhân phát triển.
Đúc kết lại một cuộc đời vinh quang và cũng đầy sóng gió, Lee Byung-chull cho rằng: “Samsung thành công là do đã thức thời chuyển đổi theo thời cuộc. Tôi luôn nói với các đồng nghiệp rằng trên thế gian này, sự vật luôn biến đổi. Hơn nữa trong kinh doanh hiện đại, thương trường còn phức tạp và biến hóa hơn chiến trường. Nắm chắc phương châm này và biết cách thay đổi, tiến cùng thời đại người ta sẽ thắng. Nếu không, sẽ chết”.