Cha đẻ thiết kế các mẫu tiêm kích đánh chặn MiG-29/31 - nhà thiết kế Rostislav Belyakov đã qua đời vào ngày 28/2 vừa qua ở độ tuổi 94 sau một thời gian dài mắc bệnh nặng, không thể chờ đợi cho đến dịp sinh nhật tròn 95 tuổi vào ngày 4/3 tới.
Nhà sáng chế máy bay tài ba Rostislav Belyakov. |
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, sự nghiệp vĩ đại của bậc thầy về chiến đấu cơ gắn liền với máy bay chiến đấu MiG. Dưới sự lãnh đạo của ông, Liên Xô đã phát triển một loạt các máy bay chiến đấu nổi tiếng như tiêm kích đánh chặn MiG-29, MiG-31 và tiêm kích bom MiG-27.
Ngoài ra, ông Rostislav Belyakov còn tham gia chế tạo một số máy bay khác, bao gồm cả việc thử nghiệm mẫu chiến đấu cơ tối tân thế hệ thứ 5 hiện nay của Nga.
Ông Belyakov sinh năm 1919 tại Krakow Vladimir Oblast Murom, năm 1941 tốt nghiệp Học viện Hàng không Moscow, sau khi tốt nghiệp, Belyakov gia nhập đội ngũ thiết kế của Cục thiết kế MiG từ năm 1941.
Thiết kế tiêm kích đánh chặn thành công, MiG-29. |
Do thành tích xuất sắc trong công việc, ông đã được kết nạp Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1944. Năm 1962, ông được bổ nhiệm là Phó Phó giám đốc thiết kế của MiG, sau đó tới năm 1970 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc thiết kế của MiG.
Dưới sự dẫn dắt của ông, một dòng máy bay chiến đấu mới mang thương hiệu MiG đã ra đời, trong đó có những thương hiệu “không đối thủ” cho đến tận hôm nay.
Ông Sergei Korotkov, Tổng giám đốc Công ty MiG đánh giá: “Nhà thiết kế Rostislav Belyakov xứng đáng tiếp tục và phát triển sáng tạo cho trường phái thiết kế độc đáo của Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich. Dưới sự lãnh đạo của ông, các máy bay MiG-29 và MiG-31 ra đời đã bảo vệ bầu trời tổ quốc của chúng tôi”.
MiG-29 (NATO định danh là Fulcrum) là mẫu tiêm kích đa năng hạng nhẹ do Cục thiết kế MiG sáng chế và đi vào phục vụ từ năm 1983. Nó ra đời nhằm đối đầu với các mẫu tiêm kích F-16, F/A-18 của Mỹ. Các mẫu đầu của MiG-29 chỉ có thể mang tên lửa không đối không tầm ngắn/tầm trung và bom không điều khiển, nhưng các biến thể hiện đại hóa gần đây đã có thể mang được tên lửa không đối đất/bom có điều khiển.
Tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới hiện nay, MiG-31. |
Còn MiG-31 là mẫu tiêm kích đánh chặn chiến lược được phát triển dựa trên mẫu MiG-25, nhờ đó thừa hưởng tốc độ có thể nói là nhanh nhất thế giới làng chiến đấu cơ hiện nay, Mach 2,83 (tương đương 3.000km/h).
Bộ vũ khí của MiG-31 cũng cực kỳ đáng sợ với tên lửa đối không tầm ngắn - tầm trung - tầm xa. Đặc biệt là tên lửa không đối không hạng nặng R-37 có thể đạt tốc độ Mach 6, tầm bay 300km, dùng đầu tự dẫn radar chủ động. Loại tên lửa này chuyên được dùng để tiêu diệt các máy bay chỉ huy cảnh báo sớm đường không.